Xã hội hóa lưới điện truyền tải:

Gỡ từ cơ chế

Luật Điện lực sửa đổi đã đáp ứng yêu cầu thực tế về việc đa dạng hóa nguồn đầu tư phát triển lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, để triển khai cần phải xây dựng cơ chế tài chính và ban hành các văn bản dưới luật phù hợp, có như vậy, lưới điện truyền tải mới được phát triển đúng hướng, bền vững, song vẫn bảo đảm an ninh năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự buổi Tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải". Ảnh: Nguyễn Đăng
Các đại biểu dự buổi Tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải". Ảnh: Nguyễn Đăng

Theo tính toán Dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58-14,41 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030. Đây là thách thức rất lớn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đối với Nhà nước trong huy động nguồn lực để đầu tư, phát triển lưới điện truyền tải.

Từ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, Báo Nhân Dân cuối tuần đã tổ chức Tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải" nhằm có được ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trước bài toán phức tạp này. Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tin tưởng, tọa đàm được tổ chức không chỉ góp phần làm rõ hơn những vấn đề đang đặt ra đối với hệ thống truyền tải điện hiện nay, mà còn đóng góp thiết thực vào việc xây dựng cơ chế, chính sách dựa trên các bằng chứng khoa học. Cách tiếp cận này giúp mang đến góc nhìn đa chiều, bảo đảm việc phát triển lưới điện truyền tải được diễn ra một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo tính toán Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng dung lượng trạm biến áp 500kV và 220kV cần xây mới trong giai đoạn 2021-2030 gấp khoảng 2,6 lần so tổng dung lượng trạm biến áp 500kV và 220kV đã đưa vào vận hành trong giai đoạn mười năm qua (2011-2020). Tương tự, số ki-lô-mét đường dây 500kV và 220kV cần xây dựng mới giai đoạn này cũng gấp 3,2 lần so với trước. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 khoảng 335.049 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng 185.098 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 234.353 tỷ đồng) tương ứng với nhu cầu vốn đầu tư trung bình năm trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 35.500 tỷ đồng/năm.

Đề cập các kịch bản đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam, TS Nguyễn Thị Mai Anh, chuyên gia kinh tế, Trường đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, hầu hết các phương án đều không khả thi về mặt tài chính với mức giá truyền tải hiện tại. Chuyên gia Nguyễn Thị Mai Anh đề xuất giải pháp tăng giá truyền tải từ 23,12% - 29,92% để bảo đảm tỷ suất hoàn vốn tối thiểu của nhà đầu tư.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong định giá truyền tải điện, ThS Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) cho rằng, để đa dạng hóa đầu tư và vận hành lưới điện truyền tải ở Việt Nam, cần xem xét các yếu tố về mặt thể chế liên quan vốn đầu tư (cơ chế thu hồi vốn…), tương tác giữa các chủ thể tham gia, vai trò quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó là các yếu tố về kế hoạch triển khai (danh mục đầu tư, cơ chế đấu thầu/chỉ định…) và vận hành hệ thống (hạ tầng, công nghệ, con người).

Đồng tình quan điểm cho rằng vướng mắc mấu chốt nhất là ở phương pháp "định giá" cũng như xác định danh mục đầu tư giữa nhà nước và tư nhân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần chỉ đạo nghiên cứu để có được cơ chế giải phóng mặt bằng và vận hành lưới điện đầu tư bởi tư nhân; giá truyền tải hợp lý, bảo đảm tính khả thi về mặt tài chính nhằm đa dạng hóa nguồn đầu tư đối với việc phát triển lưới điện truyền tải; phù hợp xu thế và phản ánh đúng cơ cấu chi phí của giá truyền tải: giá công suất và giá điện năng; đồng thời, có cơ chế phù hợp để thu hút vốn đầu tư từ các quỹ bền vững, khu vực tư nhân...

