Gia tăng thị phần từ những chương trình bán lẻ

Nhiều giải pháp thúc đẩy các chương trình bán lẻ đưa hàng chất lượng cao đến người tiêu dùng ở cả vùng đô thị và nông thôn trên khắp cả nước đang nhận được sự hưởng ứng tích cực, phát huy hiệu quả tốt. Điều đó góp phần kết nối vòng tròn cung-cầu, gia tăng thị phần cho hàng Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Co.opmart Cái Bè dành một phần diện tích để kinh doanh đặc sản địa phương. Ảnh: Minh anh
Co.opmart Cái Bè dành một phần diện tích để kinh doanh đặc sản địa phương. Ảnh: Minh anh

Cơ hội tiếp cận với đông đảo người dân

Một lần dự chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn" tại thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang, hòa trong không khí mua sắm nhộn nhịp, bà Nguyễn Thị Yến, xã Mỹ Hội Đông, chia sẻ: "Nhờ chương trình này, người dân nông thôn mới được tiếp cận các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý, xuất xứ rõ ràng. Do vậy, mỗi khi có chuyến hàng Việt về địa phương, người dân đều tranh thủ đi mua sắm, yên tâm lựa chọn sản phẩm, vật dụng cần thiết".

Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, năm 2023, tỉnh An Giang thực hiện chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn", tạo ra sự tương tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và người dân nông thôn. Qua đó, chương trình đã đạt được những kết quả khả quan.

Tại Đồng Tháp, Sở Công thương thực hiện thí điểm mô hình Điểm bán hàng Việt với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam". Bước đầu, mô hình đã thay đổi cơ bản tư duy tiêu dùng và tư duy kinh doanh, từ đó góp phần đưa các sản phẩm của doanh nghiệp Việt đến gần hơn với người tiêu dùng địa phương.

Ông Nguyễn Văn Quang, chủ Cửa hàng Vinh Quang, xã An Phước, huyện Tân Hồng cho biết: "Việc được hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam đã tạo nhiều thuận lợi cho việc kinh doanh của gia đình tôi. Nhờ đầu tư cửa hàng khang trang, hàng hóa được trưng bày bắt mắt, đa dạng, đã tạo được sự thu hút với người tiêu dùng ở địa phương".

Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, việc xây dựng mô hình nói trên là cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tiếp cận đông đảo người tiêu dùng. Các điểm bán hàng này đã góp phần tạo thuận lợi cho việc giới thiệu, quảng bá đặc sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương và các hàng hóa nội địa khác đến với người tiêu dùng.

Là tỉnh miền núi, nơi có hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, Yên Bái có số dân nông thôn chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh luôn quan tâm việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ngoài việc nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất, tỉnh Yên Bái đã xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường và bảo vệ quyền sở hữu sản phẩm, thương hiệu hàng hóa.

Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay, các siêu thị, hội chợ triển lãm, các cửa hàng kinh doanh bảo đảm có 70-80% là hàng Việt Nam với chất lượng và mẫu mã ngày càng được nâng cao, giá cả phù hợp. Nếu đến các hệ thống siêu thị, cửa hàng truyền thống trên địa bàn tỉnh, ai cũng dễ nhận thấy tỷ lệ hàng Việt Nam đã chiếm ưu thế. Nhiều sản phẩm có thương hiệu "Made in Yên Bái" được người tiêu dùng ưa chuộng như: chè shan tuyết Suối Giàng, nếp tan Tú Lệ, cá sấy hồ Thác Bà…

Các nhà sản xuất sản phẩm OCOP đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng miền để tiếp cận người tiêu dùng như sản phẩm từ quế Văn Yên; chè shan tuyết Phình Hồ của đồng bào H’Mông huyện Trạm Tấu; các sản phẩm từ quả sơn tra, mật ong rừng ở Mù Cang Chải.

Cuối tháng 5/2023, Sở Công thương tỉnh Yên Bái phối hợp các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Văn Chấn tổ chức ba phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với 30 gian hàng quy mô lớn. Tất cả các mặt hàng phân phối tại phiên chợ đều đạt chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng địa phương.

Góp phần ổn định thị trường, an sinh xã hội

Có thể thấy nhiều kết quả tích cực từ sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc nâng cao thương hiệu hàng hóa trong nước. Song, trong tầm nhìn dài hạn, cần có sự nỗ lực hơn nữa, để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa Việt Nam có chất lượng tốt, ghi nhận, phát triển những mô hình doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh luôn nâng cao vị thế hàng Việt Nam.

Saigon Co.op là đơn vị bán lẻ hàng tiêu dùng tiên phong của cả nước phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm đưa hàng Việt vào siêu thị, quảng bá tích cực cho thương hiệu Việt. Bên cạnh nguồn hàng nhập từ các nhà cung cấp, Saigon Co.op còn tiếp tục đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng để tập trung đưa hàng Việt vào siêu thị nhiều hơn. Tính đến nay, các sản phẩm hàng Việt Nam, hàng nhãn riêng đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển của đơn vị này. Công tác phát triển sản phẩm mới được thực hiện theo hướng tập trung, gắn với định hướng phát triển sản phẩm theo chiến lược "ưu tiên hàng Việt", là đặc sản Việt tại các địa phương, sản phẩm hữu cơ nuôi trồng tại Việt Nam...

Để phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024, Saigon Co.op đã triển khai công tác dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023. Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20-50%, chủ yếu là hàng Việt Nam với các nhóm hàng bình ổn thị trường, gồm gạo, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…

Ông Phùng Quang Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái khẳng định, thời gian tới, Yên Bái tiếp tục tham gia giám sát các hoạt động giới thiệu hàng hóa thương hiệu Việt, tổ chức các điểm đưa hàng Việt về nông thôn, góp phần ổn định thị trường, an sinh xã hội.

Năm mới Giáp Thìn đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao. Mong rằng, với sự nỗ lực "mang hàng tốt" đến tay người dùng, sẽ có nhiều người được sử dụng những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao.