Giá trị của “vàng đen”

Trong báo cáo công bố mới đây, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của Iran trong năm 2022 đã ở mức trung bình 2,54 triệu thùng/ngày, tăng 140.000 thùng/ngày so năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: TAGHRIB NEWS
Biếm họa: TAGHRIB NEWS

AP dẫn báo cáo cho hay, Iran đã sản xuất trung bình 2,56 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong quý IV/2022, trong đó riêng sản lượng tháng 12/2022 đạt 2,58 triệu thùng/ngày. EIA ước tính doanh thu từ dầu mỏ của Iran trong bảy tháng đầu năm 2022 đạt 34 tỷ USD, thấp hơn năm tỷ USD so doanh thu bán dầu thô của nước này trong cả năm 2021. Doanh thu dầu thô của Iran trong giai đoạn từ tháng 1-7/2022 cao gấp đôi doanh thu năm 2020. Iran đã thu được 17 tỷ USD từ việc bán dầu mỏ trong năm 2020 và 39 tỷ USD năm 2021. Dù Iran chưa công bố số liệu, song EIA dự đoán nước này sẽ đạt tổng doanh thu dầu mỏ 58 tỷ USD trong cả năm 2022.

Trong khi đó, Công ty Hóa dầu quốc gia Iran (NPC) cho hay, kim ngạch xuất khẩu hóa dầu của nước này đã đạt 18 tỷ USD trong 10 tháng kể từ đầu năm 2022, so mức 15 tỷ USD của cả năm 2021. Ngành hóa dầu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Iran, vì xuất khẩu hóa dầu là nguồn doanh thu lớn thứ hai của nước này sau dầu thô. Xuất khẩu hóa dầu hiện chiếm gần 33% tổng giá trị xuất khẩu phi dầu mỏ của quốc gia trên.

Những số liệu trên cho thấy tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nước Cộng hòa Hồi giáo đang giảm dần, thậm chí còn thúc đẩy Iran tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế. Thực tế cho thấy, Tehran đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô trong năm 2022 khi nước này thực hiện các chiến lược mới để vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong “Báo cáo thị trường dầu mỏ” được công bố hồi đầu tháng 1, EIA ước tính sản lượng dầu của Iran trong tháng 12/2022 đạt 2,72 triệu thùng/ngày, qua đó đưa quốc gia Trung Đông này lên vị trí thứ tư trong số các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Cũng như Nga, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho Iran. Song, đối với những quốc gia sở hữu trong tay những mỏ dầu quý giá, thì nguồn “vàng đen” này chính là thứ vũ khí giúp chống chọi sự bao vây, cấm vận trong bối cảnh bất ổn an ninh năng lượng toàn cầu gia tăng.