Là người trong cuộc, vừa nhìn nhận ở góc độ nhà quản lý, vừa đề cập ở góc độ chuyên môn, ông Đỗ Đức Hùng, Trưởng Ban Kế hoạch-Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đưa ra một số kiến nghị về cơ chế giá truyền tải và cơ chế huy động vốn. Theo đó, đề xuất cơ chế giá phải bảo đảm khả năng thu hồi vốn; xây dựng cơ chế giá truyền tải theo vùng, miền, hoặc điểm giao nhận điện năng; giá truyền tải được phê duyệt cần bảo đảm tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu là 3%,...

Để thực hiện chủ trương xã hội hóa lưới điện truyền tải, các ý kiến kiến nghị: Xã hội hóa đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện phải có sự phân định rõ ràng về mức độ, quy mô phù hợp; quá trình đầu tư và quản lý vận hành đối với lưới truyền tải điện phải bảo đảm chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị và bảo đảm sự an toàn, ổn định, tin cậy trong quản lý vận hành; xem xét yếu tố định mức lợi nhuận tối thiểu đối với lưới điện truyền tải để bảo đảm tính khả thi của các dự án đầu tư do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia; cần xác định rõ danh mục các dự án độc quyền đầu tư bởi Nhà nước, và các dự án yêu cầu xã hội hóa một cách cụ thể.

Hài hòa lợi ích các bên:

Gỡ từ cơ chế ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Trong báo cáo của EVN, từ năm 2008 đến ngày 31/8/2022, tổng khối lượng đường dây (tính theo km) tăng 2,4 lần, tổng dung lượng máy biến áp (tính theo MVA) tăng 2,8 lần. Trong giai đoạn 2021-2030, khối lượng đường dây và dung lượng máy biến áp tăng lần lượt là 3,2 lần và 3,6 lần. Ngoài ra, bằng các chính sách vĩ mô trong giai đoạn 2011-2020, việc xây dựng lưới và nguồn điện tương đối đồng bộ.

Ba năm gần đây, mặc dù Nhà nước giữ giá điện không tăng, nhưng để thu hút đầu tư ở khu vực tư nhân, các chi phí của nhà đầu tư phải được tính đúng, tính đủ. Với doanh nghiệp nhà nước, quyết toán dự án bằng bút toán tài chính; với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác, các chi phí phải được trả đúng, trả đủ một cách công khai và minh bạch.

Nguyên tắc của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là lợi nhuận. Do đó, giá chính là một động lực quan trọng nhất để huy động được các nguồn lực tài chính. Vai trò của Nhà nước ở đây là hài hòa các lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2021 và được hiệu chỉnh, bổ sung vào tháng 4/2022 để phù hợp với những cam kết của Việt Nam về bảo vệ khí hậu tại hội nghị COP26 diễn ra vào tháng 11/2021. Nhưng sang năm 2022, từ tháng 4 đến nay, chính sách năng lượng của thế giới có nhiều thay đổi. Hiện nay, do các yếu tố đầu vào về kinh tế, chính trị thay đổi rất lớn, Bộ Công thương đang hoàn thiện Quy hoạch điện VIII (phiên bản tháng 8/2022) nhằm cân đối và đưa thêm nhiều kịch bản cho sát tình hình thực tế hơn nữa để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Nhất quán về chính sách:

Gỡ từ cơ chế ảnh 2

Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Rõ ràng với tư nhân, lợi nhuận là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Giá phải phù hợp, phải mang lại lợi nhuận mới thu hút được doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư. Nhưng không đơn giản để chúng ta có thể ngay lập tức tăng giá truyền tải điện lên được. Một khi đã quyết định tăng giá để thu hút đầu tư, cần phải nhất quán và cân nhắc đầy đủ đến yếu tố bối cảnh kinh tế, thời điểm ra quyết định.

Chính sách đề ra phải nhất quán, bởi đây là những dự án dài hơi. Hiện nay, Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được hoàn thiện và công khai, trong khi quy hoạch vùng và địa phương đều đã có những kế hoạch khai thác đất đai cụ thể. Nếu có sự thiếu thống nhất giữa các quy hoạch chung sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn không đáng có. Truyền thông cũng cần có chiến lược để người dân hiểu và thông cảm với những vấn đề này.

