Xung kích trong hiểm nguy
Tại khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt - đường Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu), dù mỗi lần nước lên đều nhanh nhưng người dân nơi đây đã không còn lúng túng. Đến thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Bé, Tổ trưởng 37, khu dân cư 8 Đà Sơn chỉ cho chúng tôi một kho nhỏ chứa xuồng, phao áo, phao tròn, phao bè. “Đây là kho tập kết các trang thiết bị, phương tiện phòng, chống thiên tai do phường cấp phát để sẵn sàng ứng cứu, sơ tán người dân mỗi khi ngập”, ông Bé nói.
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, ngay trong đợt ngập lụt vừa qua, ông Bé và người dân trong tổ đã có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó như kêu gọi, hỗ trợ người dân vùng ngập sâu sơ tán, hỗ trợ người dân di dời, kê cao tài sản. Qua đó thể hiện tinh thần phòng ngừa chủ động, trách nhiệm và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương. Ông Nguyễn Bé chia sẻ: “Khi đưa người thân sơ tán xong là chúng tôi lập tức lao đi hỗ trợ bà con. Không cần ai phải nhắc ai hết mà cứ thế tập trung rồi triển khai”.
Không chỉ trong đô thị, người dân tại các vùng nông thôn thường xuyên chịu tác động của thiên tai cũng đã nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó, nhất là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Theo đại diện UBND huyện Hòa Vang, 11 xã trên địa bàn huyện đã thành lập các đội xung kích phòng, chống thiên tai từ nhiều năm trước. Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát, kiện toàn và bổ sung thành viên theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai trong xây dựng và củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, bên cạnh vai trò của các lực lượng chức năng, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã đóng vai trò là nòng cốt trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở cơ sở. Có thể nói, Đội xung kích là lực lượng “chiến tuyến” phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các tình huống thiên tai khẩn cấp trước khi có lực lượng bên ngoài tiếp cận. “Lực lượng với thành phần chủ chốt là những người sinh sống chính tại địa phương, hiểu phong tục tập quán của cộng đồng và thông thuộc địa hình, xác định cụ thể các điểm xung yếu nên sẽ chủ động hơn trong các hoạt động phòng, chống hay cứu người”, ông Phan Duy Anh cho biết.
Nâng cao năng lực ứng phó
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, các đô thị lớn như Đà Nẵng, với mật độ dân số cao và hệ thống cơ sở hạ tầng phức tạp thường chịu tác động tiêu cực trước các loại hình thiên tai như lũ lụt, bão, sạt lở đất, nhất là khu dân cư có nhiều người lao động nhập cư thuê trọ, hộ gia đình khó khăn. Mặt khác, việc nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó thiên tai của người dân đô thị là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư lâu dài và đồng bộ. Ngoài lý do bất ổn của thời tiết, một số người có thái độ chủ quan, ngộ nhận về rủi ro của các loại hình thiên tai.
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, một số ý kiến cho rằng, Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập để xử lý, ứng cứu ngay từ đầu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, đây là ý tưởng hay và thiết thực. Tuy nhiên, vì đa phần là tự phát nên hầu hết chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phương tiện ứng cứu. Ông Phan Duy Anh cho rằng: “Thời gian tới cần triển khai đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng này tại cơ sở, nhất là nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn khi thiên tai xảy ra tại địa phương”.
Bên cạnh đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” của thành phố, các chương trình thuộc dự án “Nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” cũng đã tổ chức nhiều lớp trang bị kiến thức về cảnh báo sớm và hành động sớm thông qua các buổi tập huấn về sơ cấp cứu hay chằng chống nhà cửa cho các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp phường và người dân trên địa bàn.