Kỳ 1: Phát triển vùng nguyên liệu bền vững
Thời gian qua, nhiều địa phương đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, hướng tới sản xuất bền vững. Đây được xem là “chìa khóa” để doanh nghiệp mở cửa xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến sâu từ dừa ra thị trường thế giới.
Từ những thăng trầm quá khứ
Cây dừa từng phát triển rất mạnh ở Việt Nam, với quy mô diện tích lúc cao điểm lên tới hơn 300 nghìn ha. Tuy nhiên sau đó, diện tích dừa liên tục sụt giảm cho đến giai đoạn 2010 - 2022, người dân mới quay lại trồng dừa, tập trung tại các tỉnh duyên hải miền trung và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại thủ phủ dừa Bến Tre, mọi thăng trầm biến đổi của cây dừa từ lâu đã in sâu trong ký ức của người dân qua nhiều thế hệ. Theo các tài liệu ghi chép lại, từ cuối thế kỷ 19, diện tích vườn dừa của Bến Tre đạt khoảng 4.000 ha. Đến ngày giải phóng miền nam, diện tích dừa của tỉnh đã phát triển lên gấp bốn lần.
Hàng chục năm gắn bó với cây dừa, ông Huỳnh Văn Phúc, 77 tuổi (ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) kể: “Sau giải phóng, vùng đất này chỉ có cây dừa phát triển tốt. Tuy nhiên, lúc đó giá dừa thấp, bán không ai mua nên tôi và nhiều hộ dân trong xóm phá bỏ chuyển sang trồng lúa. Rồi giá dừa dần ổn định, người dân lại quay về với cây truyền thống này cho đến nay”.
Trải qua nhiều thập kỷ thăng trầm, vườn dừa tại khu vực xã Châu Bình giờ có giá cao nhất tỉnh Bến Tre bởi quả to, tỷ lệ dầu cao hơn những nơi khác. Cây dừa cho thu nhập ổn định nên không chỉ người dân Châu Bình mà nhiều địa phương khác ở Bến Tre cũng an tâm quay lại sản xuất.
Những năm gần đây, diện tích trồng dừa Bến Tre đều đặn tăng 1.000 ha/năm. Hiện, diện tích dừa Bến Tre chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước, đạt hơn 80.000 ha.
Tìm hướng đi bền vững
UBND tỉnh Bến Tre xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn trên địa bàn. Năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó có cây dừa. Từ đây manh nha hình thành nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng Vietgap, hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.
Là đơn vị điển hình trong liên kết nông dân với doanh nghiệp, Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú) hiện có 205 thành viên với 210 ha dừa đạt chứng nhận hữu cơ. Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh Phan Lê Tùng cho biết: “Dừa hữu cơ được thu mua với giá cao hơn bên ngoài trung bình từ 15 - 20 nghìn đồng/chục (12 quả). Hợp tác xã liên kết với Công ty dừa Lương Quới được 6 năm để sơ chế cơm dừa phục vụ chế biến, xuất khẩu. Qua đó, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương”.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Nguyễn Trường Thịnh cho biết: “Thị trường xuất khẩu dừa ngày càng đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn cao. Trong đó, sản phẩm không có chứng nhận hữu cơ không vào được các thị trường lớn. Đáp ứng yêu cầu đó, công ty đã phối hợp với chính quyền 40 xã cùng 22 hợp tác xã, 60 đơn vị thu gom trên địa bàn tỉnh Bến Tre để xây dựng chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ”.
Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre được giao nhiệm vụ triển khai phát triển sản xuất dừa hữu cơ trên địa bàn. Với vai trò mở đầu cho câu chuyện dừa organic, cán bộ của ngành nông nghiệp phải trực tiếp đi thuyết phục, gắn kết được giữa những người dân với nhau, giữa người dân với doanh nghiệp. Đây là điểm rất khó! Thậm chí thời gian đầu, chính quyền địa phương cũng e ngại vì không biết việc chuyển đổi có hiệu quả, người dân có được hưởng lợi không.
Ông Nguyễn Chánh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre cho biết: Cái khó lớn nhất là thực trạng sản xuất của nông nghiệp Bến Tre manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi sản xuất hữu cơ bắt buộc phải liên kết thành những vùng tập trung, diện tích lớn. Bên cạnh đó, chứng nhận hữu cơ tương đối đắt đỏ, doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Chính quyền địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp và nông dân trong việc tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã có những chính sách hỗ trợ giá cho nông dân, bảo đảm thu mua sản phẩm.
Đến nay, diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Bến Tre đạt trên gần 25 nghìn ha. Toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi sản phẩm dừa.
Dư địa còn dồi dào
Cùng với Bến Tre, nhiều địa phương khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long - nơi chiếm đến 88% diện tích vùng nguyên liệu dừa cả nước cũng đang có những bước chuyển đổi kịp thời để hướng tới phát triển bền vững. Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, phù sa bồi đắp quanh năm, Trà Vinh ngút ngàn những rặng dừa xanh, đứng thứ hai cả nước về diện tích. UBND tỉnh Trà Vinh đã thực hiện chính sách hỗ trợ đột xuất với số tiền 1,5 triệu đồng/ha cho khoảng 40 nghìn hộ trồng dừa trên địa bàn tỉnh. 8.200 ha đất lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp được chuyển sang chuyên canh dừa với các giống đạt năng suất, chất lượng cao.
Đến nay, Trà Vinh đã xây dựng được các vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tập trung với diện tích 5.276 ha; các địa phương trong tỉnh được cấp 29 mã số vùng trồng nội địa, vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 2.803 ha, chiếm hơn 10% so với tổng diện tích. Các sản phẩm chế biến từ dừa của Trà Vinh tiếp cận thị trường của hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Với tốc độ phát triển nhanh về diện tích cũng như sản lượng, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Tiền Giang cũng đã có những bước tiến lớn. Tiêu biểu như mô hình dự án: “Giải pháp phục hồi vườn dừa sau thời gian hạn mặn”, “Sản xuất dừa theo hướng hữu cơ gắn sản xuất với tiêu thụ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”, “Đầu tư cải tạo thâm canh vườn dừa xiêm xanh, dừa mã lai”...
Tuy nhiên cho đến nay, diện tích dừa hữu cơ cả nước mới chỉ chiếm hơn 12% tổng diện tích. Dư địa phát triển vẫn còn rất lớn! Ths Ngô Ngọc Diệp, Trung tâm phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp) cho rằng: Hiện các thị trường đích mà Việt Nam hướng đến đều đã xây dựng hàng rào kỹ thuật, với các tiêu chuẩn sản xuất sạch, nông sản an toàn, bảo đảm sức khỏe. Bởi vậy dừa hữu cơ được xem là “chìa khóa” để doanh nghiệp mở cửa xuất khẩu ra thị trường thế giới. Các địa phương cần có chiến lược hình thành các vùng sản xuất dừa hữu cơ tập trung, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bảo đảm truy xuất nguồn gốc.
Trên bản đồ sản xuất và xuất khẩu, dừa Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 quốc gia sản xuất dừa lớn nhất thế giới với sản lượng gần 2 triệu tấn/năm. Đặc biệt, năng suất và chất lượng dừa Việt Nam được xếp vào tốp đầu thế giới, với tỷ lệ cơm dừa 35%, tỷ lệ nước dừa 27%, cao hơn 5% so với tỷ lệ trung bình dừa trên thế giới.
(Còn nữa)