Mở ra cơ hội nhưng thiếu quy định cụ thể:

Gỡ từ cơ chế ảnh 3
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái

tạo, Bộ Công thương.

Sau khi Luật Điện lực được ban hành, ngành điện đã hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và đang chuẩn bị cho thị trường bán lẻ điện. Luật Điện lực sửa đổi và cơ chế giá mua điện phù hợp được ban hành đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện như đầu tư vào thủy điện, năng lượng tái tạo,… Về lĩnh vực phân phối điện, hiện vẫn chủ yếu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư và chỉ có một đơn vị tham gia thí điểm nhưng cũng không mang lại kết quả khả thi. Các công ty tư nhân mới chỉ tham gia vào lưới điện phân phối ở các khu vực rất nhỏ.

Theo quy định trước đây, Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải và chỉ có một số chủ đầu tư tư nhân xây dựng lưới điện có cấp điện áp từ 220kV trở xuống để đấu nối các nhà máy điện do mình đầu tư. Đến giai đoạn 2019-2020, xuất phát từ chính sách phát triển năng lượng tái tạo, một số doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, bao gồm đường dây và trạm biến áp 500kV.

Để xã hội hóa lưới điện truyền tải, Luật sửa đổi đã được ban hành quy định thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư lưới điện truyền tải với mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng theo quy hoạch được duyệt. Các chủ đầu tư tư nhân được quyền quản lý vận hành lưới điện do mình đầu tư.

Tuy nhiên, danh mục các dự án đầu tư lưới điện truyền tải chưa xác định được các chỉ tiêu nhằm làm rõ EVN được tham gia đến đâu, dự án nào doanh nghiệp tư nhân được tham gia. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ chỉ đầu tư vào những dự án nào có hiệu quả kinh tế nên sẽ rất khó để thống nhất phạm vi đầu tư. Hiện nay, đối với lưới điện truyền tải mang tính xương sống, EVN đã đầu tư, quản lý phần lớn và không còn dư địa cho nhà đầu tư khác tham gia.

Giá điện truyền tải năm 2022 chỉ đạt 75,85 đồng/kWh. Với mức giá đó, khó có thể thu hút các nhà đầu tư. Theo các quy định của Nhà nước, thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thông qua đấu thầu dự án và lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi đó, điều kiện thiên nhiên, thời tiết tại mỗi khu vực là khác nhau, các loại hình về nguồn điện cũng khác nhau sẽ ảnh hưởng đến giá đấu thầu và rất khó khăn để nghiên cứu đưa ra cơ chế cụ thể. Do đó, Bộ Công thương đang quy định giá truyền tải điện thống nhất trên toàn quốc.

Bảng giá luôn được công khai rõ ràng và minh bạch:

Gỡ từ cơ chế ảnh 4
Ông Đặng Huy Cường - Ủy viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Hằng năm, Bộ Công thương công bố giá thành sản xuất điện, trong đó, các thành phần cấu thành giá điện đều được thể hiện rõ ràng. Điều này cho thấy, giá thành sản xuất điện luôn được công khai và minh bạch. Có ý kiến cho rằng, trong hóa đơn tiền điện của khách hàng chưa thể hiện giá truyền tải điện. Việc này liên quan đến mẫu hóa đơn do cơ quan quản lý Nhà nước quy định. Hơn nữa, trong khuôn khổ hóa đơn không thể hiển thị đầy đủ mọi thông tin.

Giá truyền tải điện được Bộ Công thương công bố đã có bảng giá chi tiết và rõ ràng, EVN luôn dựa trên thông tư đó để tính toán. Thực hiện chủ trương xã hội hóa lưới điện truyền tải, EVN luôn sẵn sàng phối hợp để cùng hoàn thiện hệ thống lưới điện truyền tải với các công ty tư nhân.