Nắm bắt xu thế
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho biết, đến nay, có khoảng 110/240 cơ sở GDĐH đã triển khai đào tạo trực tuyến, với các cấp độ khác nhau. Do đặc thù, nhiều trường thuộc khối văn hóa - nghệ thuật chưa tổ chức đào tạo trực tuyến và 33 trường thuộc nhóm quốc phòng - an ninh đang đào tạo tập trung. Bà Thủy cũng cho hay, qua giai đoạn thử thách này, các cơ sở đào tạo được nâng cao nhận thức về đào tạo trực tuyến và tái cấu trúc đội ngũ cán bộ giảng viên. Đây cũng là cơ hội để GDĐH tăng cường hợp tác với nhau. “Muốn chuyển đổi số, các trường đại học phải cùng phát triển học liệu điện tử và học liệu, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến. “Tài nguyên mở” sẽ được phân phối trên mạng thông tin, giúp mọi đối tượng tiếp cận tri thức. Có kho học liệu mở thì dù ở đâu, thời gian nào, có phải giãn cách xã hội hay không, việc học tập cũng không bị gián đoạn với xu hướng phát triển của thế giới”, bà Thủy khẳng định.
Cụ thể hóa câu chuyện chuyển đổi số trong giáo dục, trao đổi ý kiến với chúng tôi, PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, đầu năm 2019 nhà trường đã cho thành lập Trung tâm dạy học ảo (UTEx) để tổ chức các khóa học trực tuyến. Theo đó, các khóa học vẫn theo hình thức cũ nhưng được tăng cường đưa tư liệu học tập lên mạng, ra bài tập, tính điểm qua mạng. Các nội dung sẽ được lượng hóa thành ba cấp độ theo các tiêu chí lượng hóa. Kết quả của việc áp dụng chuyển đổi số là hằng năm có gần chín triệu lượt tương tác; học kỳ II của năm 2019-2020 đã có gần 24 nghìn sinh viên tham gia, đặc biệt số lượt sinh viên tương tác mỗi ngày trong mùa dịch không ngừng tăng lên. Trong khi đó, ông Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cho rằng, ngoài đào tạo trực tuyến, trường còn thực hiện công tác khảo thí, tiến hành kiểm tra đánh giá học phần bằng hình thức thi online. Ông Sơn đánh giá, việc chuyển đổi số đáp ứng và bảo đảm cơ bản tiến độ đào tạo theo kế hoạch năm học. Chất lượng đào tạo được bám sát theo chuẩn đầu ra của từng học phần, công tác khảo thí khách quan, công bằng, phù hợp với yêu cầu của học phần và tình hình thực tế.
Xu thế chuyển đổi số trong GDĐH đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực và thế giới, điều quan trọng để có dữ liệu học tập, giảng dạy cần các trường chia sẻ, hỗ trợ và liên thông với nhau.
PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tin tưởng, các trường đại học thực hiện được sự chia sẻ tài nguyên, từ đó hình thành giá trị chung.
Khắc phục rủi ro?
Theo Bộ GD và ĐT, thách thức, hạn chế trong đào tạo trực tuyến xoay quanh hạ tầng công nghệ; quy trình, kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo; kỹ năng dạy và học trên môi trường mạng của giảng viên, sinh viên. Bên cạnh đó, giảng viên, sinh viên có thể đối diện với một số rủi ro về an toàn, an ninh thông tin cùng những nguy cơ tiềm ẩn từ in-tơ-nét và mạng xã hội.
PGS,TS Đỗ Văn Dũng cho biết, ở trường của ông, mặc dù đã chủ động, điều chỉnh từng bước nhưng nhiều giảng viên không thích nghi kịp với công nghệ mới; nan giải cho các trường là tốn thêm chi phí thuê nền tảng công nghệ hằng năm để hoạt động. Trong khi đó, giảng viên phải được tập huấn công nghệ liên tục, đôi khi gây áp lực, quá tải. “Giảng viên phải năng động, chủ động làm chủ công nghệ. Các trường phải đầu tư server và trung tâm big data tốt, cùng với đó là xây dựng trường quay bài giảng, tất cả phải thay đổi tư duy về dạy học số mới thực hiện được”- PGS,TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ. Lãnh đạo ĐH Thái Nguyên thì cho rằng, thực hiện chuyển đổi số sẽ tương đối khó với điều kiện sống và sinh hoạt của sinh viên miền núi, bởi có tới gần 70% là con em đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn. “Thói quen học trực tuyến đối với một số sinh viên còn hạn chế, để gửi tài liệu, giao và kiểm tra bài tập chủ yếu vẫn thông qua mạng xã hội, do đó tính chuyên nghiệp và bảo mật không cao”, lãnh đạo ĐH Thái Nguyên cho biết và đồng thời kiến nghị Bộ GD và ĐT phải có sản phẩm hỗ trợ E-learning đơn giản nhất với các giải pháp, ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục…, đặc biệt là bảo mật được máy chủ.
Trao đổi thêm về chủ trương chuyển đổi số, áp dụng cho giáo dục, Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Văn Phúc thông tin, tới đây Bộ tiếp tục ban hành những văn bản để hoàn thiện hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến. Trong đó, xem xét đưa phương thức đào tạo trực tuyến vào quy chế đào tạo đại học sửa đổi với tỷ lệ phần trăm thích hợp. Bộ cũng sẽ sớm ban hành quy chế bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo từ xa và xây dựng đề án phát triển đào tạo từ xa cho giai đoạn tiếp theo. Theo lãnh đạo Bộ GD và ĐT, các trường đại học nhân cơ hội này cần huy động cả bộ máy đồng lòng, đồng sức, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, thực chất là tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giáo dục.