Cuộc “thoát kén” của một dòng sách (Kỳ 1)

Vào năm 2018, việc Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam (Omega Plus) ra mắt ấn bản tiếng Việt cuốn “Leonardo da Vinci” của Walter Isaacson (Nguyễn Thị Phương Lan dịch, Phạm Diệu Hương hiệu đính) với giá bìa 789.000 đồng đã tạo ra một sự kiện. Hai năm sau, đơn vị làm sách này tiếp tục “xô đổ” kỷ lục trên với ấn bản “Câu chuyện nghệ thuật” của E. H. Gombrick (Lưu Bích Ngọc dịch), giá bìa là 999.000 đồng. Cả hai tác phẩm này đều đã tái bản. Trong đó, “Câu chuyện nghệ thuật” tái bản chỉ sau hai tháng phát hành. Còn “Leonardo da Vinci” đã cán mốc 10.000 bản, thậm chí có thời điểm không có sách để bán. Đó là những dấu mốc của một dòng sách chuyên biệt đang dần tìm vị thế trong thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi ra mắt sách nghệ thuật của dịch giả Trịnh Lữ.
Một buổi ra mắt sách nghệ thuật của dịch giả Trịnh Lữ.

Kỳ 1: Sách nghệ thuật khởi sắc

“Sách được tái bản sau hai tháng phát hành…”, “lọt vào danh sách bán chạy”, “liên tục xuất hiện trên báo chí truyền thông”… Đó là những điều mà nhiều cuốn sách nghệ thuật của các đơn vị xuất bản trong nước đã làm được trong thời gian qua. Với một dòng sách thường được gán mác “khó bán”, “kén độc giả”, có thể coi đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sách nghệ thuật đã đi từ cảnh khan hiếm tới mức độ phổ cập hơn.

Qua thời hiếm có khó tìm

Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, kể cả một người theo học chuyên ngành mỹ thuật cũng khó lòng sở hữu một cuốn sách nghệ thuật. Theo họa sĩ Tô Chiêm, vấn đề không chỉ là giá thành mà việc phân phối dòng sách này cũng rất hạn chế: “Thời bọn tôi đi học, để mua được một cuốn sách mỹ thuật của Liên Xô (trước đây) là không hề dễ dàng. Anh phải ở vị trí nào, cơ quan nào thì mới được mua những loại sách như thế. Xem ở thư viện của trường cũng khó nên thời ấy, tư liệu khá hiếm”.

Nhiều người khi hồi tưởng về việc “săn” sách nghệ thuật vào đầu thập niên 2.000 vẫn choáng váng về mức giá vài chục đô-la, tương đương cả chỉ vàng lúc bấy giờ hoặc cảm giác mòn mỏi chờ bạn bè, người thân đi nước ngoài xách tay về cho một cuốn sách in mầu, nặng trịch về họa sĩ và tác phẩm, hoặc giới thiệu bộ sưu tập của từng bảo tàng nổi tiếng. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn mỗi lần đi triển lãm hay lưu trú nước ngoài “đều dành thời gian để tới các bảo tàng nghệ thuật, nơi có quầy hoặc không gian bán sách nghệ thuật rất phong phú”. Số sách mà anh mang về sau mỗi chuyến đi “phần lớn là mua ở các nhà sách ngay trong bảo tàng”. Cho đến nay, mặc dù bày tỏ sự tiếc nuối khi những bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam chưa tích hợp được các không gian như vậy để giới thiệu và bày bán các cuốn sách nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, sách nghệ thuật đã có nhiều khởi sắc.

Giờ đây, tình trạng “hiếm có khó tìm” đã giảm bớt. Các cuốn sách nghệ thuật xuất hiện muôn màu, muôn vẻ. Phân khúc khách hàng cũng tương đối đa dạng: sách dành cho số đông, sách lý thuyết chuyên sâu, sách cho nhà sưu tập, cho người phê bình… Ở mảng sách dịch, chúng ta có “Bàn về nhiếp ảnh” của Susan Sontag (Trịnh Lữ dịch), “Câu chuyện nghệ thuật” của Susie Hodge (Phan Nữ Ngọc Linh dịch), “Theo dòng lịch sử nghệ thuật” của Gérard Denizeau (May Sao dịch)… Với các tác giả trong nước, dòng sách nghệ thuật gắn liền với nhiều tên tuổi như Thái Bá Vân, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Quân, Quang Việt, Đào Mai Trang, Trần Hậu Yên Thế, Vũ Hiệp… cùng một loạt các đầu sách ấn tượng như “Mỹ thuật của người Việt”, “Song hành với nghệ thuật”, “Mỹ thuật Việt soi từ phía khác - Hình ảnh và bình luận”, “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền”… Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự khởi sắc này của dòng sách nghệ thuật. Nhưng nhìn chung, có thể coi đó là một sự cộng hưởng của nhiều yếu tố từ đời sống xã hội đến nhu cầu tự thân của độc giả lẫn người viết.

