Diễn biến khó lường

Trước những lo ngại về tình trạng mất cân bằng cung-cầu trên thị trường dầu mỏ năm 2023, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác cam kết điều chỉnh chính sách sản lượng nếu các điều kiện thị trường thay đổi.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: DERKAOUI ABDELLAH
Biếm họa: DERKAOUI ABDELLAH

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Thái tử Abdulaziz bin Salman cho biết, OPEC và đối tác, còn gọi là OPEC+, sẽ vẫn linh hoạt và có thể thay đổi chính sách sản lượng trong trường hợp cần thiết. Phát biểu của ông Abdulaziz được đưa ra sau khi OPEC+ nhất trí giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu hiện nay là hai triệu thùng/ngày tại cuộc họp hồi đầu tháng 2/2023.

OPEC vừa nâng mức dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới, theo đó sẽ tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,87 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so dự báo đưa ra trước đó, với kỳ vọng lớn về sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc. Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ mới công bố, OPEC nêu rõ: “Chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 sẽ là sự trở lại của nền kinh tế Trung Quốc, sau khi những hạn chế nhằm chống dịch Covid-19 được bãi bỏ”. Do là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai của thế giới, Trung Quốc được coi là biến số lớn trên thị trường dầu khí toàn cầu trong năm nay.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức sáng kiến dữ liệu chung về dầu mỏ (JODI), nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt 102% mức trước đại dịch Covid-19 vào tháng 12/2022, chủ yếu do nhu cầu gia tăng ở Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc. Trong quý IV/2022, nhu cầu dầu mỏ thế giới đã tăng lên 101,17 triệu thùng/ngày, cao hơn so mức 100,79 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, OPEC cho rằng, những yếu tố kinh tế như lạm phát cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ, mức nợ quốc gia và căng thẳng chính trị có khả năng làm suy yếu triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu. Trong khi đó, Nga - nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, vừa thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày (tương đương 5% sản lượng) vào tháng 3 tới, sau khi phương Tây áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga. Trước diễn biến trên, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, dù nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt nhu cầu trong nửa đầu năm nay, song cán cân có thể nhanh chóng chuyển sang thiếu hụt khi nhu cầu tăng trở lại và sản lượng dầu thô của Nga sụt giảm. IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng hai triệu thùng/ngày trong năm nay, với 900.000 thùng/ngày trong số này đến từ Trung Quốc.

Trong báo cáo thị trường dầu mỏ hằng tháng, IEA cho biết, nguồn cung dầu mỏ từ OPEC+ dự kiến sẽ giảm do ảnh hưởng từ những lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Nga cho đến nay có rất ít tác động đối với lượng dầu mỏ xuất khẩu của quốc gia này. Trong tháng 1/2023, xuất khẩu dầu mỏ của Nga chỉ giảm 160.000 thùng/ngày so mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2/2022.

Bất chấp nhu cầu hiện tăng cao, OPEC+ đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hai triệu thùng/ngày tới cuối năm 2023, do lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Mức cắt giảm này tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, được OPEC+ nhất trí thực hiện nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu. Quyết định của OPEC+ đã vấp phải sự phản đối của các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá đây là chiến lược khôn ngoan khi thực tế đã giúp giá dầu hạ nhiệt, từ mức kỷ lục gần 140 USD/thùng vào tháng 3/2022, hiện xuống khoảng 80-85 USD/thùng.

Dù Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhận định thị trường dầu mỏ hiện cân bằng và ổn định, nên OPEC+ không cần nhóm họp sớm hơn kế hoạch để bình ổn thị trường, thì việc Nga thông báo sẽ đơn phương cắt giảm sản lượng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Theo kế hoạch, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng OPEC+ sẽ họp vào đầu tháng 4 tới và cuộc họp các bộ trưởng năng lượng OPEC+ sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới. Các nhà đầu tư nhận định nhiều khả năng các thành viên OPEC và đối tác sẽ có các điều chỉnh chính sách sản lượng sớm hơn kế hoạch do diễn biến phức tạp của thị trường.