Đây là con số còn rất thấp so với mục tiêu đề ra 95% từ đầu năm. Nhiều ý kiến cho rằng, trong công tác giải ngân đầu tư công, hiện nay quy trình thủ tục còn phức tạp, nhiều cấp, nhiều bên tham gia… tâm lý sợ sai trong đội ngũ cán bộ công chức. Đặc biệt khâu giải phóng mặt bằng, định giá đất hiện đang gặp rất nhiều khó khăn; nhiều dự án gặp khó khăn trong khâu nguyên vật liệu, vướng quy hoạch.
Giải ngân chưa đạt yêu cầu
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình triển khai 16 công trình, dự án trọng điểm trong tháng 9/2024 của đơn vị thì nhiều công trình lớn quy mô từ hàng trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng đều bị chậm tiến độ... Đơn cử, dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (dự án thành phần 1 - gói thầu xây lắp ) dài 47 km đăng ký vốn 4.900 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân gần 956 tỷ đồng (đạt 19,5%).
Nguyên nhân được đưa ra là việc hoàn thành hồ sơ phục vụ giải ngân còn chậm, một số hạng mục phải có thời gian chờ như đường công vụ, xử lý đất yếu... Tương tự, dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) vốn đầu tư 1.826 tỷ đồng cũng bị chậm tiến độ thi công ở giai đoạn 3, khối lượng thi công mới đạt 50% do vẫn còn nhiều trường hợp chưa bàn giao mặt bằng; giải ngân vốn đầu tư từ đầu năm 2024 đến nay chỉ đạt 0,2%.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong 79 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được Chính phủ giao thực hiện trong năm 2024 thì có đến 33 nghìn tỷ đồng được thực hiện cho công tác giải phóng mặt bằng (chiếm 38%). Việc giải ngân đầu tư công được lãnh đạo thành phố rất quan tâm và đã chỉ đạo nhiều giải pháp để thúc đẩy vấn đề này.
Thực tế cho thấy, để đẩy nhanh tốc độ của công tác này, thành phố đã làm rõ khó khăn, vướng mắc của từng dự án đồng thời đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan rốt ráo xử lý. Thành ủy, HĐND thành phố cũng thành lập các tổ công tác chuyên trách để trực tiếp theo dõi, rà soát từng dự án, báo cáo lãnh đạo thành phố.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu năm 2024, thành phố đã lập các thủ tục để giải ngân công tác giải phóng mặt bằng trong quý III nhưng khi Luật Đất đai có hiệu lực (từ ngày 1/8/2024), thành phố phải dừng lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án do tăng chi phí giải phóng mặt bằng. Một số dự án có thể thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc phê duyệt phương án bồi thường nhưng đều phải dừng để xem xét lại. Ngoài ra, một số vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý; điều chỉnh quy hoạch; quy định mới về đấu thầu... cũng khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm lại.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tốc độ giải ngân đầu tư công chậm có phần trách nhiệm của các đơn vị. Lãnh đạo thành phố quyết liệt chỉ đạo nghiêm việc thực hiện rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; bám sát từng gói thầu, dự án, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh từng dự án. UBND thành phố đặt quyết tâm, dù chỉ còn một quý IV để thực hiện nhưng thành phố vẫn kiên định với mục tiêu giải ngân đã đề ra là 95%.
Tại phiên họp Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 33 mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Nên một lần nữa nhấn mạnh: Thành phố còn khoảng hơn hai tháng với quyết tâm cao nhất phải thực hiện tốt công tác giải ngân đầu tư công. Các đơn vị cũng đồng thời thực hiện kiểm tra, uốn nắn và xử lý những trường hợp không làm hay vì lý do nào đó làm không đạt yêu cầu vì nguyên nhân chủ quan. Các đơn vị, cơ quan cần xem đây là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trong quý IV này.
5 nhóm giải pháp
Về phương hướng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ tập trung cao độ giải quyết các tồn đọng, vướng mắc giữa các quận, huyện với sở, ngành trong công tác đầu tư công để với 63 nghìn tỷ đồng còn lại đến tháng 1/2025 sẽ hoàn thành.
Cụ thể, thành phố phân ra 5 nhóm giải phóng gồm: nhóm giải ngân giải phóng mặt bằng khoảng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó có ba dự án trọng điểm chiếm đến 28 nghìn tỷ đồng là: dự án rạch Xuyên Tâm, dự án bờ bắc kênh Đôi và đường vành đai 2. Nhóm các dự án khởi công mới khoảng 8 nghìn tỷ đồng tập trung đầu tư trang bị thiết bị cho các bệnh viện cửa ngõ. Nhóm dự án đang thực hiện 9.600 tỷ đồng cũng được đốc thúc hoàn thành sớm. Nhóm vướng mắc thủ tục với trung ương có dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng; 4 nghìn tỷ đồng với dự án metro số 1. Đối với nhóm dự án đang vướng mắc thủ tục chủ yếu do quy hoạch (có 57 dự án), thành phố đang giao sở, ngành chức năng tháo gỡ.
Nêu kinh nghiệm về quá trình thực hiện giải ngân các dự án lớn, ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Kế hoạch hợp đồng, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quá trình triển khai các tuyến đường sắt đô thị metro số 1 và số 2 cho thấy, nếu dự án có mặt bằng sạch và nguồn vốn sẵn sàng thì mọi vấn đề sẽ rất thuận tiện. Việc giải phóng mặt bằng cần giải quyết dứt điểm ngay từ đầu để tránh tình trạng dự án kéo dài thời gian gây đội vốn và tiến độ dự án. Để các nguồn lực thuận tiện, việc cắt giảm, tinh gọn thủ tục là rất quan trọng. Đơn cử như việc ý kiến của tất cả các sở, ngành đối với một quyết định nào đó nhiều trường hợp là không cần thiết bởi trên thực tế có những đơn vị, sở, ngành không liên quan đến dự án.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, thành phố cần mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận về đầu tư công theo hướng xã hội hóa, giao cho tư nhân làm và cơ quan quản lý nghiệm thu... để tiến độ thực hiện được nhanh hơn. Ông thí dụ: Để thực hiện thi công một con đường, các cơ quan nhà nước thường có rất nhiều quy trình, thủ tục thường tốn rất nhiều thời gian. Tôi đề xuất, hãy để tư nhân thực hiện việc đầu tư, sau khi nghiệm thu đạt chuẩn thì Nhà nước dùng chính ngân sách đầu tư công để mua lại dự án đó.
Các chuyên gia đề xuất, cần phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tập trung vào một đầu mối. Công tác tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc xác định giá đất, điều chỉnh quy hoạch,… cần đồng bộ, hiệu quả hơn nữa. Cần có cơ chế cho phép nhà thầu, chủ đầu tư chủ động phối hợp với địa phương khai thác nguồn vật liệu, sử dụng vật liệu mới. Xây dựng cơ chế đặc thù cho các dự án đầu tư liên vùng, phân bổ nguồn vốn hợp lý. Ngoài ra, cần khuyến khích áp dụng các mô hình đầu tư mới như BT, BOT với cơ chế quản trị rủi ro và phân chia lợi ích hợp lý.
Về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2021-2025, thành phố đề ra 22 chỉ tiêu chính. Trong đó có 14 chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt; năm chỉ tiêu phấn đấu đạt ít nhất từ 80% trở lên; ba chỉ tiêu dự kiến không đạt gồm tăng trưởng GRDP, tổng vốn đầu tư xã hội và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Lãnh đạo thành phố cho rằng, đây là những chỉ tiêu bị tác động do đại dịch Covid-19.