Chồng lấn quy hoạch ở Ngọc Hồi

Sau 15 năm, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y vẫn dang dở. Để khu kinh tế phát huy hiệu quả, rất cần những điều chỉnh phù hợp trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Phần lớn các quy hoạch phân khu của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y mới nằm trên giấy.
Phần lớn các quy hoạch phân khu của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y mới nằm trên giấy.

Chồng lấn, không thể triển khai quy hoạch

Từ phản ánh của người dân về tình trạng vận chuyển, sử dụng đất bóc tầng phủ trái phép, chúng tôi tìm đến huyện Ngọc Hồi. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Ngọc Hồi đang xây dựng nhiều công trình cần sử dụng nguồn đất lớn để san lấp mặt bằng. Ông Nguyễn Chí Tường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, mỗi năm huyện cần khoảng 100 nghìn m3 đất bóc tầng phủ nhưng trên địa bàn hiện chỉ có một đơn vị được cấp phép với sản lượng khai thác khoảng 15 nghìn m3/năm. Nhu cầu lớn đã dẫn đến khó quản lý, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp, người dân lén lút đào đất mang đi bán trái phép. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Ngọc Hồi đã phạt hai đơn vị khai thác khoáng sản đất, san lấp trái phép là Hợp tác xã Vạn Thành và Công ty TNHH MTV Bảo Trân Kon Tum.

Lý giải nguyên nhân nguồn đất san lấp có nhưng không thể khai thác, ông Trần Văn Nhứt, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hồi cho biết: Trước đây, quy hoạch về đất san lấp trên địa bàn huyện Ngọc Hồi chưa được lập nên khi có nhu cầu, phải thực hiện theo đúng trình tự, từ phê duyệt quy hoạch, đưa vào kế hoạch đấu giá, lập thủ tục cấp phép… Tuy nhiên, theo Quyết định 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảy xã, thị trấn với tổng diện tích 70.438ha của huyện Ngọc Hồi đều nằm trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Chồng lấn về quy hoạch nên rất nhiều dự án đầu tư nhỏ lẻ, các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch khoáng sản… trên địa bàn huyện đều không thể triển khai được.

Nhiều nội dung không còn phù hợp

Kon Tum được xem là điểm trung chuyển trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối từ Myanma-Đông Bắc Thailand-Nam Lào với Tây Nguyên, duyên hải miền trung và Đông Nam Bộ. Đây là tuyến hành lang thương mại Đông-Tây ngắn nhất qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và là điểm khởi đầu để Kon Tum hội nhập với các nước trong khu vực. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với mục tiêu đến năm 2025 biến nơi đây thành khu kinh tế động lực, trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Cũng theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, đến năm 2025, Ngọc Hồi sẽ trở thành đô thị loại II vùng biên giới, với hướng phát triển hiện đại, bền vững, môi trường thân thiện, văn minh, gồm các khu đô thị và nhiều khu chức năng.

Tuy nhiên, do thời gian thực hiện đầu tư ngắn, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế nên tiến độ phát triển khu kinh tế không đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, từ cuối năm 2008, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y thuộc Chính phủ đã được chuyển về cho UBND tỉnh Kon Tum. Đây cũng là một nguyên nhân khiến việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, ngân sách địa phương còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển khu kinh tế.

Ông Nguyễn Chí Tường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Quy hoạch được phê duyệt hơn chục năm và đến nay có nhiều nội dung đã không còn phù hợp. Đơn cử như định hướng phát triển đô thị trước đây khá dàn trải, sau 10 năm thực hiện cho thấy thực tế đô thị, đặc biệt là các khu vực tập trung dân cư vẫn chỉ tập trung ở trong khu vực lõi trung tâm. Chiến lược phát triển đô thị về phía bắc cần đề ra giải pháp khả thi và hiệu quả cao hơn về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường và cảnh quan. Hệ thống giao thông cũng cần phân cấp rõ ràng trên cơ sở dự báo nhu cầu và đánh giá tính khả thi của việc điều chỉnh hệ thống giao thông hiện trạng… Trong khi đó, với diện tích chiếm gần trọn huyện Ngọc Hồi, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư vào phát triển huyện.

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Tỉnh Kon Tum đã có tờ trình đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh giảm quy mô diện tích Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y xuống còn 16 nghìn ha.