BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ VỀ ĐỀ TÀI “HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Đưa Ê Đê Café vươn ra thế giới

Từ bỏ công việc bác sĩ đáng mơ ước đối với nhiều người trong buôn K’La, anh Niê Y Pốt đã khởi nghiệp bằng chính hạt cà-phê quê nhà và được sản xuất theo phương thức truyền thống của người Ê Đê.
0:00 / 0:00
0:00
Y Pốt khởi nghiệp từ những hạt cà-phê được làm theo cách truyền thống của người Ê Đê.
Y Pốt khởi nghiệp từ những hạt cà-phê được làm theo cách truyền thống của người Ê Đê.

Bỏ nghề bác sĩ về rang cà-phê

Trên vùng đại ngàn Tây Nguyên, cà-phê không khác nào cây lúa ở vùng đồng bằng, song thương hiệu cà-phê của người dân tộc Ê Đê vẫn tạo ra một chỗ đứng riêng, khác biệt so với phần còn lại. Và, chàng trai đã thay đổi số phận của cà-phê Ê Đê chính là Niê Y Pốt, Giám đốc Công ty cổ phần Ê đê Café.

Y Pốt sinh năm 1988 trong một gia đình có 8 anh chị em tại buôn K’La (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk). Năm 2011, Y Pốt học xong cao đẳng y tế tại Đà Nẵng và làm việc 4 năm tại các bệnh viện ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, sau đó Y Pốt chuyển công tác về Bệnh viện đa khoa TP Buôn Ma Thuột. Y Pốt đã chinh phục được tấm bằng bác sĩ tại Trường đại học Y Dược Huế, chuyên ngành đa khoa năm 2015 và trở thành niềm tự hào của gia đình và buôn làng.

Sau nhiều lần tự rang xay cà-phê theo cách truyền thống của người Ê Đê để tặng bạn bè, Y Pốt nhận về những lời khen. Từ đó anh ấp ủ ý định khởi nghiệp cà-phê Ê Đê. Đến năm 2019, Y Pốt đã đưa ra quyết định động trời - bỏ nghề bác sĩ để về rang xay cà-phê khiến gia đình anh bất ngờ và giận dỗi.

Bà H’lan Niê, bà ngoại của Y Pốt cho biết: Y Pốt làm bác sĩ cả buôn làng rất vui, ai có bệnh gì Y Pốt đều đến khám và cho thuốc. Bỗng nhiên nói nghỉ việc, gia đình giận nó lắm vì bao công ăn học giờ không làm nữa, thấy uổng công sức. Song, đến khi Y Pốt thành công rồi, cả nhà mới có cái nhìn khác và ủng hộ cháu trai.

Y Pốt bảo rằng, lúc đó bị cả nhà cô lập, bố mẹ, anh chị em không ai nói chuyện suốt 2 tháng trời, có trong nhà cũng như không. Nhưng chí Y Pốt đã quyết nên sẽ theo đến cùng. Ban đầu, Y Pốt đăng ký hộ kinh doanh và tự tay sản xuất, đóng gói, giao hàng… dần dần thuê thêm nhân công phụ giúp.

Khởi nghiệp với 5 triệu đồng sau khoảng 20 lần rang cà-phê bằng chảo bị cháy xém, số vốn của Y Pốt tiêu tan theo ngọn lửa. Rồi, Y Pốt bỏ đi làm quán cà-phê được 3 tháng, mỗi tháng được 2,2 triệu đồng, nhiều người nghĩ Y Pốt đã thất bại. Song, Y Pốt lại trở lại, vay bạn bè được 15 triệu đồng và khởi nghiệp lại từ đầu.

“Tôi mong muốn làm tăng giá trị cà-phê làm theo cách truyền thống của người Ê Đê. Trước là để giúp cho kinh tế gia đình và sau là cho bà con trong buôn. Đồng thời tôi muốn quảng bá văn hóa và phong cách thưởng thức cà-phê của người Ê Đê chúng tôi tới bạn bè trong nước và thế giới”, anh Y Pốt chia sẻ.

Đưa Ê Đê Café vươn ra thế giới ảnh 1

Y Pốt giới thiệu sản phẩm với khách nước ngoài tại hội chợ.

Cà-phê đượm mùi khói của người Ê Đê

Bí quyết rang xay cà-phê của người Ê Đê trông có vẻ khá đơn giản nhưng để làm thành thục được thì phải mất một quá trình và tự rút kinh nghiệm. Y Pốt đã mất hàng tháng trời ngồi bên đống lửa, chảo rang và dùng chính thân cây cà-phê làm que đảo.

“Khâu điều chỉnh lửa rất quan trọng quyết định mẻ rang đó có thành công hay không. Cà-phê vừa sang mầu nâu đen phải cho lửa nhỏ ngay mà bếp củi đâu phải cho lửa nhỏ dễ dàng như bếp gas, bếp điện. Rang ngoài trời còn phụ thuộc vào gió, gió to lửa tạt sẽ làm hạt cháy hạt sống không bảo đảm chất lượng nên tôi phải quây bạt kín. Ê Đê Café có quyện mùi khói bếp chính là đặc trưng không lẫn vào đâu được”, Y Pốt cho biết.

