Để công nghiệp ô-tô Việt Nam đột phá

Ngành công nghiệp ô-tô được kỳ vọng là đầu tàu, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp khác nhưng sau 30 năm vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Sau nhiều lần lỡ hẹn với những cơ hội, nhiều người kỳ vọng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô trong giai đoạn mới sẽ có thêm trợ lực để bứt phá.
VinFast giới thiệu xe ô-tô điện. Ảnh: HẢI NAM
VinFast giới thiệu xe ô-tô điện. Ảnh: HẢI NAM

Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp ô-tô trong giai đoạn mới đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, đặt mục tiêu đến năm 2030 quy mô thị trường đạt 1-1,1 triệu xe và ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 70%.

Mục tiêu kỳ vọng

Năm 2023, toàn quốc đăng ký 408.542 ô-tô. Như vậy, chỉ còn 5-6 năm để thực hiện mục tiêu tăng gấp 3 lần quy mô thị trường.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, chiến lược là tầm nhìn dài hạn nên phải đặt những mục tiêu kỳ vọng. Căn cứ theo các mục tiêu phát triển về quy mô dân số, thu nhập bình quân đầu người, điều kiện vật giá, cơ sở hạ tầng, chỗ để xe, trạm sạc…

Nhận định tính khả thi, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, sẽ khó để đạt mục tiêu năm 2030 tiêu thụ trong nước đạt 1-1,1 triệu xe/năm, bởi theo ông, chỉ còn 5-6 năm để thực hiện mục tiêu tăng gấp 3 lần quy mô thị trường là rất khó.

Chúng ta phần lớn là lắp ráp nên TS Lê Quốc Phương cho rằng, nguồn cung thì thừa sức đạt được. Song bài toán về tăng nhu cầu mua xe rất khó, bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá có hợp lý không, có cạnh tranh được với xe nhập khẩu không. Tất nhiên, xe lắp ráp trong nước rẻ hơn nhưng người dân lại có xu hướng chuộng xe nhập khẩu.

“Trong một vài năm tới có thể có những thay đổi nhưng không thể đột phá được. Lượng xe tiêu thụ tăng gần gấp ba, thì mức sống cũng cần tăng tương ứng, vì thế tăng gấp đôi cũng đã khó. Trong khi, tăng trưởng kinh tế những năm gần đây chỉ đạt 5-7%”, ông Phương nói.

TS Lê Quốc Phương nhận định, mục tiêu đạt được hay không còn song hành với rất nhiều bài toán cần thực hiện cùng. Chẳng hạn là vấn đề giao thông đô thị. Thực tế hiện nay các đô thị lớn đang trong tình trạng tắc đường, đây cũng là nguyên nhân hạn chế sức tiêu thụ ô-tô. Vậy, chúng ta cũng phải đặt vấn đề giải quyết tình trạng này thế nào, giao thông được ưu tiên ra sao... Chưa kể, lượng ô-tô lưu thông cũng phụ thuộc yếu tố bãi đỗ xe.

Để công nghiệp ô-tô Việt Nam đột phá ảnh 1

Lắp ráp xe bus tại Nhà máy ô-tô THACO Trường Hải. Ảnh: BẮC SƠN

Cần hỗ trợ thuế, phí

Ông Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cũng khẳng định, tính khả thi không chỉ cần sự nỗ lực của Bộ Công thương mà còn là nỗ lực của rất nhiều bộ, ngành liên quan với các mục tiêu đã đặt ra.

Kiến nghị giải pháp cho ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam, đại diện Bộ Công thương cho rằng, nên tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp chính để có thể đạt mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Qua đó, nâng hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam trong sản phẩm ô-tô và cả sản lượng.

