Doanh nghiệp rượu, bia rơi vào vòng xoáy suy giảm

Những quy định liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn đã khiến các doanh nghiệp ngành rượu, bia sụt giảm doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2023. Dự báo xu hướng này sẽ còn kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt giảm. Ảnh: HẢI ANH
Doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt giảm. Ảnh: HẢI ANH

Báo cáo tài chính (BCTC) đã công bố của hầu hết các doanh nghiệp ngành bia trên sàn chứng khoán đều đang cho thấy doanh thu và lợi nhuận cả năm 2023 giảm sâu so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt giảm 11% xuống gần 45.700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%, còn chưa tới 5.100 tỷ đồng.

Sụt giảm doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng

Cụ thể, BCTC năm 2023 của “ông lớn” ngành bia - Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) cho thấy, doanh thu thuần của công ty chỉ đạt 30.706 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 4.255 tỷ đồng, tương đương giảm 13% và 23% so cùng kỳ.

Năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng. Như vậy, Sabeco mới chỉ thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận.

Tương tự, Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán: BHN) ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2023 đạt 7.757 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,7% và 30% so với năm 2022. So với kế hoạch năm, Habeco chỉ hoàn thành được gần 60% chỉ tiêu lợi nhuận.

Không chỉ Sabeco và Habeco, nhóm doanh nghiệp bia vừa và nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn. Có thể kể đến Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương (mã chứng khoán: HAD), cả năm 2023, công ty chỉ đạt 6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 43% so với năm 2022; Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán: BSH) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới 25%, chỉ đạt hơn 43 tỷ đồng; lợi nhuận Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (mã chứng khoán: THB) sụt giảm 50% so với năm 2022, chỉ còn hơn 5 tỷ đồng.

Cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp đồ uống có cồn, Công ty CP Rượu và nước giải khát Hà Nội (Halico, mã chứng khoán: HNR) - chủ thương hiệu rượu Vodka Hà Nội thậm chí còn “thảm” hơn khi báo lỗ năm thứ 8 liên tiếp. Cụ thể, theo BCTC năm 2023, Halico ghi nhận khoản lỗ gần 10 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 457 tỷ đồng.

Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh, năm 2022, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về tiêu thụ bình quân rượu, bia trên đầu người. Mức tiêu thụ rượu, bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người 8,3 lít/năm, tương đương một người uống khoảng 170 lít bia mỗi năm. Việt Nam được đánh giá là một thị trường “béo bở” với các hãng bia.

Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt cộng thêm nhiều thách thức bủa vây khiến các doanh nghiệp ngành rượu, bia khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Mức tiêu thụ bia trong năm 2023 không còn sôi động, nhộn nhịp như những năm trước do bị ảnh hưởng từ sự khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước. Cùng với đó là việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100, tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023 đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp ngành rượu, bia.

Thay đổi là điều tất yếu

Trong báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Funan cho rằng, rủi ro quan trọng của ngành rượu, bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.

Đồng quan điểm, đánh giá của VIRAC Research cho biết, sự ảnh hưởng của Nghị định 100 đối với các doanh nghiệp ngành rượu, bia sẽ còn kéo dài, bởi đang được lấy ý kiến sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Không chỉ vậy, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng mạnh, cũng như việc xem xét thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu sẽ còn tác động đáng kể đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, việc xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa ra sửa đổi theo hướng xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) với rượu, bia, thay vì phương pháp tương đối đang áp dụng hiện hành. Với ngành bia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến tăng ít nhất 10% trên giá bán sản phẩm theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, theo nhận định mới đây của Sabeco, doanh nghiệp này cho biết, vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng thức uống có cồn của người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, Sabeco dự kiến sẽ có sự chuyển dịch kênh tiêu dùng từ kênh tiêu dùng tại chỗ (on-trade) sang kênh mua về (off-trade).

Thời điểm cuối năm 2023, công ty đã bắt đầu cung cấp sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử và kỳ vọng sẽ đạt được doanh số bán hàng cao hơn qua kênh này vào năm 2024. Tuy nhiên, để đạt được sự bứt tốc trong doanh thu, hay quay lại “thời kỳ hoàng kim” là điều khó có thể xảy ra. Bởi lẽ, theo tờ Forbes, thế hệ Gen Z (những người sinh ra từ năm 1997-2012) ngày nay uống rượu, bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000).

Điều này đang dần được chứng minh khi tại Mỹ, năm 2022, lượng tiêu thụ bia đã giảm xuống dưới 200 triệu thùng lần đầu tiên kể từ năm 1999. Đáng chú ý, năm 2022 cũng là lần đầu tiên thị phần bia giảm xuống đứng thứ 2 sau rượu, điều chưa từng xảy ra trước đây.

Trong bối cảnh này, nhiều dự báo đã chỉ ra, danh mục đồ uống không cồn sẽ tăng 25% trong khoảng thời gian 2022-2026. Nhiều tập đoàn nước giải khát lớn đã lần lượt cho ra mắt các sản phẩm bia không cồn, cạnh tranh trực tiếp với ngành bia, rượu truyền thống. Điều này đồng nghĩa phân khúc bia ít cồn, không cồn có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Do vậy, để cải thiện tình hình kinh doanh, việc thay đổi đang là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp đồ uống có cồn trong nước. Tất nhiên, sẽ luôn đủ rượu, bia cho người có nhu cầu, miễn là bảo đảm quy định của pháp luật. Đồng thời nếu có thêm sự lựa chọn sẽ giúp các doanh nghiệp thoát được “vòng xoáy” suy giảm.