Chung tay chống hàng lậu, gian lận thương mại

Hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại đang có chiều hướng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và thiệt hại cho người tiêu dùng, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
0:00 / 0:00
0:00
Các mặt hàng được trưng bày giúp người dân phân biệt thật, giả.
Các mặt hàng được trưng bày giúp người dân phân biệt thật, giả.

Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 501 tỷ đồng (tăng 2,2%). Riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính hơn 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu hơn 5 tỷ đồng.

Chưa phản ánh hết thực trạng vi phạm

Nhìn nhận về kết quả nêu trên, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, thống kê chưa phản ánh được thực trạng vi phạm trên TMĐT. Thực tế, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, sau đó các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh (mạng xã hội, các sàn TMĐT), vận chuyển qua các công ty bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, việc chủ động điều tra, phát hiện vi phạm trên nền tảng TMĐT gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, các đối tượng thường giới thiệu trên website TMĐT là hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Hàng hóa bán trên các website, mạng xã hội thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có số điện thoại để giao dịch. Khi có khách mua hàng thì sẽ hỏi địa chỉ để giao nhận hàng hóa, thanh toán tại nhà. Người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào…

“Khi có người lạ dò hỏi xem hàng thì thường các đối tượng không trả lời. Ngoài ra, vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng internet nên các đối tượng có thể gỡ bỏ thông tin xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm”, ông Lê nêu rõ.

Đặc biệt, các đối tượng thường kinh doanh hàng hóa vi phạm ở quy mô nhỏ lẻ, nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Hiện nay, có nhiều đối tượng thuê các căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận, trinh sát.

“Khi có sự phối hợp của chính quyền địa phương kiểm tra các điểm này thì các đối tượng thường có biểu hiện chống đối, hoặc giải thích hàng hóa tập kết với nhu cầu sử dụng, cho, tặng, không phải là hàng hóa kinh doanh”, ông Lê quan ngại.

Cần nói “không” với hàng hóa gian lận

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động buôn bán hàng giả, hàng lậu…, vào thời điểm các tháng giáp Tết 2024, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tổ chức theo dõi thông tin, nắm tình hình địa bàn, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, đôn đốc việc tuân thủ pháp luật về TMĐT của các thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh TMĐT; chủ trì, phối hợp xử lý các vụ việc hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến TMĐT. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lê, trong thời gian tới cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Hồng Chung, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 cho rằng, cần đồng bộ các giải pháp và có sự phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, trong thời gian tới, lực lượng chức năng cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia triển khai các kế hoạch chuyên đề chống gian lận, buôn lậu hàng giả, hàng nhái. Cùng với đó, nắm chắc tình hình tuyến đường, địa bàn, đối tượng; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các cấp, ngành một cách thường xuyên liên tục; kết hợp chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng liên tỉnh, liên tuyến, phối hợp chặt chẽ ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên các tuyến biên giới, đường biển, đường bộ có cửa khẩu và đường hàng không; xử lý nghiêm những hành vi bao che, bảo kê tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu; tăng cường tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về tác hại của những vấn đề này.

“Người dân cần nói “không” với hàng hóa gian lận. Đây là yếu tố quan trọng trong công tác chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả”, ông Chung nêu rõ.

Về phía doanh nghiệp, bà Trần Hoàng Kim Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam cho biết, với sản lượng khan hiếm cùng với lợi ích kinh tế, sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.

“Có đến 90% sâm Ngọc Linh gắn mác khai thác tự nhiên trên thị trường là giả. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn với doanh nghiệp khi khách hàng quay lưng với sản phẩm vì nạn làm giả”, bà Kim Anh chia sẻ.

Trước thực trạng này, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong việc truy xuất nguồn gốc. Mỗi cây sâm giống sẽ được gắn chip ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc từ vườn ươm, cho đến khu trồng, giúp bảo đảm nguồn gốc cây giống. Sau khi thành nguyên liệu sản xuất và ra thành phẩm, mỗi sản phẩm cũng được gắn chip để truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ quy trình này được giám sát chặt chẽ và không có sự trộn lẫn với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mỗi sản phẩm đều được bảo hiểm nếu không phải hàng chính hãng.

“Người tiêu dùng nên tìm hiểu và mua các sản phẩm chính hãng tại các cửa hàng để có được sản phẩm bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn”, bà Kim Anh khuyến cáo.