“Sức sống của dân tộc này thật phi thường”

Tony Atkinson không phải là một người khách lạ. Nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế người Australia ấy, lâu nay, đã rất gắn bó với Việt Nam và lịch sử kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Cuộc trò chuyện cùng ông và “người bạn vong niên” Võ Quốc Tuấn của ông, giữa những ngày đất nước rộn ràng hướng tới Ngày Thống nhất non sông, là những chia sẻ thấm đẫm ý vị, gửi tới độc giả Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc trò chuyện thú vị trong một ngày tháng Tư lịch sử (trong ảnh: hai nhà nghiên cứu Võ Quốc Tuấn và Tony Atkinson).
Cuộc trò chuyện thú vị trong một ngày tháng Tư lịch sử (trong ảnh: hai nhà nghiên cứu Võ Quốc Tuấn và Tony Atkinson).

Từ vết đạn trên tường thành Cửa Bắc

- Xin chào ông Tony Atkinson, người bạn quý mến của tôi. Thật vui khi được gặp lại ông ở Hà Nội. Ông sẽ có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày tới chứ?

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Ồ, thật đáng tiếc. Tôi không thể có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp này, dù rất muốn. Tôi có một công việc khác ở tỉnh Sơn La. Tại đó, tôi được mời dự một buổi thảo luận về Điện Biên Phủ, của một nhóm nghiên cứu lịch sử không chuyên ở miền bắc. Chà, tôi sẽ có khoảng 25 phút thuyết trình ở đó, có vẻ cũng sẽ không dễ dàng gì. Tôi sẽ phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng dù sao, chúng ta gặp nhau ở đây cũng đã là điều thật tuyệt vời.

- Là một người có cơ duyên gắn bó với Việt Nam, thưa ông, ông còn nhớ cảm xúc của mình khi nghe tin tức, trong ngày 30/4/1975 đó không? Về chiến thắng của chúng tôi, và về sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn?

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Tôi nhớ chứ. Thật sự, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Đất nước của các bạn đã chịu quá nhiều đau thương, trong một thời gian rất, rất dài. Tôi muốn nói thế này: Ở Australia, cũng như tôi, có rất nhiều người phản đối cuộc chiến tranh ấy. Tôi là một trong số đó, và sau này, tôi nhận ra rằng tôi muốn, tôi cần phải tìm hiểu về Chiến tranh Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Võ Quốc Tuấn: Nhưng, trước thời điểm ngày 30/4/1975 đó, ông có nghĩ rằng dân tộc Việt Nam sẽ chiến thắng?

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Tôi cảm thấy: Thậm chí, rất nhiều người dân Mỹ cũng không tin vào khả năng quân đội của họ sẽ thắng cuộc chiến này. Vâng, tôi nghĩ, Việt Nam có thể giành thắng lợi bằng tinh thần chiến đấu của mình. Và song song với đó, nước Mỹ còn phải đối diện với không ít khía cạnh phức tạp, nhạy cảm, cũng như những sự phản đối từ khắp thế giới. Trong nội tại, chính nước Mỹ cũng bị cuộc chiến tranh này chia rẽ, và đó thật sự là một vấn đề lớn dành cho họ.

- Hình như đến hiện tại, vấn đề ấy vẫn hiện hữu, cho dù Chiến tranh Việt Nam vẫn luôn tồn tại như một bài học kinh nghiệm (case study) điển hình. Là một nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế, ông có cho rằng, Ngày 30/4/1975, đến lúc này, vẫn còn những giá trị đáng để chiêm nghiệm không?

