Thu hút người dân đến vận tải công cộng

Tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) vận hành khai thác thương mại đã được người dân Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận. Số người đi lại trên các tàu metro để đi học, đi làm tăng mỗi ngày, hứa hẹn “kéo” người dân đến với loại hình vận tải công cộng hiện đại, giảm áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến metro số 1 mới đưa vào khai thác chạy 200 lượt tàu/ngày.
Tuyến metro số 1 mới đưa vào khai thác chạy 200 lượt tàu/ngày.

Phương tiện văn minh, tiện lợi

Có mặt tại ga trung tâm Bến Thành (Quận 1) từ 6 giờ sáng, chúng tôi ghi nhận rất đông khách lên xuống ga từ những đoàn tàu metro. Đây là những người sử dụng metro trong ngày thứ 3 khai thác thương mại. Anh Hưng Chấn Long (ngụ Quận 5) chia sẻ, hằng ngày tôi phải di chuyển xe máy về TP Thủ Đức làm việc nhưng nay có tàu metro hoạt động nên giúp ích cho việc di chuyển rất nhiều. “Tôi đi bộ ra ga tàu tầm 15 phút rồi lên ga Bến Thành, di chuyển đến ga Thảo Điền (TP Thủ Đức) đi bộ đến công ty tầm 10 phút, nhanh chóng, an toàn, lại ngồi trên đoàn tàu hiện đại, không khác gì đi làm ở các nước phát triển trên thế giới”, anh vui mừng nói.

Ngồi trên tàu sạch sẽ, máy lạnh mát mẻ đến trường, em Lại Thị Mộng Vân (sinh viên năm 3 Trường đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) phấn khởi khoe. “Em xuống ga Văn Thánh là có ngay xe bus điện đưa đến tận trường học nhanh chóng. Điều thú vị là đoàn tàu đi trên cao di chuyển trên một trong những cung đường cửa ngõ đẹp nhất, ngồi ngắm nhìn các tòa nhà cao tầng dọc hai bên tuyến mới cảm nhận được tầm vóc phát triển không ngừng của thành phố”.

Chung niềm vui, nhiều hành khách, người dân khi đi lại trên tàu metro đều thích thú vì từ nay sẽ không còn phải phụ thuộc vào phương tiện cá nhân như xe máy, ô-tô, không còn phải hít khói bụi trên đường, chấm dứt cảnh kẹt xe trong giờ cao điểm.

Theo ghi nhận, tại khu vực ga trung tâm Bến Thành, hầu hết là những người đi từ Quận 1, 3, 4 tới các khu như Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia để đi làm. Tương tự, ở chiều ngược lại, nhiều người dân từ các ga ở TP Thủ Đức đi vào trung tâm làm việc. Ngoài ra cũng có rất nhiều người đi du lịch trở về, xuống xe ở Bến xe Miền Đông mới (ga Bến xe Suối Tiên) cũng sử dụng metro để đi vào thành phố.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị vận hành) Lê Minh Triết cho biết, so ngày đầu vận hành chính thức thì ngày thứ 2, thứ 3 đã bớt quá tải hơn. Các ga, đặc biệt ga Bến Thành không còn quá đông. Tuy nhiên, đơn vị vẫn huy động tối đa nhân viên, tình nguyện viên đến các ga để hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm quen.

Cũng theo ông Triết, xét theo nhu cầu sử dụng metro đi làm hay đi học hằng ngày, trung bình hiện nay khoảng 40 nghìn lượt khách/ngày, con số này vượt cao so với số lượng hành khách dự kiến ban đầu (khoảng 27 nghìn lượt khách/ngày). Thậm chí, kế hoạch ban đầu dự kiến chạy 9 đoàn tàu, nhưng sau đó do nhu cầu quá cao nên đã bổ sung thêm 1 đoàn tàu. Điều này chứng tỏ sức hút từ tuyến metro số 1 rất lớn và dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Cú huých cho ngành du lịch

Tổng thời gian thi công dự án trải qua hơn 17 năm với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, từ những kinh nghiệm đã có, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng 7 tuyến metro dài 355 km trong 10 năm tới. Các tuyến metro sắp tới được định hướng tăng chiều dài đi ngầm để giảm chi phí đền bù và khai thác hiệu quả không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang đô thị.

Tiếp nối metro số 1, dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) cũng đang được khẩn trương thực hiện. Đến nay, dự án đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng, đạt 100%. Dự án đã thi công các hạng mục công trình điện, cấp nước, thoát nước, biển báo. Mới đây, việc di dời, đấu nối đóng điện tuyến cáp ngầm cao thế 110 kV phục vụ xây dựng nhà ga S2-Tao Đàn của tuyến metro số 2 cũng đã hoàn thành.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, trong giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch, phát triển mạnh theo mô hình TOD - mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng có tốc độ cao và khối lượng lớn. Mong người dân thành phố và du khách sẽ tích cực ủng hộ để phát huy hiệu quả tối đa của tuyến đường sắt đô thị sau khi vận hành chính thức. Qua đó nhằm xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững trong tương lai.

Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh, việc di chuyển nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí đã sẵn sàng mang đến cho người dân và du khách trải nghiệm độc đáo khi khám phá thành phố. Tuyến metro kết nối các khu vực trung tâm và phía đông thành phố, qua đó đưa du khách đến gần hơn với các điểm tham quan nổi bật như Trung tâm thành phố, khởi đầu hành trình tại ga Bến Thành với những công trình, biểu tượng của thành phố như Chợ Bến Thành, Nhà hát thành phố, Trụ sở HĐND-UBND thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bảo tàng Mỹ thuật…

Tuyến metro số 1 sẽ chạy 200 lượt tàu/ngày (gồm 100 lượt đi, 100 lượt về). Chuyến đầu tiên xuất bến lúc 5 giờ sáng, chuyến cuối cùng xuất bến lúc 22 giờ. Thời gian giãn cách mỗi chuyến, giờ cao điểm 8 phút/chuyến, giờ thấp điểm 12 phút/chuyến. Thời gian đi từ ga Bến Thành (Quận 1) đến ga Bến xe Suối Tiên (TP Thủ Đức) là 29 phút.