Khoảng trống dai dẳng

Trong báo cáo hằng năm công bố hồi đầu tuần, liên minh Net Zero Tracker ở Trường đại học Oxford (Anh), tập hợp các chuyên gia của một số trung tâm nghiên cứu có uy tín trên thế giới, đã cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại: Hơn 40% số các công ty, thành phố và khu vực được khảo sát chưa đưa ra bất kỳ mục tiêu cụ thể nào về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Biếm họa: SHAHID ATIQULLAH
Biếm họa: SHAHID ATIQULLAH

Nhóm chuyên gia Net Zero Tracker nêu rõ: Đã hai năm kể từ khi Tổng Thư ký LHQ công bố báo cáo về cam kết phát thải ròng bằng 0, trong đó khẳng định không khoan nhượng với hành vi “tẩy xanh” mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, kết quả khảo sát không cho thấy sự cải thiện đáng kể nào. Xung đột, căng thẳng địa-chính trị và thách thức kinh tế đã ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện các mục tiêu khí hậu của nhiều quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.

Báo cáo của Net Zero Tracker dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá cam kết và kế hoạch hành động đưa mức phát thải ròng về 0 của 198 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng hàng nghìn thực thể cấp dưới quốc gia, gồm hơn 1.180 thành phố và gần 2.000 công ty niêm yết công khai. Kết quả cho thấy, trong số hơn 4.000 thực thể được khảo sát, có khoảng 1.750 đơn vị đã đưa ra cam kết chính thức về Net Zero, trong khi vẫn có gần 1.700 thực thể không đặt ra bất kỳ mục tiêu nào.

Trong số các công ty, thành phố và khu vực có mục tiêu giảm phát thải, thì chỉ 5% đáp ứng các tiêu chí đánh giá về tính khả thi và đáng tin cậy của cam kết, gồm cả việc lên kế hoạch chi tiết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Điều này đồng nghĩa nhiều mục tiêu chỉ dừng lại ở cam kết mang tính khẩu hiệu, thiếu mục tiêu trước mắt rõ ràng và kế hoạch hành động cụ thể. Ngoài ra, khoảng một nửa số thực thể cấp dưới quốc gia không đặt ra mục tiêu liên quan các loại khí thải ngoài carbon, như khí methane.

Báo cáo chỉ ra khoảng trống tồn tại dai dẳng giữa cam kết và hành động khí hậu. Trong khi Nhà nước công bố mục tiêu khí hậu quốc gia, thì các địa phương, doanh nghiệp lớn vẫn từ chối sứ mệnh đã được thống nhất trên toàn cầu nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ khiến mục tiêu quốc gia, mà chính các công ty, thành phố và khu vực dễ bị tổn thương trước rủi ro trong tiến trình chuyển đổi.