Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Thanh Bình:

Để ngọn lửa chèo trong tim sáng mãi

Với mỗi một nghệ sĩ, không chỉ tài năng và sự khổ luyện, trên con đường nghệ thuật đầy thử thách, chông gai, họ còn phải vượt qua những khó khăn đời thường để có thể hiến mình cho đam mê sáng tạo. Khó khăn, thử thách ấy như càng nhân lên gấp nhiều lần đối với những nghệ sĩ đã và đang giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Chung quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đoàn Thanh Bình, người cả đời tận hiến cho nghệ thuật chèo.
0:00 / 0:00
0:00
NSND Thanh Bình và NSƯT Vũ Ngọc trong vở diễn Tuần Ty - Đào Huế. Ảnh: NVCC
NSND Thanh Bình và NSƯT Vũ Ngọc trong vở diễn Tuần Ty - Đào Huế. Ảnh: NVCC

Hai "lực cản" với nghệ sĩ chèo

- Thưa bà, bà là người được nhiều bạn bè, đồng nghiệp và biết bao lớp học sinh tôn vinh là "thầy của những người thầy". Nhưng tôi được biết có hai người thầy ảnh hưởng rất sâu sắc đến NSND Đoàn Thanh Bình...

- Đúng, người thầy đầu tiên phải kể đến là bà nội của tôi, NSND Cả Tam (tức cụ Trịnh Thị Lan), một trong những cây đại thụ của làng chèo Việt Nam. Chính bà nội là người dạy cho tôi hát chèo từ năm 10 tuổi. Có lẽ do thừa hưởng "gen" của bà nên về sau này, khi quyết định theo nghệ thuật chèo, tôi luôn có ý thức phải giữ nghề và làm nghề một cách trong sáng, tận tâm, vì hát chèo, diễn chèo không chỉ là nghề riêng của gia đình tôi mà quan trọng, nghệ thuật chèo là vốn quý của dân tộc.

Trước khi mất, bà để lại lời trăng trối là muốn có một đứa cháu theo nghiệp chèo. Về sau, tôi mới biết là bà đã có lời gửi gắm tôi cho GS, NSND Trần Bảng, nhờ thầy Bảng dìu dắt. Lúc nhỏ, thật lòng tôi không thích chèo đâu, mà thích cải lương. Vì cả bố và mẹ tôi đều là nghệ sĩ cải lương; ở với bố mẹ, nghe và xem cải lương riết rồi mê lúc nào không hay. Tôi quyết tâm phải trở thành một diễn viên cải lương, và thật sự đã là diễn viên của đoàn Cải lương Bắc Thái (tức tỉnh Bắc Thái, nay tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn-PV) được hai năm...

Tuy nhiên, sau khi bà qua đời, tôi được gặp thầy Trần Bảng, được xem các vở diễn của Nhà hát Chèo Trung ương, như Quan Âm Thị Kính, Lọ nước thần. Tôi bị chinh phục hoàn toàn. Tôi đồng ý cùng thầy Trần Bảng, người thầy thứ hai của tôi, về học chèo tại Trường trung cấp Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, năm 1975, tôi chính thức trở thành nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Trung ương (nay là Nhà hát Chèo Việt Nam-PV).

- Gắn bó cả đời với nghệ thuật chèo, bà có thể chia sẻ điều gì là "lực cản" đối với một nghệ sĩ chèo trên con đường hoạt động nghệ thuật?

- Có hai thứ mà ở thời của tôi, tôi và có lẽ bất cứ nghệ sĩ sân khấu nào cũng đều phải đối mặt. Đầu tiên là điều kiện khách quan về kinh tế, thu nhập, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc tập luyện và trình diễn. Tôi còn nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, khi điều kiện cơ sở vật chất của Nhà hát còn nhiều thiếu thốn. Mỗi khi chuẩn bị hội diễn, cả đoàn lại phải vào tập ở một nhà kho bỏ không. Trời mùa hè nắng nóng, diễn viên phải mặc đến ba, bốn lớp áo tùy theo nhân vật, ai cũng mồ hôi nhễ nhại.

Thứ hai là yếu tố chủ quan, nói cách khác, chính là sự rèn luyện tự thân của mỗi nghệ sĩ. Với riêng tôi, vì xuất phát điểm đặc biệt là cháu nội của NSND Cả Tam nên các thầy cô trong trường và Nhà hát luôn đặt ra yêu cầu cao hơn so với những người khác. Thậm chí, khi đi thi hát, các thầy cô còn cho điểm tôi thấp hơn các bạn, vì tôi phải hát giọng giả thanh, do chất giọng không có âm cao. Nhưng chính điều này đã tạo nên cách hát riêng biệt của tôi.

- Bà đã hóa giải cả hai lực cản đó như thế nào để trở thành NSND Đoàn Thanh Bình hôm nay?

