Làng nghề trên đất nghèo
Bến Đền thuộc khu vực cồn Nổi theo cách gọi của người dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Lộc gắn bó cả đời với mảnh đất này và nay vẫn kiên trì với nghề trồng dâu nuôi tằm. Ký ức tuổi thơ của bà gắn liền với tiếng khung cửi rộn ràng, tiếng thoi đưa nhịp nhàng của những năm 90 thế kỷ trước. “Năm 2018, khi nghe tin xã có dự án phục hồi nghề trồng dâu, tôi mừng lắm! Tôi cùng một số người dân mạnh dạn tham gia với mong ước nghề truyền thống của quê hương sẽ hồi sinh”, bà Lộc kể.
Thế nhưng, con đường ấy không hề bằng phẳng. Sau những háo hức ban đầu, nhiều người dần bỏ cuộc bởi những khó khăn chồng chất. Bà Lộc, từ 6 sào dâu ban đầu, nay chỉ còn hơn 2 nhưng vẫn bám trụ. “Nó là một phần tuổi thơ bên triền sông, là thu nhập, là kinh tế và cũng là cuộc sống. Nay, tuổi già, nó là phần đất, phần dâu an ủi”, bà Lộc nhỏ nhẹ.
Ông Huỳnh Văn Lệnh, một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chia sẻ thêm về những khó khăn: “Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù và chịu khó. Từ việc trồng dâu, chăm sóc tằm, đến việc thu hoạch kén, mỗi công đoạn đều cần sự cẩn thận. Thời tiết thất thường, dịch bệnh, giá cả bấp bênh khiến nhiều người nản lòng không còn tha thiết với nghề”.
Tuy nhiên, những người như bà Lộc và ông Lệnh tin rằng, nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn có tương lai. Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương cung cấp giống dâu mới VH15 cho người dân theo chương trình khuyến nông. Đây là giống dâu cho năng suất cao, bình quân mỗi lứa khoảng
20 tấn lá. “Theo tính toán, 1 ha dâu cần 4 hộp trứng (mỗi hộp cho 30 kg kén), tương đương 1 ha sẽ cho 120 kg kén. Thời gian một lứa tằm khoảng 21 ngày, nếu không có dịch bệnh”, ông Lệnh cho biết.
Chị Trần Thị Hương, một người trẻ tuổi trong làng, cũng đang nỗ lực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Chị Hương chia sẻ: “Tôi muốn tiếp nối truyền thống của gia đình và giữ gìn nghề truyền thống quê hương. Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của người dân, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bến Đền sẽ có kết quả tốt”.
Theo Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, nghề trồng dâu nuôi tằm sa sút ngoài lý do năng suất thấp, thị trường bị thu hẹp, còn có yếu tố tác động không nhỏ là kỹ thuật và phương tiện lạc hậu. Vậy nên từ lúc này phải áp dụng khoa học công nghệ từ khâu chọn giống, chăm sóc, tưới tiêu đến kỹ thuật nuôi tằm, bắt kén nhằm giảm công lao động và nâng cao hiệu quả.
Vẫn tin vào tương lai
Dẫu cho bao thăng trầm, những người con Bến Đền vẫn một lòng gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm. Họ tin rằng, những sợi tơ óng ả không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại.
Năm 2019-2021, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, phối hợp cùng Viện Thổ nhưỡng nông hóa và Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Nam triển khai dự án nghiên cứu những giống dâu, giống tằm mới phù hợp điều kiện đặc thù của vùng đất này. Dự án, nằm trong đề tài “Nghiên cứu giải pháp đồng bộ để phát triển trồng dâu, nuôi tằm gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn Quảng Nam”, được UBND tỉnh phê duyệt, mang đến những tín hiệu tích cực. Giống dâu lai F1 tỏ ra vượt trội, với năng suất lá cao hơn 30-40% so giống dâu địa phương, đồng thời chất lượng lá cũng được cải thiện đáng kể. Một số giống tằm mới cũng cho thấy khả năng thích nghi tốt, dễ nuôi và năng suất kén cao hơn so giống tằm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, con đường hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam vẫn còn nhiều gian nan. Một trong những thách thức lớn nhất là nguồn giống tằm. Hiện tại, nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập trứng tằm từ miền bắc và Trung Quốc với chất lượng không bảo đảm do vận chuyển xa và thiếu kiểm soát. “Những người làm nghề như chúng tôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Còn để tăng năng suất, cần có kiến thức và được học nhưng ở đây đang thiếu cán bộ kỹ thuật có chuyên môn. Hiện tại, hầu như không có cơ sở hoặc trường lớp dạy nghề nào đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp nghề nuôi tằm dệt lụa”, ông Lệnh cho biết.
Những kết quả đạt được của ngành dâu tằm tơ ở Quảng Nam hôm nay có bền vững hay không phụ thuộc vào những nhà khoa học tài năng, tâm huyết. Thiết nghĩ, để “giấc mơ tơ lụa” trên đất nghèo trở thành hiện thực, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, nhà khoa học và người dân cùng nhau vượt qua.