Nếu như 10, 20 năm trước, sách nghệ thuật gần như là “lãnh địa” “là Một, là Riêng, là Thứ Nhất” của Nhà xuất bản Mỹ thuật hoặc có thể một vài ngoại lệ như bộ “Danh họa thế giới”, “Những thành phố Việt Nam”, “Nghệ thuật tạo hình thế giới”, “Nghệ thuật Việt Nam” của Nhà xuất bản Kim Đồng… thì giờ đây, sân chơi này đã có sự tham gia tích cực của nhiều nhà sách tư nhân như Đông A, Nhã Nam, Omega Plus… Ông Nguyễn Việt Thắng, đại diện của Công ty cổ phần văn hóa Đông A, khẳng định sách nghệ thuật là một trong những dòng sách được đơn vị này chú ý đầu tư: “Đông A đã in khá nhiều tựa sách nghệ thuật được dịch từ các tác giả nước ngoài cũng như một số ấn bản sách nghệ thuật của tác giả Việt Nam. Sự đón nhận của bạn đọc đối với các cuốn sách này đều rất tốt, nhất là trong những lượt in đầu tiên thì thời gian phát hành khá ngắn. Có một số cuốn được tái bản liên tục như bộ sách “Đây là” (tám tập) giới thiệu về các danh họa thế giới và cuốn “Tôi vẽ” của Comicola”.

Có cầu ắt có cung

Khác với những quan điểm cho rằng, sách nghệ thuật chỉ dành cho đối tượng độc giả hẹp, có giá thành cao, khó bán…, những phản hồi của thị trường lại cho thấy điều ngược lại. Sự thành công từ hai cuốn “Leonardo da Vinci và Câu chuyện nghệ thuật” là một minh chứng.

Theo anh Nguyễn Tuấn Bình, chủ nhân kênh phát hành “Bình Bán Book”, sách nghệ thuật là dòng sách anh bán đều nhất dù “giá tiền không hề thấp, kể cả những cuốn thuộc phân khúc phổ thông cũng không có quyển nào dưới 300.000 đồng cả”. Chính vì vậy, ở vai trò một người tham gia phân phối sách, anh Nguyễn Tuấn Bình tin rằng “giá tiền cao chưa hẳn đã là rào cản”, nhất là trong bối cảnh người đọc “đang đói thông tin về nghệ thuật”.

Quan điểm trên nhận được sự đồng thuận của nhiều người trong cuộc. Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam chia sẻ, có ba yếu tố giúp dòng sách nghệ thuật khởi sắc trong những năm gần đây: đó là sự phát triển của kỹ thuật in ấn, văn hóa đọc và đặc biệt là sự hình thành một lớp độc giả mới, quan tâm tìm hiểu nghệ thuật. Năm 2021, nhà sách này đã có lễ ký kết hợp tác với khoa Hội Họa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho thấy sự quan tâm cụ thể và trực tiếp vào các bạn sinh viên của trường Mỹ thuật - chính là những lớp độc giả, tác giả tương lai. Ở góc độ nghiên cứu, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn “giải mã” tín hiệu vui này xuất phát từ “nhu cầu thực tế của xã hội khi mảng sách nghệ thuật đã vắng bóng quá lâu” kể cả trong môi trường giảng dạy hay nghiên cứu. Bên cạnh đó còn là “nhu cầu của giới trẻ và gần đây là của những người sưu tầm nghệ thuật, nhất là mảng nghệ thuật Đông Dương” muốn bù đắp những thiếu hụt mang tính nền tảng về kiến thức nghệ thuật. Nói như họa sĩ Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Mỹ thuật, đời sống phát triển tất yếu dẫn tới việc nhu cầu của người dân cao lên, mong muốn lấp chỗ trống giáo dục thẩm mỹ ở các trường học và nhìn nhận tác phẩm nghệ thuật một cách cởi mở hơn. Bởi lẽ “muốn đọc được chữ thì phải hiểu được alphabet, hiểu được nghĩa của câu, muốn đọc được tranh, hiểu được hình ảnh thì phải hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật”.

Hòa cùng với trào lưu sách đẹp, sách bản đặc biệt, sách nghệ thuật cũng dần trở thành một hiện tượng đáng chú ý những năm gần đây. Cũng có lúc ba dòng sách này đã giao nhau như trường hợp cuốn “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” (L’Art à Hué) của Léopold Michel Cadière và Edmond Gras. Công ty sách Thái Hà đã phối hợp với Vườn Trúc Chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng để tạo ra sáu ấn bản đặc biệt cho cuốn sách này là “Phúc lành và trường thọ”, “Qui”, “Phượng”, “Long mã”, “Chữ Thọ ẩn hiện giữa hoa văn” và “Hoa lá hóa rồng” với mức đấu giá cao nhất lên tới 42 triệu đồng. Với những tiềm năng có sẵn về giá trị nội dung lẫn hình thức, sách nghệ thuật chắc chắn sẽ còn tạo ra nhiều dấu ấn, đem tới hy vọng về một tương lai có những đơn vị xuất bản trong nước chuyên về sách nghệ thuật như Taschen, Phaiden, Tate Publishing, ACC Art Books…

(Còn nữa)