Chữ "Xuân" dạt dào trong lòng Bác

NDO - Cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, chúng ta lại mở lòng đón một năm mới chứa chan niềm hy vọng. Là người Việt Nam đẹp nhất, thấm đậm hồn cốt và tính cách dân tộc, Bác Hồ kính yêu đã nhiều lần nhắc tới chữ "Xuân" với bao ý nghĩa tốt đẹp. Chữ "Xuân" luôn dạt dào trong lòng Bác.

Cách đây năm con giáp (60 năm) vào dịp đón xuân mới Tân Mão, 1951, Bác Hồ có bài thơ chúc Tết:

Xuân này kháng chiến đã năm xuân

Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công

Toàn dân hăng hái một lòng

Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời

Bài thơ phơi phới niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược. Bác dùng chữ 'Xuân' ba lần như nhắc nhở, khích lệ toàn dân tích cực tham gia cuộc kháng chiến để giành lấy thắng lợi đang tới gần. Theo Bác, nhắc tới mùa Xuân là nhắc đến tương lai, hy vọng cuộc sống yên bình. Ta hãy nghe Bác nói về ý nghĩa phong phú của mùa Xuân trong bài 'Chào Xuân' của Người đăng trên báo Ðồng Minh, số Xuân Giáp Thân, 1944: 

'Xuân là Xuân chung, vậy chúng ta phải gắng sức công tác thế nào cho Ðồng minh hội chúng ta cũng có phần thắng lợi chung của Ðồng minh lớn kia'.

Rõ ràng là Bác quan niệm Xuân của đất trời, Xuân của lòng người thật tươi đẹp biết chừng nào. Trong bức thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán, 1946, Người viết: 'Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa  xuân của xã hội'. Người rất thích câu nói của nhà thơ Pháp nổi tiếng Vay-ăng Cu-tu-ri-ê: 'Chủ nghĩa cộng sản là mùa Xuân của loài người'.

Nói đến mùa Xuân là nói đến một động lực tinh thần to lớn mang lại cho con người. Chủ nghĩa lạc quan cách mạng và phong thái ung dung tự tại đã khiến cho Người có cái nhìn biện chứng, khoa học, tin tưởng sắt đá vào thắng lợi ngay trong những năm tháng cách mạng nước ta gặp phải muôn vàn gian nguy: thù trong, giặc ngoài, vận nước ngàn cân như đang treo trên sợi tóc. Trong bản Chỉ thị viết tay 'Công việc khẩn cấp bây giờ', ngày 5-11-1946, Bác khẳng định: 'Cố rán sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, thì ta sẽ gặp mùa xuân. Qua khỏi trận khủng bố ráo riết của địch, thì ta sẽ thắng lợi'.

Ngày nay, đọc lại những vần thơ nặng trĩu tình yêu nước, thương dân và tràn đầy khí phách, ý chí cách mạng phi thường của Bác trong tập thơ 'Nhật ký trong tù', ta càng thêm cảm phục Bác. Mặc dù phải sống trong cảnh tù đày cơ cực, Bác vẫn 'Ðáng khóc mà ta cứ hát tràn' và tự khuyên mình:

Ví không có cảnh Ðông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Nghĩ mình trong bước gian truân

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng

Hình ảnh mùa Xuân hiện lên trong thơ Bác muôn màu muôn vẻ, thể hiện sức sống mới tươi trẻ, tất cả đều mơn mởn, ấm áp, phơi phới đi lên và một tương lai xán lạn sẽ đến với dân tộc và mỗi người. Ðó là cảnh bình minh mùa Xuân ở chiến khu Việt Bắc: 'Mặt trời tỏa ánh nắng hồng/ Báo tin Xuân đến, mùa Ðông sắp tàn' (Sóng Hồng dịch); là cảnh đêm trăng rằm tháng Giêng tuyệt đẹp được Bác diễn tả trong bài thơ tứ tuyệt 'Nguyên tiêu' bất hủ: 'Rằm Xuân lồng lộng trăng soi/ Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân' (Xuân Thủy dịch).

Chữ 'Xuân' được Bác sử dụng một cách linh hoạt để phục vụ cho mục đích tốt đẹp của Người. Bác nhấn mạnh ý nghĩa sâu xa, trường tồn của dân tộc qua mỗi Tết trồng cây 'Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân'. Bác da diết mong muốn quân và dân ta liên tiếp giáng cho quân xâm lược và bè lũ tay sai những đòn trừng trị đích đáng để Nam-Bắc sớm sum họp một nhà... 'Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa Xuân' (Khương Hữu Dụng dịch). Bác thích dùng các từ 'Xuân' (Khi người ta đã ngoại 70 Xuân...), 'Xuân chán' (Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán), 'Xuân xanh' (Mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh), nhằm khơi dậy tinh thần lạc quan, yếu tố chủ động, tích cực trong mỗi con người và khẳng định sức thanh xuân của chế độ ta.

Bác sống trong sáng, thanh bạch và tao nhã vô cùng. Bác tha thiết yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu mùa Xuân. Thượng tướng Bùi Phùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kể lại ấn tượng sâu sắc của mình trong đợt phục vụ chuyến công tác đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bốn tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, thuộc Liên khu Việt Bắc, ngay sau khi Ðại hội lần thứ II của Ðảng bế mạc. Ðêm ấy là đêm rằm tháng ba năm Tân Mão, 1951. Trăng Xuân vằng vặc chiếu sáng rất đẹp. Bác ngồi trên xe theo ngầm qua sông Bằng, nhìn lên phía thị xã Cao Bằng có đèn sao lấp lánh. Thi hứng vụt đến với nhà thơ, Bác tức cảnh đọc hai câu mở đầu cho bài thơ vịnh trăng theo thể Ðường luật. Rồi Người vui vẻ mời đoàn tùy tùng bổ sung nối tiếp theo ý thơ Bác. Ai lúng túng thì Bác gợi ý và sửa giúp. Bác hoàn chỉnh rất nhanh bài thơ sáng tác tập thể ấy, toàn văn như sau:

Chênh chênh ngang núi một vầng trăng

Hỏi chị soi chi hỡi chị Hằng?

Soi bóng xe hơi lên mặt trận

Soi quân chủ lực vượt qua giang

Soi đoàn du kích đi rình địch

Soi khách hành nhân vượt dặm đàng

Soi thử quân thù thua mấy trận

Soi cờ thắng lợi phất hiên ngang (*)

 Nhớ lời Bác 'Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công', chúng ta hãy nêu cao tinh thần yêu nước, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm vụ năm 2011, tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015). Làm trọn công việc trọng đại này chính là cách tốt nhất để nhân dân cả nước thực hiện ý nguyện thiêng liêng của Bác xây dựng đất nước ta 'đàng hoàng hơn, to đẹp hơn' như Bác hằng mong muốn.

--------------

(*) Xem bài 'Một chuyến đi cùng Bác', trang 15, Tạp chí Văn nghệ quân đội số 581, 9-2003.