Thống kê cho biết, thành phố hiện có khoảng 660 doanh nghiệp nhỏ cùng hơn 1.700 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Nghề gốm thủ công Thanh Hà, nghề mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm, nghề làm đèn lồng không chỉ tạo nguồn thu cho nghệ nhân, người lao động mà còn mang đến nét đặc sắc cho các tour du lịch nội địa. Nhận thấy thế mạnh của các làng nghề truyền thống, TP Hội An luôn chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo bền vững của các nghề, làng nghề nhằm tạo chuỗi giá trị đặc trưng.
Tháng 10/2023, Hội An chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Đây là thế mạnh, đồng thời là lĩnh vực được bảo tồn, phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Cột mốc này yêu cầu việc bảo tồn và phát triển các làng nghề của thành phố này tiếp tục bước sang giai đoạn mới với những tiêu chí khắt khe trong quá trình hoàn thiện chuỗi giá trị làng nghề. Trong đó tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tô đậm thương hiệu và danh tiếng của di sản. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, muốn tăng giá trị làng nghề và các sản phẩm thủ công truyền thống, trước tiên, Hội An cần tập trung tái định vị sản phẩm, quảng bá sản phẩm theo câu chuyện mang bản sắc riêng và ưu tiên ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nổi bật từ làng nghề.
Chính quyền TP Hội An xác định đầu tư ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển các làng nghề và nghề thủ công là yếu tố quan trọng. Đây được xem là chìa khóa hỗ trợ bài toán đầu ra cho sản phẩm từ các làng nghề truyền thống thay vì phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động du lịch tại chỗ như thời gian qua. Cuối tháng 5/2024, UBND thành phố Hội An phối hợp cùng HoiAnLife Innovation Lab và Tonkin Media chính thức triển khai chương trình “Hội An - Làng nghề lên số”. Thành phố đã mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán hàng, quảng bá, tiếp thị và truyền thông nhằm chia sẻ đến các doanh nghiệp, chủ cơ sở và đại diện hộ gia đình trên địa bàn những kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ trong nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Đại diện nhiều doanh nghiệp tiếp thị số cho rằng, bảo đảm chất lượng sản phẩm truyền thống thôi chưa đủ, từng hộ gia đình và thành phố cần tính toán đến câu chuyện quảng bá hình ảnh theo yêu cầu của nhịp sống hiện đại. Không thụ động đợi khách du lịch tìm đến tham quan, mua sản phẩm hay trông chờ vào những đơn hàng truyền thống, nhiều doanh nghiệp gợi ý Hội An nên mở rộng các kênh bán hàng thủ công trên nền tảng số. Theo đó, cần chú trọng việc đưa câu chuyện cùng hình ảnh của làng nghề, nghệ nhân, sản phẩm đến từng người tiêu dùng thông qua “số hóa”.
Việc giới thiệu và kinh doanh sản phẩm thủ công trên các nền tảng internet bên cạnh yếu tố tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng doanh thu còn mở ra cánh cửa giúp làng nghề truyền thống có thêm cơ hội từng bước tiếp cận trực tiếp với thị trường quốc tế.