Định vị thương hiệu đại học Việt Nam

"Phải đặt ra kỷ luật, phát huy hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; kiên quyết sàng lọc sinh viên trong quá trình đào tạo; từ đó xây dựng tiếp nối các thế hệ sinh viên với chất lượng đào tạo đúng chuẩn, ngang tầm các đại học lớn"… Nhiều chuyên gia, nhà giáo đã nhấn mạnh như vậy trước thềm năm mới Nhâm Dần (2022), khi trả lời câu hỏi, làm thế nào để giáo dục đại học Việt Nam sớm định vị thương hiệu, hội nhập quốc tế.

Công tác tư vấn hướng nghiệp cần đổi mới hiệu quả, từ sớm, từ xa. Ảnh: Bá Lâm
Công tác tư vấn hướng nghiệp cần đổi mới hiệu quả, từ sớm, từ xa. Ảnh: Bá Lâm

Nhiều tín hiệu vui

Trong vài năm trở lại đây, không ít cơ sở giáo dục đại học trong nước đã chủ động, mạnh dạn "nhập khẩu" giáo trình, chương trình đào tạo của các trường đại học danh tiếng thế giới để tham khảo và ứng dụng. Câu chuyện của Trường đại học Tôn Đức Thắng là thí dụ.

Với tầm nhìn xa, từ gần ba năm trước, Trường đại học Tôn Đức Thắng cùng chín trường đại học quốc tế thống nhất thành lập Mạng lưới hợp tác đại học quốc tế - University Consortium International (UCI) với những cam kết hợp tác chặt chẽ. Từ đó, UCI đã góp phần phát triển chất lượng và số lượng các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ giữa Trường đại học Tôn Đức Thắng với các thành viên sáng lập còn lại (đều là các trường danh tiếng của Hàn Quốc, Ba Lan, Bỉ, CH Czech, Đan Mạch, Italy, Hà Lan…). Theo lãnh đạo Trường đại học Tôn Đức Thắng, trong quá trình phát triển, UCI sẽ tiếp tục kết nạp các thành viên mới, giúp người học các nước có thể dễ dàng du học ở bất cứ trường thành viên nào trong mạng lưới, từ ngắn hạn đến dài hạn, cũng như bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu của UCI sẽ cùng về một chuẩn.

Bên cạnh sự năng động của các trường tư thục, nhiều trường công lập cũng đang có những chuyển động mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong số đó, phải kể đến hai cơ sở đào tạo lớn nhất cả nước là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, thời gian qua đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo đột phá trong chất lượng đào tạo. Tháng 6/2021, hai đại diện này của Việt Nam đã có mặt trong Bảng xếp hạng những đại học trẻ tốt nhất thế giới (Young University Rankings 2021): Đại học Quốc gia Hà Nội (tốp 251 - 300) và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (tốp 401+).

Đề cập vấn đề cơ chế, chính sách, điểm sáng trong thời gian qua là tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị, chất lượng đào tạo đại học, từ đó có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động. Cùng với hai đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có bốn cơ sở giáo dục đại học được vào tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu châu Á. Như vậy, mặc dù giáo dục đại học còn nhiều hạn chế, nhưng kết quả này là điểm sáng, khẳng định chủ trương về thực hiện tự chủ đại học của Nghị quyết 29 là đúng đắn và đang đi vào cuộc sống.

Ðổi mới quản trị đại học

Trao đổi ý kiến với phóng viên Báo Nhân Dân, GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, "chúng ta đừng chỉ nhìn vào những bảng xếp hạng. Xây dựng con người đẳng cấp quốc tế mới là nhiệm vụ quan trọng nhất". Vị chuyên gia này cũng mong mỏi, các cơ sở giáo dục đại học cần gắn kết hơn nữa với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động; tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên được thực chất và bền vững hơn. "Đặc biệt là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phải làm sao sớm ở đẳng cấp quốc tế một cách thực chất", GS Nhuận nhấn mạnh.

Điều đáng mừng, những năm gần đây, giáo dục đại học Việt Nam cũng đã có những chuyển biến rõ rệt, trong chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Quá trình quốc tế hóa thể hiện ở các mặt như tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên, hiện đại hóa chương trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bảy năm qua, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được nâng lên, giúp nâng cao hiệu quả về hợp tác quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới. Giai đoạn 2013-2017, 68 thỏa thuận quốc tế và 23 điều ước quốc tế được ký kết, tăng 15% số lượng văn bản ký kết so với cùng kỳ những năm trước. Đặc biệt, năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, ký kết được 21 văn bản hợp tác quốc tế (trong đó có sáu văn bản cấp Chính phủ) và ký kết các thỏa thuận về công nhận văn bằng để thúc đẩy việc dịch chuyển sinh viên với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước cũng đã đem lại hàng nghìn học bổng hằng năm cho công dân Việt Nam đi học tập tại nước ngoài (gần 20 nước). Số lượng học bổng do chính phủ nước ngoài cấp cho Chính phủ Việt Nam đã tăng từ khoảng 400 học bổng/năm (năm 2013) lên 1.400 học bổng/năm (năm 2019). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động thực hiện các hoạt động thúc đẩy hợp tác và đầu tư của nước ngoài. Hiện có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với 147 nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp vào giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

Với chất lượng giáo dục liên tục được nâng lên, chi phí học tập, sinh hoạt hấp dẫn, môi trường sống an toàn, trong những năm gần đây, Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế. Đến năm học 2019-2020 đã có hơn 21 nghìn lưu học sinh đến từ 67 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có 14.400 sinh viên theo học các chương trình đào tạo từ đại học trở lên.

Từ những kết quả đã đạt được, đề cập giải pháp cả trước mắt và lâu dài, GS Đặng Ứng Vận, cho rằng: Cần một cách quản trị khôn ngoan, hiện đại. Mô hình giáo dục khai phóng có thể như một thí dụ. Đó là mô hình đã được chứng minh về khả năng trang bị cho người học năng lực thích ứng với thay đổi trong môi trường công việc và xã hội nhờ phông nền kiến thức rộng và những kỹ năng sống còn như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Để chuyển hóa hệ thống giáo dục đại học và tăng tốc các nỗ lực tăng cường đội ngũ nghiên cứu cả về lượng và chất, Việt Nam cần hình thành hệ thống quản lý nhân lực chất lượng cao. Thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng hơn vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tiến trình phát triển đất nước, trong đó, các trường đại học nghiên cứu đóng vai trò chủ chốt.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số công việc sẽ ưu tiên thực hiện trong năm 2022 là thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, để bảo đảm cả về số lượng, chất lượng.