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Tuấn này, tôi có mang tặng bạn một cuốn sách, trong đó bao gồm bảy cuộc phỏng vấn về cuộc đời của một người đàn ông bình thường, đã mất toàn bộ gia đình mình trong chiến tranh. Rồi ông ta sang định cư ở Australia. Ba năm trước đây, ông ta trở về Việt Nam, đi tìm lại cội nguồn đã thất lạc. Cho đến bây giờ, trong những cuộc phỏng vấn, những nỗi đau đớn vẫn hành hạ ông ấy. Vâng, đó thật sự là một quãng lịch sử u buồn, chất chứa rất nhiều nỗi đau của dân tộc các bạn. Và các bạn đã bắt buộc phải chiến đấu rất, rất nhiều năm. 30 năm. Với những gia đình bị chia cắt, những người ông không bao giờ được ôm cháu của mình. Các bạn phải đối diện với quân đội Pháp, rồi quân đội Mỹ, theo những cách khác nhau. Tôi nghĩ, sức sống quật cường của dân tộc các bạn thật khó tin.

Ngắn gọn thì như thế này: Tôi không thể hình dung được tất cả những khía cạnh đó, khi sống ở một đất nước thanh bình và không bị chiến tranh tàn phá như Australia. Và rồi, tôi đến Việt Nam. Tôi nhận ra nhiều điều không có trong những cuốn sách. Thí dụ như vết đạn đại bác vẫn được giữ nguyên trên tường thành Cửa Bắc, cũng như câu chuyện về những vị tướng Việt Nam đã tuẫn tiết theo thành. Chúng nói lên rất nhiều điều, về lịch sử và truyền thống bảo vệ đất nước của người Việt.

Với rất nhiều người Mỹ, tôi nghĩ cũng vậy. Họ sống ở một đất nước không có chiến tranh, và sẽ rất khó khăn cho họ, để hiểu được thấu đáo mọi vấn đề xoay quanh cuộc chiến này.

Trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai, quân Nhật có thả bom xuống Australia, nhưng là chỉ ở phần lãnh thổ hoang vắng phía bắc. Các thành phố đông dân cư ở bờ biển phía nam hầu như không chịu ảnh hưởng gì. Nhưng trong chiến dịch Linebacker II, cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã làm một điều thật kinh khủng, khi ông ta cho phép thả bom cả vào các mục tiêu dân sự ở miền bắc Việt Nam. Thật điên rồ, đó là sự bất chấp luật lệ. Và vì thế, theo tôi, ông ấy đã kích hoạt một thứ năng lượng siêu hình, thông qua những cơn giận dữ cùng lòng căm thù, trở thành tinh thần chiến đấu không khoan nhượng, cháy lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Để cuối cùng, một đất nước châu Á nhỏ bé đã bắt nước Mỹ hùng mạnh lần đầu phải nếm trải mùi vị cay đắng của thất bại.

Tới những hành trình chứng kiến đổi thay

- Ông bắt đầu quan tâm tới Chiến tranh Việt Nam từ khi nào?

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Từ khi còn đi học, như tôi vừa kể. Nhưng trên phương diện một người nghiên cứu lịch sử, năm 1996, tôi bị thu hút bởi một cuốn sách mang tên “Trận chiến Alger”. Bạn biết đấy, sau khi người Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ và phải rút khỏi Việt Nam, họ tiếp tục phải đối diện với cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân Algeria. Từ cuốn sách đó, tôi tìm thấy một cánh cổng lớn, và nó dẫn tôi đến với Chiến tranh Việt Nam, thông qua nhiều công trình nghiên cứu chuyên môn khác. Thí dụ, những cuốn sách của Bernard Fall hay Neil Sheehan, các chuyên gia về Chiến tranh Đông Dương.

- Vậy thì, lần đầu ông tới Việt Nam là khi nào nhỉ?

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Đó là năm 2013. Tôi đi tàu thủy từ Hồng Công (Trung Quốc) tới Singapore, và ghé lại Nha Trang. Nha Trang, một thành phố biển đẹp mê hồn, nhưng dịch vụ lúc ấy còn chưa được chuyên nghiệp lắm. Tôi không có nhiều dịp đến Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng luôn cảm nhận được sự khác biệt và độc đáo của thành phố ấy.

