Bắt đầu mùa mới
Hội An đang trong những ngày mưa cuối năm, theo đó lễ hội cũng phải dựng thêm phần rạp cho ngày lễ xuống đồng không bị ẩm ướt. Lễ hội đã trở thành một điểm nhấn thu hút du khách khi kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch trải nghiệm. Các hoạt động như cày bừa, gieo sạ, hay thưởng thức những món quê đặc trưng được tái hiện sống động, mang lại những gam màu đồng quê và cảm giác thư thái cho khách tham quan.
Sự kiện này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh Hội An không chỉ là một đô thị cổ mà còn là một điểm đến với cảnh quan nông nghiệp và nông thôn. “Lễ hội xuống đồng” chính là lời mời gọi mọi người cùng trân trọng, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống giữa lòng thời đại mới.
Mặc cho cơn mưa phùn lạnh lẽo, sáng sớm tại cánh đồng Cẩm Châu đã vang tiếng cười nói rộn rã của người dân địa phương, ông Lê Văn Thành, 62 tuổi, có thâm niên gắn bó với nghề lúa tại đây, vui vẻ: “Trời mưa đúng là bất tiện nhưng không khí lễ hội thì vẫn rộn ràng lắm. Hôm nay là ngày bà con cầu cho mùa màng tốt tươi, nên mưa cũng là lộc trời”.
Trong tiếng trống hội và điệu múa dân gian, từng đoàn người nối nhau ra đồng để thực hiện nghi thức. Bà Nguyễn Thị Hòa, 45 tuổi, một người dân phường Cẩm Châu, kể: “Lễ hội này là truyền thống lâu đời của làng tôi. Chúng tôi không chỉ cầu cho vụ mùa bội thu mà còn muốn nhắc nhở con cháu giữ gìn bản sắc quê hương”.
Không chỉ người dân địa phương, nhiều du khách đến từ khắp nơi cũng tham gia vào lễ hội. Anh Nguyễn Văn Minh, một du khách từ Đà Nẵng hào hứng nói: “Tôi từng nghe kể về lễ hội này nhưng hôm nay mới tận mắt chứng kiến. Thật sự ấn tượng với sự gắn kết giữa văn hóa truyền thống và đời sống của người dân Hội An”.
Dưới cơn mưa nhẹ, quá khứ là trâu cày, hiện tại là máy cày được tái hiện. Vài khách du lịch cũng đăng ký lội bùn cầm cày đi sau con trâu. Sau lễ hội, ông Thành lạc quan nói thêm: “Vụ lúa chiêm xuân năm nay hứa hẹn tốt hơn năm trước. Người dân chúng tôi vừa giữ được hồn cốt lễ hội, vừa có thêm động lực lao động sản xuất”.
Những giá trị mới từ cánh đồng
Phường Cẩm Châu, TP Hội An, với hơn 220 ha đất nông nghiệp, từ lâu đã gắn liền với những cánh đồng có tên gọi thân thuộc như Rộc Lũy, Bà Tuôi, Tam Bửu hay Bà Lò. Bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch UBND phường Cẩm Châu chia sẻ: “Lễ hội xuống đồng” không chỉ mang lại không khí phấn khởi cho nông dân, mà còn gợi lại nét đẹp của sản xuất nông nghiệp, một ký ức quen thuộc với bất kỳ ai từng sống ở vùng quê”.
Dù giá trị kinh tế từ nông nghiệp không cao, các cánh đồng kể trên đang tạo nên một sức hút lớn đối với du khách, đặc biệt là những người yêu thích trải nghiệm cuộc sống đồng quê. Nắm bắt xu hướng này, nhiều gia đình ở các thôn làng sâu trong phường đã xây dựng các khách sạn nhỏ, phục vụ khách thuê dài hạn. Bên cạnh đó, các dịch vụ như quán cà-phê, nhà hàng ven đồng lúa cũng góp phần làm phong phú trải nghiệm cho du khách.
Lễ hội đã qua ba mùa tổ chức, thu hút đông đảo người dân và du khách. Các hoạt động như đạp xe quanh cánh đồng, tham gia trồng lúa cùng nông dân, hay thưởng thức những món ăn truyền thống tạo nên bức tranh kết hợp giữa du lịch và sản xuất nông nghiệp. “Lễ hội xuống đồng” không chỉ cho một vụ mùa bội thu mà còn cho sự phát triển bền vững của du lịch nông nghiệp tại Hội An. Niềm vui lan tỏa từ lễ hội không chỉ hiện diện trong trái tim người dân mà còn ghi dấu ấn đẹp trong lòng du khách thập phương.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An nhấn mạnh: “Về giá trị kinh tế, nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng cảnh quan và trải nghiệm đồng ruộng lại mang giá trị vô hình lớn, góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch”.