Ấm no nơi “vựa lúa” Mường Trời

Mường Thanh là cánh đồng duy nhất trong lòng chảo, lại có tên gọi cùng tên với vùng đất huyền thoại, lịch sử “Mường Thanh”. Theo thăng trầm của vùng biên viễn, cánh đồng “nhất Thanh” ở xứ sở “Mường Trời” đã chứng kiến bao lần binh biến, tranh giành và hứng trọn mưa bom bão đạn. Khi có sức người đổ xuống lúa trên đồng ruộng Mường Thanh lại lên xanh. Hôm nay, 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ thì cánh đồng ấy đã hiện lên rực rỡ như một “bức tranh” đẹp bốn mùa, với những gam màu ấm no, hạnh phúc…
Niềm vui được mùa.
Niềm vui được mùa.

Cánh đồng huyền thoại, cánh đồng lịch sử

“Mường Thanh” đọc theo âm tiếng Thái là “Mường Theng” nguyên gốc là “Mướng Then”, dịch nghĩa là Mường Trời. Từ xưa rất xưa, mỗi khi kể chuyện khai thiên lập địa và nguồn gốc của loài người ở Mường Thanh, người dân tộc Thái ở Điện Biên thường nhắc về nhân vật “khổng lồ” tên là Ải Lậc Cậc với một niềm hãnh diện, biết ơn. Bởi nhờ công Ải Lậc Cậc vỡ đất, khai khẩn nên người Thái, người Lự, người Xá có cánh đồng “Nhất Thanh” bằng phẳng, trù phú để cấy cày thu những mùa vàng cho hạt gạo trắng trong.

Nhưng rồi, những cuộc binh đao liên tiếp xảy đến do sự tranh chấp giữa các chúa hoặc do sự xâm lấn của kẻ địch từ ngoài vào, khiến cánh đồng Mường Thanh nhiều phen bị chia ba, chia năm theo từng lãnh địa của các chúa Lự, chúa Thái Lạng Chượng. Rồi khi Pháp cho quân nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh (2/11/1953) chiếm đóng Điện Biên Phủ làm bàn đạp cho chiến tranh Đông Dương thì một lần nữa cánh đồng Mường Thanh lại oằn mình gánh những trận mưa bom bão đạn. Ruộng đồng hoang tàn như thuở hồng hoang.

Hình dung khung cảnh cánh đồng Mường Thanh trong những ngày tháng ấy, ông Nguyễn Hữu Chấp, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn nhớ như in những khó nhọc, đau thương của vùng đất, con người. Ông kể: “Người dân thì bỏ nhà, bỏ bản ẩn trong rừng rậm; lúa ruộng đương xanh bị cháy đen vì bom đạn. Cánh đồng Mường Thanh như một tấm áo với chi chít miếng vá mầu đen; chi chít các hố bom vệt cháy”.

Với ông Lò Văn Cu, người con của dân tộc Thái ở bản Him Lam 2, phường Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ) thì ký ức tuổi thơ “nằm trọn” trong cánh đồng Mường Thanh, trong những chiều theo mẹ đi gặt, theo cha trên những đường cày. Bởi thế mà khi đã ở tuổi 90 ông Cu dù nhớ nhớ quên quên nhiều chuyện, nhưng riêng chuyện về cánh đồng Mường Thanh thì ông lại nhớ rõ mồn một. Chiều hôm qua, đứng trên bậc cầu thang nhà sàn ở bản Him Lam 2, ông Cu chỉ tay về phía bắc gọi tên từng địa danh Độc Lập, Bản Kéo rồi ông lại chỉ về phía nam có phân khu Hồng Cúm, Mường Thanh. Mắt đượm buồn, ông Lò Văn Cu khẽ kể chuyện Pháp về 70 năm trước: “Rộng khoảng 6 km, dài khoảng 20 km nên người Thái hay nói con chim bay qua cánh đồng Mường Thanh cũng mỏi cánh. Nhờ cánh đồng ấy mà ngày xưa người Thái các bản trong lòng chảo như là Him Lam, Hồng Cúm, Co Mỵ, Hong En… chỉ làm một mùa đã đủ cho người ăn và đủ nuôi con lợn, con gà. Tôm, cá trên cánh đồng cũng nhiều lắm. Nhưng khi quân Pháp tái chiếm Điện Biên thì đồng ruộng thành chiến địa. Chiến trường rộng ra bao nhiêu thì lúa trên cánh đồng ít đi bấy nhiêu. Suốt những ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, người dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú, dân tộc Lào và dân tộc H’Mông ở Mường Thanh đi kiếm củ mài, củ nâu trên rừng vất vả lắm”.

Rồi sau 56 ngày đêm khoét núi mở hầm, bộ đội ta lập nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cánh đồng Mường Thanh trở lại bình yên như vốn có.

Trên nền chiến trường xưa, cánh đồng Mường Thanh hôm nay thắm sắc tươi xanh của bốn mùa hoa trái.

Trên nền chiến trường xưa, cánh đồng Mường Thanh hôm nay thắm sắc tươi xanh của bốn mùa hoa trái.