Khi rang xong, Y Pốt lại xay cà-phê bằng tay và đóng vào bao bì nylon. Không nhãn mác, thương hiệu, Y Pốt mang đi giao cho khách hàng và được góp ý rằng, cà-phê rất thơm ngon nhưng không có thương hiệu coi như mất đi một nửa vị ngon. Từ đó, Y Pốt chuyên tâm nghiên cứu làm thương hiệu cho cà-phê, khoác lên cà-phê tấm áo vừa vặn và đẹp đẽ.

Tháng 8-2019, Y Pốt thành lập công ty và thuê đơn vị độc lập đánh giá kiểm tra, xét nghiệm đất, nước, hạt cà-phê và được chứng nhận HACCP – An toàn thực phẩm và tiêu chuẩn ISO 22000. Y Pốt tiếp tục đầu tư thêm máy móc thiết bị rang xay cà-phê hiện đại. Đặc biệt, anh dần tạo ra vùng trồng cà-phê, thuyết phục bà con trồng theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP thay đổi thói quen canh tác bao đời nay. Chinh phục vị đắng của cà-phê, Y Pốt thu về trái ngọt khi đã có hơn 100 hộ dân liên kết sản xuất để có nguồn cung ổn định, diện tích vùng nguyên liệu hơn 100 ha.

Anh Y Ham ADRơng: “Từ khi Ê Đê Café liên kết với chúng tôi, chúng tôi được tư vấn trồng và ưu đãi mua, hỗ trợ tài chính vay vốn 0 đồng, hỗ trợ phân bón, thu mua với giá cao hơn 10-15%, đời sống bà con khấm khá lên hẳn. Ngoài ra, có những đoàn khách nước ngoài đến tham quan, mua cà-phê tại vườn khiến chúng tôi rất phấn khởi”.

Trên hành trình khởi nghiệp, Y Pốt còn đóng vai trò như nhà nghiên cứu khi anh tự tìm hiểu và cho ra đời thêm các dòng sản phẩm cà-phê độc đáo là cà-phê khoai môn và cà-phê sầu riêng. Trong quá trình rang, Y Pốt tự đúc rút kinh nghiệm, cắn thử cà-phê 10 phút một lần và cảm nhận. Trong khâu chọn lựa nguyên liệu, Y Pốt hướng dẫn nông dân không thu hái cà-phê còn xanh và phải đảm bảo chín mọng mới thu mua.

“Ê Đê Café thường có màu đen rất đậm khác với màu nâu đen truyền thống của các loại cà-phê khác và hương vị cũng đậm đà hơn. Ê Đê Café có mùi thơm thanh nhẹ, vị ngọt hậu, không đắng gắt, có mùi quyện thơm của khói rất đặc trưng”, anh Y Pốt chia sẻ.

Một số giải thưởng của cà-phê Ê Đê và Y Pốt: Năm 2020, Công ty TNHH Ê Đê Café đạt Top 10 thương hiệu Nhãn hiệu uy tín ba miền; Y Pốt đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Vươn ra thế giới

Khát vọng nâng tầm Ê Đê Café và xuất hiện trên bản đồ cà-phê thế giới, Y Pốt không ngừng nâng cao vốn tiếng Anh và tiếp xúc với các đối tác nước ngoài. Y Pốt tham gia các hội chợ từ nam ra bắc, đến đâu anh cũng mặc trang phục truyền thống của người Ê Đê. Y Pốt còn đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Ê Đê Café” tại Cục Sở hữu trí tuệ. Các dòng sản phẩm của Ê Đê Café lần lượt chinh phục tiêu chuẩn OCOP 4 sao và đạt sản phẩm nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk.

Vừa rồi, Y Pốt đã làm việc với một số đối tác Nhật Bản, Hà Lan và các nước Trung Đông, các đối tác đã cử đại diện đến tận nhà máy của Ê Đê Café tìm hiểu, khảo sát và đặt vấn đề thu mua, hợp tác phát triển cà-phê hữu cơ để xuất khẩu. Trước đó, Ê Đê Café đã được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc), Singapore… Hiện nay, mỗi năm Ê Đê Café sản xuất 20 tấn thuộc 10 dòng sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Trong năm 2024, giám đốc Y Pốt dự kiến tăng cường hoạt động liên kết, mở rộng vùng hợp tác với bà con nông dân mở rộng vùng trồng lên 300 - 400 ha.

Quan trọng hơn, từ thành công của Ê-đê Café, nhiều người trẻ trong cộng đồng người Ê Đê đã học hỏi, chuyển dịch mô hình canh tác cà-phê của gia đình theo hướng bền vững, xuất khẩu. “Tôi hy vọng, với việc cùng nhau học tập hình thức canh tác mới, người Ê Đê không chỉ gia tăng thu nhập, mà còn phát huy truyền thống cà-phê từ xa xưa của đồng bào, góp phần nâng cao tầm vóc thương hiệu cà-phê Việt Nam”, Y Pốt Niê chia sẻ.