Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển

Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế". Vậy, làm sao để khu vực tư nhân ngày càng trưởng thành, có sức cạnh tranh cao và phát huy được vai trò đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của nền kinh tế?
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm VIETMAP của doanh nghiệp công nghệ. Ảnh: HẢI NAM
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm VIETMAP của doanh nghiệp công nghệ. Ảnh: HẢI NAM

Khu vực tư nhân vẫn “lượng nhiều, chất yếu”

Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 60% GDP, trong đó, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

TS Võ Trí Thành nhìn nhận, từ khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, khu vực tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hiện có tới 900.000 doanh nghiêp tư nhân hoạt động cùng hơn 5 triệu hộ kinh doanh.

Tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cũng dâng cao. Số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) tăng đáng kể, từ con số 400 vào năm 2012 đã tăng lên khoảng 3.800 năm 2023; trong đó, 11 doanh nghiệp được định giá hơn 100 triệu USD. Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á về số các thương vụ đầu tư cho startup, sau Indonesia và Singapore.

Uy tín và giá trị thương hiệu Việt Nam và nhiều tập đoàn, công ty Việt Nam cũng được quốc tế thừa nhận. Theo Brand Finance (hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập có trụ sở tại Anh), năm 2018, Việt Nam xếp ở vị trí số 43/100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới được xếp hạng, với giá trị thương hiệu quốc gia đạt 235 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 102% trong giai đoạn 2019-2023, đạt tới 498 tỷ USD, xếp thứ 33/121 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất trên thế giới được xếp hạng.

Năm 2018, 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam có tổng giá trị hơn 8,1 tỷ USD. Năm 2023, chỉ riêng giá trị thương hiệu Viettel (dẫn đầu trong suốt 9 năm liền từ 2015) đã là 8,9 tỷ USD. Trong tốp 100, bên cạnh các DNNN, đã xuất hiện nhiều các tập đoàn/công ty tư nhân.

Song, TS Võ Trí Thành lưu ý, nhìn tổng thể khu vực tư nhân vẫn là “lượng nhiều, chất yếu”. Phần lớn (hơn 97%) các doanh nghiệp là nhỏ và vừa (SMEs).

“Điều đó là bình thường, song không bình thường là số đông doanh nghiệp đăng ký đều có quy mô rất nhỏ, dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới 5 tỷ đồng (70%)”, vị chuyên gia cho rằng, sự thiếu vắng ngày càng rõ các doanh nghiệp quy mô trung bình, nhất là trong công nghiệp chế tác, đang cản trở tăng năng suất, chuyên môn hóa và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, nổi lên tình trạng nhiều hộ kinh doanh từ chối đăng ký làm doanh nghiệp chính thức do sợ “gánh nặng” quan liêu và cách thức quản lý của Nhà nước, làm tăng chi phí giao dịch. Trong khi đó, những doanh nghiệp tư nhân lớn chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng khi chỉ đóng góp trên dưới 10% GDP.

Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển ảnh 1

Một chương trình khuyến mãi của Vietjet. Ảnh: NG.NAM

Để “sếu đầu đàn” đóng góp tích cực hơn

Thời gian qua, nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận như VinGroup, FPT, Trường Hải, Hòa Phát, Vietjet đều đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo được những dấu ấn trong đóng góp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cách nào để “lan tỏa” sức mạnh từ những doanh nhân, doanh nghiệp này thì còn là bài toán cần lời giải.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, đóng góp vai trò rất hữu hiệu cho sự phát triển của các ngành cũng như nền kinh tế.

Chính vì vậy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định “Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”. Nghị quyết 41 cũng đề ra nhiệm vụ phải “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc”.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Nghị quyết 66 đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” để hình thành lực lượng doanh nghiệp dân tộc có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; trình Thủ tướng trong năm 2024.

Năm 2023, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam gồm 21 thành viên ban đầu là đại diện các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam như Thaco, FPT, BIDV, BRG, Geleximco, VNPT, Tập đoàn TH, Tập đoàn Phú Thái, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam, PNJ, CMC, Tổng công ty Kinh Bắc, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Lộc Trời...

Hội đồng có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành Việt Nam, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển các ngành, các địa phương, dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành, tham gia phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Nhiệm vụ của Hội đồng là nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới, mang tính đột phá để hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc hàng đầu quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Đồng thời, tập hợp, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam phát triển vững mạnh thông qua các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại và đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo chuỗi giá trị, nghiên cứu và phát triển, kết nối hợp tác với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Từ đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ chuỗi cung ứng ngành và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành.

Hội đồng sẽ thực hiện vai trò tham vấn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp và chính sách phát triển các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm quốc gia nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế…

Cần động lực để doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh

Chiếm khoảng 97% trong tổng số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhưng lại là “linh hồn” của thị trường, lãnh đạo VCCI cho rằng, bên cạnh chính sách để “sếu đầu đàn” thể hiện vai trò dẫn dắt thì cần thêm chính sách để doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh.

“Hiện chúng ta đã có những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản trị công ty, hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng...

Tuy nhiên, tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế tạo thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh, theo tiêu chuẩn và quy luật thị trường và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra được không gian rộng mở hơn.

Các bộ, ban, ngành cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...”, ông Phòng nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia Võ Trí Thành bày tỏ, sáng tạo luôn gắn với cá nhân, và trong nhiều trường hợp bắt nguồn từ chính SMEs và startups, nhất là với CMCN 4.0, cùng xu thế tích tụ còn là xu thế “cá thể hóa” trong kinh doanh. Vì thế, rất cần một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả.

Trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò then chốt của vốn đầu tư mạo hiểm cùng điều kiện rút vốn, tư vấn có kinh nghiệm và những “vườn ươm công nghệ”/trung tâm sáng tạo kết nối tốt bộ ba: hỗ trợ tài chính, R&D và thiết lập mạng lưới hợp tác. Cùng với đó là việc thiết lập những quy chế điều tiết tạo thuận lợi cho sáng tạo.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của công ty/tập đoàn có ý nghĩa quyết định để “lớn mạnh”. Vì thế, bản thân họ phải có một tư duy thay đổi, cần nắm được những khái niệm cơ bản… từ đó đánh giá tổng quát đơn vị đã và chưa làm được gì. Sau khi hiểu mình, doanh nghiệp cần làm nhật ký để ghi chép lại quá trình hoạt động.

Sau đó, doanh nghiệp cần chọn ra những tiêu chuẩn “đinh” để theo đuổi, đánh giá xem cần gì và tìm hướng giải quyết, nếu cần hỗ trợ có thể đề xuất hỗ trợ. Tức là “nghĩ lớn, làm cụ thể. Tầm nhìn chiến lược phải đủ dài, đủ sâu, song cần bắt đầu thực thi quyết liệt từ những việc “nhỏ”, có tính sáng tạo, thiết thực và mức độ lan tỏa cao.

Để “lan tỏa” sức mạnh từ những doanh nhân, doanh nghiệp lớn đến các doanh nghiệp nhỏ, theo lãnh đạo VCCI, yêu cầu đặt ra là cần sớm có cơ chế, chính sách đột phá tạo điều kiện xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nghiệp dân tộc và các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam.