Phiên đấu giá căng thẳng
Ngày 5/11/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) tổ chức Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số mỏ cát. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Hà Nội áp dụng hình thức đấu giá trong khai thác khoáng sản. 3 điểm mỏ được đưa ra đấu giá nằm trên địa bàn huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm.
Vật liệu cát xây dựng thường được khai thác trên các tuyến sông. Cùng với tốc độ phát triển đô thị chóng mặt, các công trình đầu tư công về hạ tầng triển khai rầm rộ, tình trạng khan hiếm cát vật liệu trở nên thường xuyên. Thêm vào đó, hoạt động của hệ thống quản lý khai thác khoáng sản cũng đang bộc lộ sự thiếu hiệu quả. Ở một số địa phương, “cát tặc” vẫn ngang nhiên lộng hành, gây nhiều bức xúc trong xã hội, thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát tại Hà Nội như một “làn gió mới”, thu hút sự quan tâm của cả doanh nghiệp lẫn dư luận chung. Đúng như một số nhận định ban đầu, buổi đấu giá đã diễn ra vô cùng căng thẳng với sự tham gia của 41 doanh nghiệp. Những người tham gia đấu giá phải thức trọn một đêm, từ 9 giờ sáng hôm trước đến 5 giờ 33 phút sáng hôm sau. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt của người tham gia đấu giá đều diễn ra trong phạm vi ban tổ chức quy định. Đại diện Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam cho biết, đã mua hàng trăm chiếc bánh mì cùng cả nghìn chai nước tinh khiết phục vụ khách hàng.
Thứ ngoài dự đoán duy nhất đã diễn ra là mức giá trúng không tưởng. 3 mỏ cát đã được đấu giá thành công với tổng giá trị 1.690 tỷ đồng. Mỏ Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) trữ lượng 4.899.000 m3, giá khởi điểm 19,29 tỷ đồng, trúng đấu giá 883,930 tỷ đồng. Tuy mức trúng này đã cao hơn giá khởi điểm 46 lần nhưng đây vẫn là mỏ ít gây ngạc nhiên nhất về mức trúng đấu giá trong 3 mỏ.
Mỏ Châu Sơn (huyện Ba Vì) trữ lượng 703.536 m3, giá khởi điểm 2,881 tỷ đồng, trúng đấu giá 396,865 tỷ đồng, gấp 137 lần giá khởi điểm. Đem lại giá trị cao nhất là mỏ Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm) trữ lượng 508.000 m3, giá khởi điểm chỉ khoảng 2 tỷ đồng nhưng trúng đấu giá lên tới 410 tỷ đồng, gấp 200 lần giá khởi điểm.
Theo quy định, toàn bộ số tiền trúng đấu giá sẽ được thu về ngân sách nhà nước. Những ai quan tâm đều bất ngờ khi số tiền đấu giá lớn đến như vậy. Lâu nay, hoạt động khai thác các mỏ cát thường được giao cho doanh nghiệp theo hình thức đấu thầu và số thu ngân sách nhà nước thấp hơn nhiều lần. Vậy nên, sau cuộc đấu giá đem lại giá trị lớn đến vậy cũng để lại những tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Nếu đấu giá thành công tốt đẹp, những mỏ tiếp theo cũng sẽ được đấu giá, ngân sách nhà nước có được nguồn thu khá lớn. Nhưng nếu nhìn lại thời gian trước đó, phải chăng chúng ta đã lãng phí một nguồn lực không nhỏ chỉ vì chậm áp dụng hình thức đấu giá (?!).
Kết quả ngoài dự đoán
Từ sửng sốt, dư luận nhanh chóng chuyển sang hoài nghi. Một loạt câu hỏi được đặt ra trước mức trúng đấu giá cao bất thường đối với 3 mỏ cát nêu trên. Đối chiếu trữ lượng dự báo và mức trúng đấu giá, bất cứ ai cũng có thể cầm máy tính, tính ra giá cho mỗi m3 cát khai thác được. Với mỏ Thượng Cát, nếu khai thác đúng trữ lượng cho phép, doanh nghiệp phải bán cát với giá hơn 800.000 đồng/m3 mới hòa vốn.
Giá cát xây dựng tại thời điểm đó dao động 150.000 - 250.000 đồng/m3. Nếu mua tại mỏ còn thấp hơn, chỉ vào khoảng 70.000 - 80.000 đồng/m3. Các doanh nghiệp trúng đấu giá định làm gì với “món hàng” đắt đỏ trong tay? Dư luận đặt nghi vấn, ở đây có hay không hành vi hợp tác với nhau kéo giá cát lên cao để trục lợi? Phải chăng doanh nghiệp có những thủ thuật nào đó để khai thác nhiều hơn khối lượng cát cho phép?
Đến ngày 11/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 1807 giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội rà soát lại toàn bộ quá trình hình thành và triển khai phiên đấu giá. Công điện nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi”.
Ngay sau khi nhận được Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã có một số động thái. Thanh tra thành phố chủ trì, cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Tư pháp, Công an thành phố kiểm tra, rà soát và đánh giá cụ thể vụ việc. Chiều 27/12/2023, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin: Cơ quan công an đã nắm tình hình, thu thập tài liệu liên quan đến buổi đấu giá, trực tiếp theo dõi, giám sát hoạt động trong buổi đấu giá. Kết quả, cơ quan chức năng đánh giá buổi đấu giá diễn ra khách quan, chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về đấu giá cũng như các hiện tượng thông thầu, dìm giá.
Gần một năm sau, ngày 4/10/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ra Quyết định số 924/QĐ-STNMT-KHTC về việc hủy kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đợt 1) gồm: Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát); Mỏ Tây Đằng - Minh Châu; Mỏ Châu Sơn theo Quyết định số 889/QĐ-STNMT-KHTC ngày 16/8/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc này đồng nghĩa kết quả phiên đấu giá trên bị hủy bỏ.
Hệ lụy cho nhiều bên
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đã vi phạm điểm b, khoản 4, Điều 16, Luật Đấu thầu: “Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư” và khoản 4, khoản 5, Điều 5, quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 8/2/2022 của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam không đồng ý với quyết định này và tiếp tục đề nghị được công nhận kết quả buổi đấu giá. Một trong những căn cứ để Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra quyết định là Văn bản số 5523/CV-CTHADS ngày 30/8/2024 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội về việc phối hợp cung cấp thông tin đối với Công ty cổ phần đấu giá Bắc Trung Nam. Ở đây dường như có một chút nhầm lẫn, vì Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam (MST 0108313209) và Công ty CP đấu giá Bắc Trung Nam (MST 0102112506) là 2 pháp nhân khác nhau.
Thêm vào đó, theo Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 8/2/2022 của Bộ Tư pháp, thời hạn liên quan đến việc xét duyệt các vi phạm là 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam khẳng định trong cả năm 2022 và năm 2023, người đại diện pháp luật của công ty cũng như đấu giá viên của công ty không hề chịu bất kỳ bản án hay quyết định xử phạt vi phạm hành chính nào liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản.
Trên thực tế, việc hủy kết quả phiên đấu giá 3 mỏ cát không chỉ gây tổn hại uy tín của đơn vị tổ chức đấu giá, mà còn đem đến thiệt hại lợi ích cho những bên được công nhận trúng đấu giá. Cả 3 doanh nghiệp trúng đấu giá đã có đơn đề nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được tiếp tục thực hiện kết quả phiên đấu giá, đồng thời sẽ nộp đủ vào ngân sách số tiền gần 1,7 nghìn tỷ đồng.
Nhằm rộng đường dư luận cũng như tìm hiểu thêm những khúc mắc về kết quả phiên đấu giá nêu trên, Báo Nhân Dân đã có Công văn số 5189- CV/BND gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ một số nội dung. Ngay sau đó, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý theo Công văn số 12013/VP-TNMT. Tuy nhiên kể từ đó đến nay vẫn chưa có bất cứ thông tin nào được cung cấp thêm.
Mỗi doanh nghiệp đều có phương cách riêng để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại lợi nhuận tốt nhất. Phương cách đó không cần phải công khai, nhưng hiển nhiên mọi hoạt động phải tiến hành trong khuôn khổ pháp luật. Nếu bất kỳ ai hoặc bên liên quan nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc một vài doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát cao hơn giá thị trường thời điểm đó chưa hẳn đã đủ để kết luận cho cả một câu chuyện dài trong tương lai.
Xét cho cùng, phương thức bán đấu giá đi cùng mục tiêu đem lại số tiền cao nhất cho người bán tài sản. Trong trường hợp này, số tiền thu được từ đấu giá càng lớn thì số thu ngân sách càng nhiều. Ngay phiên đấu giá đầu tiên đã không suôn sẻ có thể được coi như một sự “thất bại”. Vì thế, cần làm rõ nguyên nhân để làm cơ sở pháp lý, tiền đề cho những phiên đấu giá tiếp theo, qua đó mới có thể thu hút được sự quan tâm của “người mua” và có những phiên đấu giá minh bạch, đúng pháp luật.
Sau phiên đấu giá trên, Hà Nội đã lên kế hoạch đấu giá tiếp tục 3 mỏ cát khác tại huyện Ba Vì, gồm: Mỏ cát Cổ Đô 1, mỏ cát Cổ Đô 2 (xã Cổ Đô và Phú Cường) và Mỏ cát Thanh Chiểu (xã Phú Cường).