Giải bài toán lao động nơi biên giới (kỳ 3)

Kỳ 3: Cuộc dịch chuyển bị bỏ ngỏ
0:00 / 0:00
0:00
Bữa cơm tối của những lao động người H’Mông làm việc tại Bắc Giang.
Bữa cơm tối của những lao động người H’Mông làm việc tại Bắc Giang.

(Tiếp theo và hết)

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê năm 2020, số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động là 8.025.500 người. Trong đó, khu vực trung du và miền núi phía bắc chiếm tỷ lệ cao nhất (52%). Xét tỷ lệ lao động hơn 15 tuổi so với tổng dân số, khu vực trung du và miền núi phía bắc cũng chiếm 61,8% so với trung bình cả nước.

Lực lượng lao động của người dân miền núi phía bắc có thể xem như đang ở độ tuổi vàng.

Thế nhưng trên thực tế, bài toán tạo việc làm, thu nhập cho lực lượng này vẫn chưa được tính toán đầy đủ trong hầu hết các nghiên cứu chính sách hậu Covid.

Làn sóng lao động về xuôi

Với chính sách siết chặt quản lý biên giới của nước bạn, có một làn sóng dịch chuyển lực lượng lao động từ các tỉnh phía bắc về xuôi, tới các khu công nghiệp, các công trình, nhà máy… tại các thành phố lớn. Ông Nguyễn Hữu Phư, cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Giang cho rằng, đó là xu thế tất yếu và người lao động Hà Giang đang dần thích ứng với nó. Hà Giang đất sản xuất đa phần là núi đá, canh tác khó hiệu quả. Cả tỉnh chỉ có một khu công nghiệp với một nhà máy ván ép, công suất tối đa cũng chỉ được 200 công nhân. Việc lao động phải đổ về các thành phố lớn kiếm việc là điều tất yếu. “Nếu chỉ trong phạm vi tỉnh thì Hà Giang không thể hấp thụ một nửa số lao động”, ông Phư nói.

Hay một huyện như Mường Nhé (Điện Biên), dù nhu cầu lao động trên lý thuyết là cao, nhưng những dự án được triển khai mới ở mức sơ khai.

Ở thời điểm hiện tại, những người lao động ở đây đang cần một chính sách đặc thù để vượt qua giai đoạn cửa sổ. Bởi rõ ràng, thu nhập vốn đã chẳng nhiều nhặn gì của những người lao động bị giảm mạnh, thậm chí về gần 0.

Dòng người đổ về các tỉnh, thành phố còn kéo theo một hệ lụy, là những đứa trẻ cũng phải đi theo người lớn, hoặc tìm cách theo người lớn. Những đứa trẻ 15-16 tuổi, thậm chí cả những em nhỏ 13-14 tuổi, cũng theo các anh, các chị bắt xe về xuôi. Giàng Mí Phừ kể chuyến xe chở cậu từ Sủng Trái xuống Bắc Giang còn có Hờ Thị Sùng (2007), Giàng Mí Dính (2006). Thậm chí hai cô bé Dính và Sùng còn chưa nói sõi tiếng Kinh. Chủ tịch UBND xã Sủng Trái Ly Mí Pó ước tính có hơn 20 em ở lứa tuổi 15-18 đi làm ăn xa từ đầu năm: “Há Đề có 3 em, Tia Súng 2 em, Tùng Tỉnh có 3 em, còn lại rải rác các thôn”. Không được nhận vào làm, Giàng Mí Dính cũng đi từ Bắc Giang lên Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… để tìm việc. Có những trường hợp các em đi làm việc rồi bố mẹ ở nhà mới biết.

Và hệ lụy từ sự nhàn rỗi

Không đi được Trung Quốc, những tin nhắn lừa mị mời gọi làm việc ở Philippines, Malaysia… cũng bắt đầu nhiều hơn. Nậm Là và Nậm Là 2 (Mường Nhé, Điện Biên) có ba trường hợp lao động bị lừa chỉ sau một tin nhắn tuyển dụng. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có Thào A Thái (sinh năm 2001) và Thào A Dế (sinh năm 2003) là được cho về sau khi gia đình gửi 83 triệu đồng tiền chuộc. Thào A Dế, người vừa thoát về kể rằng, người ta chỉ nói sẽ làm việc ở TP Hồ Chí Minh, họ mua cả vé máy bay cho cậu bay vào, đón ở sân bay, rồi lên một chiếc xe kín mít, cứ thế chạy. Tới khi nhìn tấm biển lướt qua đường, cậu mới biết không còn ở trong nước mình nữa.

