Cuộc gặp của các nhân chứng về tình hữu nghị

Tháng 7/1959, theo lời mời của Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô (trước đây). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm một loạt các nước cộng hòa trong thành phần Liên bang Xôviết như Ukraine, Gruzia, Turkmenistan, Tajikistan, Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan... Người thăm và nghỉ hè ở Liên Xô trong vòng 1 tháng.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Heydar Alyev (giữa) đến thăm công trình xây dựng cầu Thăng Long năm 1983.
Ông Heydar Alyev (giữa) đến thăm công trình xây dựng cầu Thăng Long năm 1983.

Cộng hòa Azerbaijan với Thủ đô Baku nằm trên bờ biển Caspi là trung tâm công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ hàng đầu của Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Azerbaijan ngày 23/7/1959. Người đặc biệt chú ý đến vấn đề dầu mỏ. Những bức ảnh còn lưu giữ được cho thấy hình ảnh Người giản dị trong trang phục kaki với đôi dép cao-su khi đi tham quan một mỏ dầu ở sát bờ biển tại Thủ đô Baku. Người đã nói với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí Azerbaijan: Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như ở Baku.

Trong mấy chục năm qua, sự giúp đỡ của Azerbaijan dành cho Việt Nam trong công nghiệp dầu khí thật to lớn. Các trường đại học Azerbaijan đã đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn kỹ sư, cử nhân, sĩ quan hải quân, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Riêng Đại học Dầu - Hóa Azerbaijan, nay là Đại học Dầu và Công nghiệp Azerbaijan trong 50 năm, từ 1967 đến 2017, đã đào tạo cho Việt Nam hơn 500 người trình độ từ kỹ sư trở lên.

Chuyến thăm Azerbaijan năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù rất bận nhưng vẫn dành thời gian tiếp xúc với người dân Azebaijan. Cuộc đến thăm một gia đình Azerbaijan đã lưu lại bức ảnh Người dắt tay cháu bé gái cùng đi và bức ảnh Người ngồi cùng cháu và mấy người lớn trên băng ghế dài ngoài sân.

Cô bé người Azerbaijan được Chủ tịch Hồ Chí Minh dắt tay khi đó mới 6 tuổi, tên là Nigar Akhundova. Nigar Akhundova học xong phổ thông thì vào đại học. Cô theo học ngành âm nhạc, sau một thời gian ra trường làm nghệ sĩ biểu diễn, rồi chuyển sang nghiên cứu âm nhạc. Sau mấy chục năm làm việc ở các cơ quan văn hóa, âm nhạc quốc gia và quốc tế, hiện nay ở tuổi ngoài 70, bà Nigar Akhundova là Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc quốc tế của Azebaijan dưới sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO).

Ngày 28/5/2024 vừa qua, nhân kỷ niệm Ngày Độc lập của Azerbaijan, bà Nigar Akhundova cùng đoàn nghệ sĩ Azebaijan sang thăm Việt Nam. Tại buổi gặp gỡ trọng thể tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, bà đã kể lại kỷ niệm của mình khi còn nhỏ, đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được chụp ảnh cùng Người.

Bà chia sẻ, dù 65 năm đã trôi qua, nhưng bà nhớ khoảnh khắc được một vị lãnh đạo Việt Nam, một đất nước nghe xa lắm, dắt tay đi cùng. Bà vẫn nhớ vị lãnh đạo Việt Nam khi ấy giống như người ông thân mật dắt tay đứa cháu gái đi dạo. Khi đó mới chỉ 6 tuổi, bà cũng chưa tưởng tượng được đất nước Việt Nam xa xôi ở đâu… Nhưng khi trưởng thành cùng năm tháng, bà tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam và hôm nay bà đã được đặt chân lên đất nước của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Tại buổi gặp, bà Nigar Akhundova và tôi rất vui khi được vị Đại sứ Azerbijan tại Việt Nam giới thiệu làm quen cùng nhau. Tôi chia sẻ niềm vinh dự được tháp tùng phiên dịch cho ông Hyedar Alyev, người hiện nay được Azerbaijan suy tôn là lãnh tụ lập quốc của Cộng hòa Azerbaijan mới, khi ông sang thăm Việt Nam năm 1983.

Cuộc gặp của các nhân chứng về tình hữu nghị ảnh 1

Bà Nigar Akhundova và ông Nguyễn Văn Ất gặp nhau tại Hà Nội.

Ông Heydar Alyev trước khi lên Trung ương làm Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng thứ nhất Liên Xô, từng là Bí thư thứ nhất của nước Cộng hòa Xô-viết Azerbaijan. Tháng 10/1983, ông Heydar Alyev khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (Phó Thủ tướng thứ nhất) dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô sang thăm chính thức Việt Nam. Đoàn đã đến thăm cầu Thăng Long ngày 31/10/1983. Tại đây, ông khai trương lễ gắn biển: “Cầu Thăng Long, công trình hữu nghị Việt - Xô”. Phiên dịch cho đoàn, khi ấy tôi là chàng thanh niên 28 tuổi.

Lễ đón và mít-tinh chào mừng đoàn diễn ra ngay chân mố trụ bờ nam cầu Thăng Long. Ông Heydar Alyev phát biểu ngẫu hứng: “Đây là lần đầu đến Việt Nam, rất vui mừng khi nhìn thấy sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam và Liên Xô thể hiện cụ thể bằng công trình giao thông rất quan trọng này mà hôm nay chúng ta đang có mặt tại đây”.

Hôm nay, tại Hà Nội, bà Nigar Akhundova với kỷ niệm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam 65 năm trước, và tôi, với kỷ niệm với lãnh tụ Heydar Alyev của Azerbaijan 41 năm trước, chúng tôi được gặp nhau. Chúng tôi cùng nhau chụp ảnh và trao tặng cho nhau bức ảnh kỷ niệm đáng nhớ của những ngày ấy, chúc nhau sức khỏe cùng mọi điều tốt lành và chúc cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Azerbaijan phát triển không ngừng.