- Mọi sự vật, hiện tượng tồn tại, diễn tiến ra sao, thế nào đều đến từ cách nhìn nhận, đánh giá chủ quan của mỗi con người. Với nghệ thuật chèo, khi người nghệ sĩ đối diện những khó khăn, thử thách, cũng là lúc họ phải tìm tòi, phải khổ luyện, phải vượt qua những rào cản về chuyên môn, thời gian, sức khỏe và cả điều kiện sinh sống, "cơm áo gạo tiền".

Mọi người trong làng chèo hay nói vui, bảo tôi cứ "thích đập đầu vào đá", nghĩa là hay lựa chọn tập luyện, trình diễn những bài, vở khó (cười). Thú thật là với riêng tôi, những bài khó mới chính là động lực để thử thách bản thân, thúc đẩy mình trở nên "lớn" hơn, trưởng thành hơn sau khi tìm ra được "lời giải". Để có một Đoàn Thanh Bình như hôm nay, không biết tôi đã khóc bao nhiêu lần.

Cái bóng của huy chương ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tác phẩm

- Là người luôn đau đáu với nghệ thuật chèo, bà đánh giá thế nào về sân khấu chèo hiện nay?

- (Trầm tư) Phải nói thẳng là sân khấu chèo giờ đang rất khó khăn. Thực tế cho thấy, với sự phát triển của xã hội, nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau du nhập vào nước ta, khiến phần đông khán giả không còn hứng thú, mặn mà với nghệ thuật truyền thống, nếu không muốn nói là quay lưng.

Bên cạnh đó, những kịch bản chèo mới, phù hợp với hơi thở hiện đại lại rất hạn chế, phần lớn chúng ta phải lấy kịch bản từ sân khấu kịch nói để chuyển thể. Tuy nhiên, để có thể chuyển thể thành công một kịch bản chèo, người chuyển thể phải nắm rõ đặc điểm, nguyên tắc của nghệ thuật này-điều rất hiếm người làm được.

Về đào tạo, nếu như ngày trước, các cụ nghệ nhân truyền nghề 100%, bao giờ học trò làm được mới chuyển sang bài khác (hát hay múa đều như vậy) thì trong chương trình học của các em bây giờ, quỹ thời gian có quy định giới hạn, đòi hỏi các em phải nắm bắt thật nhanh. Lúc này, giáo viên hướng dẫn sẽ cần phải đúc kết kinh nghiệm và vận dụng các phương pháp để làm sao truyền đạt cho các em nhanh hiểu và thực hành được. Chế độ tập luyện nghiêm khắc nhưng chế độ đãi ngộ "khiêm tốn" trong thời buổi vật giá leo thang, khiến nhiều em buộc phải chuyển sang nghề khác để kiếm sống. Rất ít bạn nhờ "say chèo" mới trụ lại được, nhưng các em cũng bị chi phối nhiều bởi "cơm áo gạo tiền"...

- Nhưng trong các hội diễn, hội thi, liên hoan được tổ chức định kỳ, vẫn có nhiều tác phẩm chèo mới được ra mắt?

- Đáng lo ngại ở chỗ, một vài nhà hát đặt nặng mục tiêu về số lượng huy chương vàng, bạc tại hội diễn chuyên nghiệp để phục vụ việc đánh giá xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Điều đó khiến cho những cái bóng của huy chương ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tác phẩm.

- Trước thực tế bộn bề này, bà có hy vọng gì về tương lai của sân khấu chèo?

- Tôi vẫn có một niềm tin vững chãi vào nghệ thuật chèo của dân tộc ta. Khi sang châu Âu, tôi thấy tự hào vì không chỉ Việt kiều, mà ngay cả người nước ngoài cũng rất yêu chèo, mê chèo và khâm phục nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Họ đánh giá cao nghệ thuật chèo Việt Nam bởi sự gần gũi với công chúng, nghệ thuật ước lệ, cách điệu vô cùng tinh tế, ẩn sau mỗi cử chỉ, lời ca. Bất đồng ngôn ngữ không còn là rào cản.

Tôi hy vọng, tương lai, chúng ta có thể đào tạo được nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cho sân khấu chèo. Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng cần có chủ trương mạnh mẽ trong việc giáo dục, phổ biến nghệ thuật chèo truyền thống với nhiều biện pháp khác nhau, như đưa chèo vào học đường, tăng quỹ thời gian đào tạo tại các trường nghệ thuật, nâng cao chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ chèo,...

Với bản thân mỗi nghệ sĩ chèo, đương nhiên không thể bắt họ quên đi chuyện "cơm áo gạo tiền" nhưng cũng cần phải có ý thức dành nhiều thời gian cho chèo hơn, tập luyện nâng cao năng lực chuyên môn, phải chắt chiu, nuôi giữ cho ngọn lửa chèo trong tim sáng mãi.

- Chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!