Điểm sáng đầu tư nước ngoài

Sang đầu quý II/2023, các tổ chức quốc tế như IMF và OECD đều có những nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Theo đánh giá của nhiều tổ chức thì Việt Nam hiện đang là điểm sáng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư FDI. Ảnh: SONG ANH
Các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư FDI. Ảnh: SONG ANH

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 5,8% trong năm nay. IMF cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,9% vào năm 2024, cao nhất Đông Nam Á và nợ công giảm xuống 31,3% GDP quốc gia vào năm 2028, thấp nhất trong hai thập kỷ, từ mức kỷ lục 47,5% năm 2016. Nợ công của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ duy trì ở mức thấp nhất so với tám nước thành viên ASEAN khác. Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì GDP của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 6,5% vào năm 2023 và 6,6% vào năm 2024. Tuy nhiên, nền kinh tế có độ mở lớn khiến nước ta phải đối mặt với những rủi ro như bất ổn địa chính trị trên toàn cầu và khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Mặc dù lạm phát gia tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so mức trung bình nhiều nước OECD, ở mức 4,3% trong năm tính đến tháng 2 năm 2023 đối với lạm phát giá tiêu dùng, so với mức 8,8% ở các nước OECD khác. Việt Nam đã giảm nghèo đáng kể trong ba thập kỷ, đưa tỷ lệ nghèo từ 80% năm 1992 xuống còn 7% ngay trước đại dịch Covid-19. GDP bình quân đầu người của Việt Nam so mức trung bình của OECD đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ, đạt gần 25%. Tuy nhiên, trong những năm tới, tình hình dân số già hóa nhanh sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tài chính công, đặc biệt khi Việt Nam cần mở rộng diện bao phủ lương hưu. Để tiếp tục nâng cao mức sống, cần tăng doanh thu từ thuế để cấp tài chính cho các nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, bao gồm bảo hiểm xã hội, đồng thời thúc đẩy năng suất lao động và tính năng động của doanh nghiệp và giảm thiểu thị trường lao động phi chính thức.

Quá trình chuyển đổi số cũng rất quan trọng tại các thị trường mới nổi vì chuyển đổi số có thể được áp dụng và phổ biến nhanh hơn. Hiện tại, Chính phủ đã đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030 so mức xấp xỉ 7% GDP hiện nay bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng chất lượng, chính phủ điện tử và khả năng tiếp cận các dịch vụ 5G.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thước đo về sự lành mạnh trong môi trường đầu tư thì từ đầu năm đến nay, FDI vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD với sự gia tăng vốn mới sau khi giảm nhẹ trong ba tháng đầu năm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 750 dự án mới trị giá hơn 4,1 tỷ USD đã được cấp phép đầu tư trong giai đoạn này. Trong bốn tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 1.044 giao dịch góp vốn, mua cổ phần, với số vốn góp vượt 3,1 tỷ USD, tăng 70,4% so cùng kỳ năm 2022. Họ đầu tư vào 18 lĩnh vực, chủ yếu là chế biến, chế tạo với hơn 5,1 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng vốn đầu tư. Số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn này lên tới 77. Singapore dẫn đầu với gần 2,2 tỷ USD vào Việt Nam, tiếp theo là Nhật Bản với gần 2 tỷ USD và Trung Quốc với 752 triệu USD.

Hà Nội là điểm đến hàng đầu của FDI, thu hút hơn 1,1 tỷ USD, Bắc Giang đứng thứ hai, tiếp theo là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Hiện tại, các nhà quản lý doanh nghiệp châu Âu tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với FDI, với hơn 3% cho rằng đây là một trong ba điểm nóng đầu tư hàng đầu của họ trên toàn thế giới.

Trong quý I/2023, Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI - đo lường triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và đầu tư châu Âu tại Việt Nam) không thay đổi, ở mức 48. Mặc dù duy trì ở mức này từ cuối năm 2022, nhưng có những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho thấy chỉ số này đang có sự thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, vẫn có sự thận trọng ở các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu. Mặc dù mức độ lạc quan về nền kinh tế quốc gia đã tăng 8 điểm, nhưng một số doanh nghiệp châu Âu cho rằng nền kinh tế vẫn còn rất mong manh và cần phải cẩn trọng. Nhiều doanh nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt Nam vẫn mơ hồ về quy định và độ hiệu quả của quản lý... Các thủ tục hải quan còn phức tạp gây thêm trở ngại cho lĩnh vực sản xuất, trong khi những khó khăn về thị thực và giấy phép lao động là một thách thức nổi bật đối với các công ty dịch vụ.

Theo báo cáo mới đây của EuroCham thì các ngành công nghiệp khác, bao gồm vận tải, dược phẩm và năng lượng tái tạo, bị cản trở vì pháp luật chống tham nhũng còn chưa đầy đủ. Báo cáo này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường ổn định chính trị, khung pháp lý, chế độ thuế và thuế quan để nâng cao sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam như một điểm đến đầu tư thịnh vượng. Giải quyết được những vấn đề này sẽ nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài. Báo cáo cho thấy, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Theo phản hồi nhận được từ những người tham gia khảo sát trong báo cáo, các điều kiện cơ bản cho thành công kinh tế dài hạn được tạo ra nhờ đơn giản hóa quy định, các biện pháp phát triển bền vững, khuyến khích đầu tư và các chương trình phát triển lực lượng lao động. Khoảng một phần ba số người tham gia khảo sát còn bày tỏ sự hài lòng ở mức cao về môi trường đầu tư. Đó là sự xác nhận về sự cống hiến liên tục của Chính phủ để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi trong nước.