- Nói đến đây, tôi lại cảm thấy thật sự tiếc, khi ông không có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh dịp đại lễ này. Tôi cứ nghĩ thế nào ông cũng sẽ bay vào. Nơi ấy đã rất khác, so với chính nó, kể từ lần dừng chân cuối cùng của ông.

Nhà nghiên cứu Võ Quốc Tuấn: Trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng, đó sẽ là một lễ hội đầy thân thiện, đối với tất cả mọi người. Kể cả với du khách nước ngoài. Kể cả những người bạn Mỹ.

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Thật kỳ lạ. Và thật đáng ngạc nhiên, khi sau những cuộc chiến ác liệt như thế, cuối cùng, những địch thủ cũ lại vẫn có thể trở thành bạn bè. Tất nhiên, tôi biết, vẫn còn một số người Mỹ giữ những suy nghĩ tiêu cực về Việt Nam, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.

- Có lẽ bởi như lúc nãy, ông cũng đã nói, một số ít người Mỹ ấy chưa “nuốt trọn” được hết hương vị của thất bại?

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Thật ra, theo tôi, họ nên nhớ lại rằng chính họ cũng đã vùng lên, chiến đấu và chiến thắng đế quốc hùng mạnh nhất thế giới vào thời điểm đó, nước Anh trong thế kỷ 18, một đối thủ mạnh hơn họ gấp nhiều lần, để giành lấy nền độc lập và tự do cho mình.

Nhà nghiên cứu Võ Quốc Tuấn: Cảm ơn ông, chi tiết thật đáng giá. Xét cho cùng, chúng tôi đã đi hết được con đường phải đi. Con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi đã lựa chọn.

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Đúng vậy. 50 năm rồi, kể từ ngày Chiến thắng ấy của các bạn. 50 năm trước, ai có thể hình dung nổi đất nước Việt Nam sẽ mang một diện mạo tươi sáng như thế này nhỉ?

- Vâng, những nhà lãnh đạo của chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều, để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Tôi hiểu. Việt Nam từng bắt buộc phải vận hành một cơ cấu kinh tế thời chiến, trong một quãng thời gian rất dài. Sau đó, việc chuyển đổi về trạng thái bình thường rõ ràng là vô cùng khó khăn.

- Và xin để tôi bổ sung: Bên cạnh đó, sau ngày 30/4/1975, thực tế, ở một số khu vực trên đất nước chúng tôi, chiến tranh cũng vẫn còn hiện hữu. Giai đoạn ấy lấy đi của chúng tôi thêm nhiều năm nữa trong quỹ thời gian, để có thể tiến hành công cuộc Đổi Mới sớm hơn. Tất cả chỉ bắt đầu thay đổi vào năm 1986.

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Đó là thành quả vô giá của chiến thắng ấy - dành cho các bạn - thành quả của độc lập, và thống nhất.

Nhà nghiên cứu Võ Quốc Tuấn: Vâng, hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây, tại một quán ăn nhỏ gần Cửa Bắc, trung tâm Hà Nội. Ngày mai, ông sẽ đi lên Sơn La, và có một tuần du ngoạn Tây Bắc. Rồi ông có thể lên bất cứ chuyến bay nào, đến Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau… hay Thành phố Hồ Chí Minh, mà không cần phải làm… thủ tục xuất nhập cảnh. Điều đó sẽ dễ dàng cho chúng tôi hơn nhiều, để giới thiệu với những người bạn quốc tế như ông, về Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Tony Atkinson: Chính xác. Không visa, không passport, không gì thêm nữa cả, khi tôi di chuyển trong phạm vi đất nước này. Trước đây, nghĩa là trước ngày 30/4/1975, chẳng ai có thể làm như thế.

- Xin cảm ơn ông Tony Atkinson. Và nào, xin nâng ly, chia vui cùng ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước tôi!