Muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước
- Chúc mừng chị, nghệ sĩ violin đầu tiên có chuyến thăm và biểu diễn tại quần đảo Trường Sa của Tổ quốc; chuyến đi mà tôi nghĩ sẽ là kỷ niệm vô cùng đặc biệt theo chị suốt cuộc đời này.
- Từ rất lâu rồi, tôi luôn mong muốn có những trải nghiệm trên nhiều nẻo đường đặc biệt của Tổ quốc và hành trình đi Trường Sa là một cơ hội quý giá dành cho tôi.
Chúng tôi chỉ có một đêm duy nhất trên đảo Trường Sa Lớn. Tôi đã xin phép ra ngoài, lang thang và gặp các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Tôi hỏi các anh có muốn nghe nhạc không, ngay tại đây, tôi có thể chơi. Và tôi đã chơi bản chuyển soạn từ Quốc ca, ngay gần phiến đá linh thiêng có khắc bốn câu thơ tương truyền của tướng quân Lý Thường Kiệt: "Nam quốc sơn hà...". Đối với tôi, đó là lần chơi đàn thành công nhất.
Cũng trên boong tàu kiểm ngư 290 rộng lớn, tôi đã chơi bản chuyển soạn từ ca khúc Hát mãi khúc quân hành, tất cả mọi người có mặt khi ấy đều hát theo. Giữa đại dương quá bao la, tiếng đàn violin trở nên thật bé nhỏ. Tôi có cảm nghĩ, mọi người đang nghe bằng cảm nhận những thanh âm đó.
Trong chuyến đi này, ngoài những trải nghiệm cá nhân, tôi còn vinh dự được tạo điều kiện để ghi hình tại một số điểm đảo cho MV "Sóng Trường Sa"-ca khúc của Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Sơn. Tôi cũng là người chuyển soạn sáng tác này cho đàn violin.
Chuyến đi nhiều cảm xúc vô cùng, khiến tôi nghĩ đến việc trở về đất liền, mình phải lao động và cống hiến nhiều hơn nữa.
- Cảm hứng về đất nước, quê hương, tự bao giờ đã trở thành một mạch sáng tác của chị?
- Tôi có nhiều năm cộng tác với chương trình "Bài ca không quên" của Kênh Truyền hình Quốc phòng, tôn vinh âm nhạc Việt Nam. Nhờ vậy, tôi có cơ hội tiếp cận sâu rộng hơn và nhận thấy: kho tàng âm nhạc Việt Nam rất giàu có mà chúng ta chưa khai thác hết được. Nhận thức này thúc đẩy tôi thực hiện việc chuyển soạn một số ca khúc chọn lọc của các nhạc sĩ gạo cội như Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường,... cho cây đàn violin. Tôi sẽ đi trên con đường của một nghệ sĩ violin nhưng muốn cống hiến nhiều hơn cho quê hương đất nước, tôn vinh những chất liệu âm nhạc dân gian, dân tộc bằng chính nhạc cụ phương Tây này.
- Chị từng giữ vị trí bè trưởng một bè violin của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Cứ làm một nhạc công xuất sắc có lẽ bớt chông gai hơn chăng, nếu so con đường sáng tạo mà chị đang đi?
- Tôi học violin từ năm lên sáu tuổi, suốt mười mấy năm trong nhạc viện, chỉ học chơi nhạc cổ điển thôi. Lên đại học, tôi thấy nhiều mong ước của cá nhân trong nghệ thuật chẳng được thỏa mãn nhưng tôi cũng chưa hình dung mình sẽ đi con đường nào. Lúc đó tôi chỉ mong muốn được biểu diễn trên nhiều sân khấu khác nhau và với nhiều thể loại âm nhạc hơn. Tôi đã tự thử thay đổi bằng việc tham gia ban nhạc nhẹ Anh em, chơi các bản nhạc Flamenco đầy ngẫu hứng. Rồi từ đó, tôi tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm. Ở Việt Nam, violin vẫn là một nhạc cụ thuộc thế giới âm nhạc hàn lâm. Chơi được violin đã là khó rồi. Nên những bản nhạc gần đây tôi chơi hay những bài trong album "Phượng Linh" được chuyển soạn từ các ca khúc nhạc nhẹ rất nổi tiếng được nhiều thế hệ công chúng biết tới. Như vậy, tôi nghĩ tôi đang chọn con đường đưa âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với đại chúng.
Một hình ảnh trong MV "Đất nước trọn niềm vui" của Trịnh Minh Hiền. Ảnh: NVCC |
Con đường nhỏ và mong ước lớn
- Con đường kết hợp những chất liệu dân gian, bản địa với nhạc cụ phương Tây đang là một xu hướng được nhiều nghệ sĩ sử dụng. Nhưng làm thế nào để tiếng đàn, giai điệu của mình thể hiện được "chất" Việt Nam hẳn là một việc không đơn giản?
