Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng năng suất

Việt Nam có mức tăng năng suất thấp hơn so với hầu hết các quốc gia cùng trình độ phát triển. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra cải cách các quy định kinh doanh là yếu tố quan trọng để trực tiếp thúc đẩy tăng năng suất ở nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: NGUYỆT ANH
Làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: NGUYỆT ANH

Theo báo cáo Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam vừa được Văn phòng Chính phủ và WB phối hợp công bố mới đây, Chương trình cải cách quy định kinh doanh 2020 - 2025 được thực hiện theo Nghị quyết 68/NQ-CP ban hành ngày 12/5/2020 (Nghị quyết 68) đã đạt được những kết quả giữa kỳ (giai đoạn 2020 - 2023) đáng chú ý với 2.789 quy định kinh doanh cụ thể đã được đơn giản hóa hoặc loại bỏ, 244 văn bản pháp luật được sửa đổi tạo tiền đề cho cải cách.

Điểm sáng về cải cách

Thông tin thêm về Nghị quyết 68, ông Ngô Hải Phan, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Cục trưởng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho hay, ngoài cắt giảm các quy định, trình Chính phủ ban hành văn bản cắt giảm, đơn giản hóa quy định, hiện các bộ, ngành trình Thủ tướng phê duyệt phương án đơn giản hóa gần 1.200 quy định, những quy định này thuộc 32 luật và hơn 170 văn bản, bao gồm nghị định, quyết định, thông tư, thông tư liên bộ.

Nhiều biện pháp cải cách được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong số đó nhiều cải cách có ý nghĩa. Trong lĩnh vực y tế, việc ban hành Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó áp dụng cách tiếp cận quản lý trang thiết bị y tế thân thiện hơn so với doanh nghiệp và dựa trên rủi ro đã giúp thay thế 12.000 thủ tục cấp phép mỗi năm bằng thủ tục thông báo ít phiền phức hơn.

Hay trong lĩnh vực nông nghiệp, Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT và 09/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi một số quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản đã loại bỏ 17 mã HS (5,5%) khỏi danh sách kiểm dịch, chỉ yêu cầu lấy mẫu 5% để thử nghiệm thay vì 100% và loại bỏ yêu cầu kiểm dịch đối với các sản phẩm đã qua chế biến như thực phẩm đóng hộp, thực phẩm hun khói, thực phẩm muối. Các sản phẩm động vật nhập khẩu làm nguyên liệu chế biến, xuất khẩu cũng được miễn kiểm dịch. Ước tính do APCA cung cấp cho thấy các biện pháp cải cách này có thể giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng (khoảng 4 triệu USD) mỗi năm.

Theo Chỉ số quản trị của WB, chất lượng quy định của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong hai thập kỷ qua. Tỷ lệ các doanh nghiệp dành hơn 10% thời gian để hiểu và hoàn thành các thủ tục hành chính đã liên tục giảm trong những năm gần đây.

Để duy trì đà tăng trưởng

Theo đánh giá, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu về cải cách trong ba thập kỷ qua, chất lượng quy định của Việt Nam vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực. Gần hai phần ba số công ty khởi nghiệp coi các quy định kinh doanh là một thách thức.

Theo ông Nguyễn Hùng Huế, Trưởng phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính, khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), số lượng thủ tục hành chính cắt giảm còn khiêm tốn, tập trung chủ yếu ở đơn giản bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính (giảm hồ sơ giấy tờ, giảm thời gian thực hiện…). Trong khi đó, số lượng thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép còn rất lớn.

“Tính từ năm 2021 đến tháng 9 năm nay, các bộ, ngành, địa phương cắt giảm được 431 thủ tục, chỉ chiếm 6,3%. Đầu tư, sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều rào cản, khó khăn vướng mắc về thủ tục dẫn đến rủi ro, tốn kém thời gian, chi phí thực hiện, chưa khơi thông được nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế”, ông Huế đánh giá.

Ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng WB đánh giá, Việt Nam đã trở thành ngôi sao kinh tế toàn cầu trong 30 năm qua và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh nhất thế giới.

“Cải cách quy định giúp giảm chi phí và rủi ro cho các doanh nghiệp. Khi các quy định được tinh gọn và đơn giản hóa, doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn, giảm thời gian và nguồn lực dành cho việc tuân thủ. Các nguồn lực tiết kiệm được có thể được sử dụng để đầu tư nhiều hơn, áp dụng công nghệ, nâng cao hoạt động quản lý, dẫn đến tăng năng suất trong các công ty,” ông Andrea Coppola lý giải về tầm quan trọng của cải cách quy định để thúc đẩy tăng trưởng năng suất.

Cũng theo Kinh tế trưởng WB, cải cách quy định tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc phân bổ lại nguồn lực từ các công ty kém năng suất sang các công ty năng suất cao hơn. Trong một môi trường quy định rõ ràng và có thể dự đoán được, các nguồn lực như vốn và lao động có thể di chuyển tự do hơn đến nơi cần chúng nhất.

Bên cạnh đó, việc cải cách quy định là rào cản có thể thúc đẩy sự gia nhập của các công ty mới trong và ngoài nước, đặc biệt là các công ty đổi mới dựa trên công nghệ, sản xuất xanh và năng suất cao, và sự rút lui của các công ty năng suất thấp như một phần của quá trình “phá hủy sáng tạo”.

Để giải quyết những khoảng trống này, các hành động ngắn hạn (cho đến năm 2025) là thực hiện các biện pháp cải cách đã được phê duyệt thông qua việc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, tập trung cải cách các lĩnh vực hoặc hoạt động kinh doanh có tiềm năng tác động; cải thiện việc đo lường kết quả; truyền đạt những kết quả cải cách mà doanh nghiệp đã được hưởng.

Trong trung hạn (2026-2030), cần cân nhắc việc phát triển chương trình cải cách quy định tập trung vào chuyển đổi mô hình cung cấp dịch vụ công một cửa hiện tại sang mô hình một cửa tích hợp. Cải cách giấy phép kinh doanh và thanh, kiểm tra để tăng cường các phương pháp quản lý dựa trên rủi ro. Cải thiện việc chia sẻ dữ liệu và khả năng tương tác của các hệ thống công nghệ thông tin.