- Ông đánh giá thế nào về khả năng ứng dụng công nghệ trong phòng tránh thiên tai tại Việt Nam?
- Ở nước ta hiện nay, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Có thể thấy, bên cạnh vấn đề biến đổi khí hậu, những nguyên nhân đến từ quá trình phát triển kém bền vững cũng góp phần làm gia tăng thiệt hại do thiên tai. Trong đó, phải kể đến việc khai thác quá mức tài nguyên mà cụ thể là phát triển các hồ chứa trên thượng nguồn các dòng sông đã làm thay đổi quy luật của dòng chảy, suy giảm lượng phù sa, bùn cát về hạ du, cùng với việc khai thác cát quá mức làm gia tăng sạt lở bờ sông. Thêm vào đó, chất lượng rừng ngày càng suy giảm, nhất là rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn ven biển, làm gia tăng lũ quét, sạt lở đất và sạt lở vùng cửa sông, ven biển. Mặt khác, quá trình đô thị hóa đòi hỏi năng lực tiêu thoát nước rất lớn. Trong khi đó, việc quy hoạch đô thị không đồng bộ, không tính đến việc dành các không gian cho cây xanh, trữ nước, tiêu nước là thách thức lớn cho khu vực đô thị. Nhiều khu nhà cũ, khu dân cư nghèo sống ven đô, công trình tạm, hệ thống cây xanh, cột điện, biển quảng cáo… không bảo đảm an toàn trước bão, lũ, giông, lốc.
Khu vực miền núi phía bắc và Trung Bộ, phần lớn dân cư sống trên vùng núi cao hay sát ven sông, suối hoặc ngay dưới ta-luy dương đường giao thông, nên rất dễ chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất. Một bộ phận dân cư vẫn giữ tập quán sống du canh, du cư, đốt rừng, đốt nương làm rẫy, gây khó cho việc kiểm soát khi có thiên tai xảy ra. Ðịa bàn rộng, chia cắt, dân cư sống rải rác, thông tin liên lạc không kịp thời và nhận thức của người dân cũng là những thách thức trong công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai. Những vấn đề đó tiếp tục tạo ra những thách thức to lớn, đòi hỏi phải có sự thay đổi về tầm nhìn trong quản lý rủi ro thiên tai và mô hình phát triển kinh tế phù hợp để chủ động phòng ngừa và ứng phó kịp thời.
Chính vì vậy, việc áp dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào công tác phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế tối đa sự thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Trên thực tế, hoạt động này đang diễn ra như thế nào?
- Đối với các biện pháp công trình, một số công nghệ, vật liệu mới đã được sử dụng như: Các sản phẩm vải địa kỹ thuật dưới dạng tầng lọc hoặc thảm túi bê-tông, thảm túi cát, vừa để tăng ổn định bờ, vừa tạo điều kiện để thực vật phát triển, tạo cảnh quan môi trường. Các loại kè mỏ hàn có kết cấu hoàn lưu đảo chiều. Các thiết kế nhà an toàn, nhà tránh lũ.
Đối với các biện pháp phi công trình, khoa học, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong thu thập thông tin, mô phỏng và dự báo sớm các tác động, cũng như dự báo các thiệt hại có thể xảy ra với từng đợt thiên tai. Bên cạnh đó, kết hợp với các dữ liệu lịch sử đã được ghi nhận, lưu trữ có hệ thống, các hệ thống thông tin tập trung, đồng bộ có thể cung cấp thông tin đầy đủ hơn, ở thời điểm trước, trong và sau mỗi trận thiên tai.
Bốn năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai như: Ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone, flycam...) trong hoạt động giám sát, thu thập dữ liệu trước, sau thiên tai; Thành lập bản đồ 3D trực quan, chi tiết khu vực bị ảnh hưởng hoặc các khu vực có rủi ro cao sạt lở đất, lũ quét; nghiên cứu, từng bước phát triển hệ thống mô phỏng thiên tai, hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền thông tin về phòng, chống thiên tai; ứng dụng công nghệ xây dựng bản đồ trực tuyến trong quản lý thông tin trên môi trường internet…; từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên biệt: cơ sở dữ liệu viễn thám, cơ sở dữ liệu dân sinh kinh tế phục vụ phòng, chống thiên tai, cơ sở dữ liệu thiệt hại, cơ sở dữ liệu vận hành liên hồ chứa 11 lưu vực sông… phục vụ hỗ trợ ra quyết định; phát triển Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS) nhằm quản lý, hiển thị thông tin tập trung, kịp thời, trực quan phục vụ phòng, chống thiên tai. Hiện hệ thống đã tích hợp gần 1.900 trạm đo mưa và hơn 400 trạm quan trắc gió tự động; 133 camera giám sát hồ chứa và đê điều; 67 khu neo đậu tàu thuyền và hệ thống giám sát 26.556 tàu cá. Các thông tin được cung cấp theo thời gian thực và gần thời gian thực hỗ trợ hiệu quả cho việc ra quyết định chỉ đạo, điều hành; Xây dựng bản đồ WebGis sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 500 điểm sạt lở và công trình phòng, chống sạt lở. Đây là công cụ hữu hiệu trong việc hỗ trợ ra quyết định đối với công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
- Ứng dụng công nghệ trong phòng tránh thiên tai là một lĩnh vực phức tạp, đa ngành, cần làm thế nào để thúc đẩy việc phát triển các công nghệ trong điều kiện của Việt Nam?
- Với thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm, dữ liệu hiện nay, việc ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống thiên tai đang gặp phải một số khó khăn, thách thức: Việc quản lý dữ liệu phân tán, trùng lắp, chưa đồng bộ. Sự chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan còn gặp khó khăn. Thông tin dữ liệu còn có sự khác nhau về định dạng, thể loại, khả năng chia sẻ, kết nối. Một số loại sản phẩm (bản đồ...) chưa có quy định chung về định dạng nên khó tích hợp vào hệ thống quản lý chung.
Vì vậy, để thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ vào phòng, chống thiên tai, chúng ta nên tập trung thực hiện các giải pháp: nâng cao năng lực quản lý thông tin, dữ liệu theo hướng tập trung, tránh sự chồng chéo; tham mưu, xây dựng quy chế thu thập và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ mục đích chung; từng bước xây dựng hệ thống quản lý thông tin, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai thống nhất từ Trung ương đến địa phương; phát triển cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát thiên tai liên thông; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong việc ứng dụng công nghệ mới, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
- Nguồn lực và cơ chế là hai yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với việc triển khai ứng dụng công nghệ trong phòng, tránh thiên tai. Trong điều kiện của nhiều địa phương, những yếu tố này đang trở thành điểm nghẽn. Ý kiến của ông về vấn đề này?
-Theo tôi, kinh phí từ ngân sách nhà nước hiện nay mới dừng ở mức xử lý tình huống, chưa căn cơ lâu dài, đôi khi thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành, chưa hỗ trợ để xử lý toàn diện cho các loại hình thiên tai theo quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai, cho nên gây khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả, phòng ngừa. Nên thực hiện các biện pháp: Trước hết, tăng cường nguồn đầu tư và dự phòng ngân sách, có cơ chế rõ ràng sử dụng ngân sách cho công tác phòng, chống thiên tai chứ không chỉ đơn thuần dự phòng cho cứu trợ khẩn cấp. Mặt khác, huy động sự tham gia của doanh nghiệp khoa học, công nghệ và cộng đồng, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong công tác phòng, chống thiên tai. Cùng đó, có cơ chế bảo đảm nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình phòng, chống thiên tai và bảo đảm ổn định trở lại nhanh hơn sau thiên tai.
- Xin cảm ơn ông!