Hồi sinh vựa lúa “Mường Trời”

Đi thăm toàn cảnh tượng chiến trường Điện Biên Phủ ngay những giờ phút đầu tiên khi chiến thắng, trên cánh đồng còn nóng bỏng hơi thuốc súng, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nghĩ ngay tới một nhiệm vụ mới của bộ đội là “trả lại cánh đồng mịn màng cho nhân dân Tây Bắc làm mùa”.

4 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, vào ngày 18/3/1958 Trung đoàn 176 thuộc Sư đoàn 316 chính thức rời khỏi Sơn Tây hành quân trở lại Điện Biên thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông trường sản xuất. Ngày 8/5/1958, Trung đoàn 176 đã tổ chức lễ ra mắt nông trường quân đội Điện Biên, gồm 1.954 cán bộ, chiến sĩ. Để phù hợp nhiệm vụ mới, mỗi đại đội của Trung đoàn được tổ chức thành một đơn vị sản xuất của nông trường và được bố trí xen kẽ với các xã, bản khu vực lòng chảo Điện Biên. Nông trường có nhiệm vụ vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu vừa phá dỡ bom mìn, cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất.

Là một trong những người lính trở lại xây dựng Điện Biên từ ngày đó, ông Hoàng Văn Bảy (chiến sĩ Điện Biên hiện ở phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ), vẫn nhớ như in công cuộc cải tạo ruộng đồng trên chiến trường. Ông Hoàng Văn Bảy nói rằng, đồng ruộng thành chiến địa nên công cuộc cải tạo chiến địa trở thành đồng ruộng của bộ đội, nhân dân Điện Biên cũng phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Ngày ấy, trên nền chiến trường xưa đâu đâu cũng thấy mìn với đủ các loại, như là: Mìn cóc, mìn nhựa, mìn díp… Người đi cấy, trâu đi cày không may dẫm phải mìn thì… tính mạng cũng đi luôn. Ấy vậy mà vượt qua khó khăn và vượt lên hiểm nguy, vụ gieo cấy lúa mùa năm 1958 trên những thửa ruộng đã được dọn gỡ hết mìn và đã cày cuốc xong, bộ đội xếp thành hàng ngang đi gieo hạt. Những người đi trước cầm mỗi người một cây gậy nhọn đầu chọc lỗ, những người đi sau nhón từng hạt lúa giống mà tra cho đều.

Chỉ đơn giản thế thôi mà vụ mùa năm ấy kết quả rất khá. Lúa trên cánh đồng Mường Thanh cao quá đầu người, bộ đội phải cưỡi ngựa đi thăm đồng thăm ruộng. Cũng năm ấy, lúa được mùa, lạc trên cánh đồng Mường Thanh cũng được mùa với kết quả thật đặc biệt mà văn chương đã ghi nhận trong tác phẩm “Mùa lạc” của Điện Biên. Cứ như thế, sức người đổ xuống chiến trường làm cánh đồng rộng thêm, rộng thêm mỗi ngày, đến năm 1959 diện tích lúa ruộng trên cánh đồng Mường Thanh đã tăng lên hàng trăm ha, năng suất bình quân đạt 4,2 tấn/ha/một vụ.

Năm 1969, công trình đại thủy nông Nậm Rốm hoàn thành đã không phụ công sức, hy sinh của những người trẻ hết mình vì cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nơi chiến trường xưa. Ban đầu diện tích cánh đồng Mường Thanh chỉ khoảng 2.000 ha nhưng chỗ cao, chỗ thấp năng suất không đều, khi được đại thủy nông Nậm Rốm đem nước về thì diện tích trên cánh đồng mở rộng tới gần 6.000 ha, cho năng suất hai mùa đều hơn 6,3 tấn/ha mỗi vụ. Ngoài hai vụ lúa ấy, nông dân vùng lòng chảo Mường Thanh còn trồng thêm một vụ màu với đủ loại lương thực, như là: ngô, đậu, rau màu. Cánh đồng Thanh Hưng thì bốn mùa rực rỡ sắc mầu hoa... Bản, làng của người Thái, người Kinh, người Tày, người Thổ lòng chảo Mường Thanh mỗi ngày càng thêm mới. Đường quê miền núi được bê-tông dẫn về từng ngõ, từng nhà. Trên khắp cánh đồng các xã: Noong Hẹt, Sam Mứn, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Xương người nông dân phóng xe máy chạy vèo vèo như phố thị; tiếng nói, tiếng cười hòa vào tiếng máy rộn rã khắp lòng chảo Mường Thanh.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh.

Thấm thoắt thế mà đã 70 năm qua kể từ buổi chiều lịch sử 7/5/1954 lúc quân Pháp giương cờ trắng xin hàng. Hôm nay, 70 năm sau những ngày “máu trộn bùn non”, khách du lịch ung dung thả bước giữa lòng chảo Mường Thanh bên sóng lúa dạt dào. Cánh đồng đang rộn ràng như hội mở, tiếng cười câu hát xôn xao hòa vào tiếng sóng lúa nối nhau chạy dài tít tận chân núi Hồng Mèo - Khâu Lệnh, cho ta cảm giác không chỉ đã con mắt mà còn vui sướng ở trong lòng khi nghĩ về những mùa vàng ấm no trên cánh đồng huyền thoại, cánh đồng lịch sử ở xứ “Mường Trời”...