- Cha ông ta đã để lại một kho tàng âm nhạc phong phú và giá trị, việc của chúng ta hôm nay là sử dụng nó như thế nào. Có nhiều dịp biểu diễn ở nước ngoài, tôi hiểu rằng, việc nghệ sĩ Việt Nam ra quốc tế mà chơi nhạc cổ điển là rất khó khăn, vì ta chưa thể có điều kiện học, tập luyện và biểu diễn như họ. Ta đi ra nước ngoài là phô diễn văn hóa của mình, vậy ta có gì? Biểu diễn nhạc cụ dân tộc cũng tốt nhưng việc sử dụng cây đàn được sinh ra từ nền văn hóa của họ để cất lên được những âm sắc như một nhạc cụ dân gian Việt Nam lại là điều thú vị. Tôi đang hướng sản phẩm âm nhạc của mình mang tinh thần dân tộc, mang những đặc trưng, thang âm Việt Nam. Một thí dụ là bản độc tấu Quốc ca, người nghe dễ dàng nhận thấy, ở phần mở đầu, tôi sử dụng hoàn toàn thang âm của âm nhạc dân tộc miền núi phía bắc.
- Một nhạc sĩ nổi tiếng đã nhận xét: âm nhạc mà chị mang tới qua việc tự chuyển soạn và chơi violin là "một thứ âm nhạc thuần khiết của Việt Nam"…
- Con đường tôi đi lặng lẽ, tôi cứ âm thầm làm việc mình muốn. 20 năm, câu chuyện về Phượng Linh như một giấc mơ, là tình yêu, nước mắt và tiền bạc của tôi. Con đường ấy đầy chông gai nhưng cũng trải hoa hồng và cuối cùng, hoa hồng cũng nở.
Tôi nghĩ, một nghệ sĩ, ngoài việc thể hiện cảm xúc cá nhân cũng cần có trách nhiệm định hướng con đường của mình rõ ràng, mới mong khán giả nhận thấy nó. Mình làm chuyên môn nên đưa ra cái gì cũng phải chắc chắn về chuyên môn. Nhiều người vẫn nói tại sao tác phẩm này hay, được đánh giá cao mà họ không cảm nhận được. Nghệ thuật có hai giá trị, có những tác phẩm viết ra chỉ để giải trí và có những tác phẩm là sự cống hiến, sáng tạo của nghệ sĩ nhưng ranh giới để khán giả hiểu về hai giá trị ấy vẫn rất mong manh. Tôi mong muốn trong tương lai, thẩm mỹ âm nhạc của khán giả được cải thiện nhiều hơn.
- Cuộc sống riêng của chị cũng đi qua nhiều biến động nhưng làm thế nào để chị giữ được một tâm thế, tinh thần tích cực, vững vàng đi một con đường riêng trong nghề?
- Tôi quan niệm, nghệ sĩ phải có một tâm hồn đẹp mới chơi nhạc hay được (cười). Tôi hướng thiện theo cách riêng của mình, giữ cho mình một tâm hồn trong sáng. Đúng là có những giai đoạn rất khó khăn, bế tắc, ca khúc mà tôi viết ra cũng đượm buồn. Nhưng sau tất cả, đến giờ, tôi chỉ muốn lan tỏa năng lượng tích cực tới khán giả.
Thế giới của nghệ sĩ chơi đàn lành lắm, chỉ có âm nhạc và âm nhạc mà thôi. Nhiều người khuyên tôi thỏa hiệp, chơi bolero chẳng hạn, tôi sẽ có nhiều buổi diễn hơn, đồng nghĩa với việc sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng tôi nghĩ, mỗi nghệ sĩ sinh ra đã có con đường của mình. Cứ thế mà đi thôi. Tôi mong rằng, con đường nhỏ của tôi có thể tạo thêm động lực cho nhiều người. Nhiều bạn học nghệ thuật mới ra trường đã có những thành công ở khía cạnh kinh tế hay được đông đảo người hâm mộ. Nhưng biết đâu, khi nhìn thấy con đường tôi đi, các em sẽ suy nghĩ về sứ mệnh của nghệ sĩ và hướng tới sự cống hiến nhiều hơn. Một mình tôi không làm hết được. Tôi muốn có những thế hệ tiếp nối cùng đi trên con đường này, để vun đắp một hệ sinh thái âm nhạc Việt Nam đa dạng, phong phú.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị và chúc chị vững bước trên con đường đã chọn.