Giải pháp đầu tiên được ông Khôi nhắc tới là khuyến khích, phát triển thị trường ô-tô trong nước thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ (lâu dài và đủ mạnh) về thuế, phí… Điều này nhằm kích thích tiêu dùng, hướng tới đạt mục tiêu từ 1 triệu xe ô-tô trở lên vào năm 2030, bảo đảm quy mô thị trường đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, theo ông Khôi cần xây dựng, định hướng các chính sách phát triển ngành ô-tô mang tầm dài hạn, đi cùng với phát triển công nghiệp hỗ trợ bảo đảm thực thi có hiệu quả. Bảo đảm từng bước nâng dần tỷ lệ xe sản xuất trong nước và định hướng đẩy mạnh xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều bắt buộc khi phát triển công nghiệp ô-tô. Vì vậy, chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ luôn được đặt lên hàng đầu. Ông Vũ Tấn Công góp ý, cần thành lập và vận hành 5 cụm công nghiệp ô-tô tại: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh để cung cấp chi tiết và tổng thành ô-tô cho các doanh nghiệp tại đó và các địa phương lân cận.

Việc này sẽ khuyến khích ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước sử dụng chi tiết, tổng thành sản xuất trong nước. Qua đó, công nghiệp hỗ trợ ô-tô sẽ phát triển. Đồng thời, với tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên, ô-tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc các hiệp định thương mại tự do ATIGA, RCEP và CPTPP sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.

Chuyên gia ô-tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng, muốn đạt được những mục tiêu như dự thảo, trong giai đoạn 10 năm tới cần đề cập trực diện tới chiến lược phát triển hai nhóm sản phẩm cốt lõi trong xe điện, đó là pin và động cơ điện. Chiến lược cần được cụ thể hóa bằng chính sách Nhà nước sẽ hỗ trợ, hậu thuẫn, ưu đãi cho những nhóm sản phẩm đó để các hãng xe, các nhà cung ứng, thậm chí các nhà khởi nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội trong kế sách của Nhà nước. “Chiến lược ngành cần thực thi ổn định ít nhất 10 năm. Do đó cần điều chỉnh đồng bộ các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến sản xuất, tiêu thụ, xuất và nhập khẩu ô-tô; ổn định các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô-tô (nhập khẩu/tiêu thụ đặc biệt/giá trị gia tăng/trước bạ/đăng kiểm, phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ, phí môi trường...) với lộ trình ổn định trong vòng 10 năm như dự thảo”, ông Đồng góp ý.

Còn ông Vũ Tấn Công, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty TNHH Tư vấn công nghiệp và thương mại ô-tô Việt Nam cho rằng, muốn ngành công nghiệp ô-tô phát triển, phải có một thị trường đủ lớn để tiêu thụ. Muốn vậy, sản phẩm của ngành công nghiệp ô-tô phải đáp ứng nhu cầu thị trường và có giá bán hợp lý.

Muốn đáp ứng được, theo ông Vũ Tấn Công, chính quyền địa phương nơi có đại lý ô-tô nên hỗ trợ các doanh nghiệp này trong việc giảm chi phí thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các chi phí khác có liên quan. Với hệ thống kinh doanh và dịch vụ phát triển, thị trường ô-tô Việt Nam sẽ được mở rộng.

Bên cạnh đó, với định hướng phát triển các loại xe thân thiện môi trường, các loại xe điện và plug-in hybrid (PHEV) cần được miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ (riêng xe điện hiện vẫn đang được miễn lệ phí trước bạ). "Khi ô-tô nguyên chiếc, chi tiết - tổng thành và phụ tùng ô-tô được xuất khẩu thành công ra thị trường quốc tế, thì nhà sản xuất các sản phẩm này sẽ được hưởng một khoản hoàn trả từ Chính phủ cho doanh nghiệp sản xuất (khoảng 5-10% giá FOB - Free On Board) tùy theo loại sản phẩm của mỗi đơn hàng xuất khẩu", ông Công nói thêm.

Chiến lược phát triển công nghiệp ô-tô trong giai đoạn mới cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô-tô thế giới. Đủ khả năng cung ứng 55-60% (về giá trị) linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô-tô trong nước.