Bà Sùng Thị Thái, cán bộ chính sách xã Mường Nhé cho biết, chưa năm nào tỷ lệ chị em bị lừa đảo nhiều đến thế. Việc lao động rảnh rỗi, không có thu nhập khiến nhiều kẻ lừa đảo đa cấp, lừa đảo qua tin nhắn dễ bề thuyết phục. “Từ đầu năm tới giờ có bảy trường hợp rồi, người ta cứ nghe dụ dỗ đầu tư kiếm lãi, rồi đi vay tiền nạp vào tài khoản. Có người mất tới vài chục triệu đồng, đều là tiền đi vay lãi cả”, bà Thái kể. Những nạn nhân cũng đã trình báo, nhưng hy vọng lấy lại số tiền thì khác nào mò kim đáy bể.

Trong báo cáo “Việc làm của lao động người dân tộc thiểu số nước ta hiện nay” của TS Nguyễn Đình Tuấn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), TS Tuấn nhận định: “Cơ cấu loại hình công việc này cho thấy dường như việc làm của lao động người dân tộc thiểu số chưa có tính bền vững, việc làm chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chưa có bảo đảm về an sinh xã hội”.

Điều này cho thấy tính chất bấp bênh trong con đường mưu sinh của những lao động vùng biên, đặc biệt sau một biến cố như Covid-19. Tính đến năm 2018, nước ta có 116 chính sách đào tạo việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số ở các khu vực khác nhau. Giai đoạn 2008-2018, tỷ lệ chương trình đào tạo việc làm ở trung du và miền núi phía bắc tăng thêm 65,7%. Nhưng đó là con số. Đi vào từng địa phương, con đường để kiếm tiền của lao động vùng biên vẫn là lao động giản đơn, thậm chí nhiều trường hợp chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, để nhận đồng lương rẻ mạt.

Ông Phạm Chí Trung, Phó Vụ trưởng Chính sách dân tộc (Ủy ban Dân tộc) nhận định: “Việc nghiên cứu ảnh hưởng của đồng bào dân tộc hậu Covid, đóng biên, là một vấn đề mới. Có lẽ nên có đề tài nghiên cứu sâu. Hiện, Ủy ban Dân tộc chưa có đề tài nào nghiên cứu về vấn đề này. Góc độ chính sách cũng chưa có”. “Có một vài chương trình hỗ trợ bổ sung tạm thời, nhưng chưa thành chính sách, văn bản cụ thể nào”, ông Trung bổ sung.

Tỉnh Lai Châu, riêng đợt tháng 4/2020 đón gần 3.000 lao động tự do quay về nước từ Trung Quốc. Năm 2021, tỉnh ghi nhận trên giấy tờ có hơn 1.000 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau. Tỉnh Hà Giang trước 2020 mỗi năm có hơn 20 nghìn lượt lao động trái phép qua biên giới Việt - Trung. Có người một năm đi tới 150 lần. Mặc dù Hà Giang đã ký thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới với châu Văn Sơn (Vân Nam, Trung Quốc, 2014), Bách Sắc (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, 2018), nhưng lượng lao động chính ngạch cũng mới chỉ vài nghìn người. Năm 2019, số liệu ở Cao Bằng cho thấy chỉ bảy tháng đầu năm đã có hơn 9.500 người di cư tự do sang Trung Quốc làm thuê. Ở Lào Cai, riêng Tết Nguyên đán 2021, có khoảng 5.000 lao động làm thuê bên Trung Quốc trở về quê ăn Tết. Hầu hết đều là vượt biên trái phép.

Những con số này, nếu không phải vì Covid, cần thống kê quản lý cách ly, sẽ khó ai chú ý. Và đó cũng vẫn là một con số không đầy đủ.

Vàng A Hang - Vàng A Thang ở Hà Giang, trong lần về nhà gần đây nhất không có đủ tiền mua vé xe, đã phải nhờ một người hảo tâm giúp 300 nghìn đồng tiền xe khách. Trong câu chuyện của vợ chồng Sùng Thị Dé - Vàng A Trống ở Điện Biên những vấn đề phát sinh dường như được cố tránh nhắc tới. Không tích lũy, không quỹ dự phòng, cả hai cũng chưa tính được tương lai của vài tháng tới, khi mùa măng đã hết, chứ chưa nói được tới vài năm sau. Hay Nhù Seo Lở ở Lai Châu, vẫn đang vật lộn với những đứa trẻ, khi mà thu nhập cơ bản cũng không còn.