Hạn trên diện rộng cuối mùa khô ở Đắk Lắk

Tây Nguyên đang trong cuối mùa khô. Từ giữa tháng 4 đến nay, diện mưa còn hẹp nên tình trạng hạn hán và thiếu nước vẫn đang xảy ra trên diện rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình anh Y Oen Niê ở buôn Ea Káp, xã Ea Sin, huyện Krông Búk cùng các hộ dân góp tiền thuê xe múc về múc hồ dưới lòng hồ đã khô cạn để tìm nước cứu cây trồng.
Gia đình anh Y Oen Niê ở buôn Ea Káp, xã Ea Sin, huyện Krông Búk cùng các hộ dân góp tiền thuê xe múc về múc hồ dưới lòng hồ đã khô cạn để tìm nước cứu cây trồng.

1/Lượng mưa toàn tỉnh Đắk Lắk trung bình đến nay đạt 71,7 mm, bằng 4,1% so trung bình nhiều năm, điều kiện El Nino tiếp tục duy trì trong tháng 5. Do đó mực nước các sông, suối trên địa bàn tỉnh phổ biến duy trì mức thấp, lượng dòng chảy phổ biến thấp hơn so trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-30%, khiến hạn hán xảy ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, toàn tỉnh có 431 hồ chứa nước, đến nay 74 hồ đã cạn; 178 hồ có dung tích hiện tại dưới 50%; 99 hồ có dung tích hiện tại còn từ 50% đến dưới 70%; 80 hồ có dung tích hiện tại còn trên 70%. Dự báo nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì mực nước các hồ chứa, sông, suối sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Đáng lo ngại là trong mùa khô năm nay, không chỉ nguồn nước các sông, suối giảm nhanh mà nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh cũng giảm mạnh. Theo Trung tâm Cảnh báo và dự báo tài nguyên nước, trong tháng 5/2024, mực nước ngầm có xu thế hạ, mực nước thấp hơn từ 1,55 - 2,02 m so tháng 4. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Mai Trọng Dũng cho biết, trong mùa khô năm 2024, tổng diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 433.579 ha, trong đó 65.584 ha cây ngắn ngày, gồm 46.581 ha lúa nước và các loại cây trồng khác; 367.995 ha cây lâu năm như cà-phê, hồ tiêu, cây ăn quả…

Gia đình anh Y Oen Niê ở buôn Ea Káp, xã Ea Sin, huyện Krông Búk có 1,5 ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Anh chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô chỉ tưới được hai đợt là hồ Ea Káp cạn trơ đáy. Để cứu vườn cà-phê, gần ba tháng nay, gia đình tôi và các hộ dân có rẫy chung quanh hồ đã góp tiền thuê người đào giếng và thuê xe múc hồ ngay dưới lòng hồ Ea Káp để tìm nước cứu cà-phê. Thế nhưng, nguồn nước cũng rất hạn chế, chỉ bơm tưới được khoảng 30 phút phải nghỉ chờ 1 giờ sau mới có nước bơm lại. Nếu đủ nước mỗi đợt chỉ tưới khoảng ba ngày là xong, nhưng do thiếu nước phải tưới đến gần 10 ngày mới xong một đợt”.

Không chỉ thiếu nước phục vụ sản xuất mà nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân từ công trình cấp nước sạch nông thôn ở một số địa phương cũng khan hiếm. Hiện nay, có 13 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quan lý nằm trên địa bàn các huyện Ea H’leo, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Năng, Cư M’gar, Ea Súp và thị xã Buôn Hồ… đang bị thiếu nguồn nước, phải thực hiện cấp nước luân phiên cho 1.923/8.142 hộ dân.

2/Ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, trong thời gian qua đã chỉ đạo các địa phương rà soát, khoanh vùng cụ thể các diện tích đã và có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải pháp ứng phó phù hợp. Trường hợp xảy ra thiếu nước tưới nghiêm trọng thì chỉ tưới để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng, kết hợp sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm, hạn chế thất thoát nước do bốc hơi.

Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk Trịnh Quốc Bảo cho biết, lường trước tình hình thời tiết năm nay khô hạn khốc liệt nên ngay từ đầu vụ, đơn vị đã chủ động nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ nước đối với các hồ chứa bảo đảm điều kiện an toàn; chủ động nạo vét các tuyến kênh dẫn, cửa vào của cống lấy nước… Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, đơn vị hiện đã đắp đập tạm để giữ nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông, suối và từ dung tích chết của hồ chứa.

Tại các khu vực khan hiếm về nguồn nước, đơn vị đã chủ động điều tiết xả nước từ các công trình còn nước, lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm hỗ trợ phục vụ chống hạn. Thậm chí, một số địa phương phải đào giếng trong lòng hồ đã khô cạn để tận dụng tối đa nguồn nước; đào, khoan giếng để khai thác nước ngầm phục vụ chống hạn…

Hạn hán kéo dài đã khiến cho khoảng 5.100 ha cây trồng các loại trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, thiếu nước tưới, làm giảm năng suất và chất lượng.