Nên để học sinh có “thời gian làm trẻ thơ”
Những năm gần đây, ngành giáo dục đã phải xử lý nhiều vấn đề liên quan việc dạy thêm, học thêm, kể cả việc kỷ luật giáo viên và chế tài với cá nhân, tổ chức liên quan. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định ở địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn diễn biến phức tạp.
Theo nhiều phụ huynh, việc học thêm quá nhiều đang gây áp lực lên học sinh và phụ huynh cả về vật chất và tinh thần. Cũng có những phụ huynh cho rằng, học thêm là nhu cầu chính đáng để mở rộng kiến thức nên thay vì cấm dạy thêm hoàn toàn, có thể cho phép tổ chức lớp ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh với mức phí hợp lý, đúng quy định, minh bạch và có kiểm soát trong nhà trường.
Chị Nguyễn Thị Thìn ở TP Tam Kỳ chia sẻ, mỗi học sinh có năng lực học tập khác nhau, trong khi, phụ huynh đa phần không có kỹ năng sư phạm nên việc chỉ dạy cho con ở nhà hết sức khó khăn. Vì vậy, để con em mình có đầy đủ kiến thức hơn thì việc cho con đi học thêm là nhu cầu chính đáng. “Trường học và giáo viên cần thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, từ đó, các con được giảm áp lực bài vở, có thời gian để vui chơi, tham gia các hoạt động xã hội. Phụ huynh cũng giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi phải cho con đi học thêm quá nhiều”, chị Thìn mong muốn.
Thầy Trần Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Tam Kỳ) chia sẻ, nhà trường đã quán triệt để cán bộ, giáo viên thống nhất quan điểm về các quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Đồng thời tiếp tục kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện giáo viên thuộc nhà trường tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường trái Thông tư 29 thì sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. “Việc quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường rất khó khăn. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Ngành giáo dục cũng cần giảm áp lực thi cử để các trường không chạy theo thành tích, phụ huynh, học sinh giảm bớt áp lực”, thầy Dũng nêu ý kiến.
Trách nhiệm cao của nhà trường, thầy cô
Việc dạy thêm, học thêm được Thông tư 29 quy định rất chặt chẽ. Quảng Nam hiện có 725 trường với hơn 354 nghìn học sinh và hơn 23 nghìn giáo viên. Với địa bàn rộng, việc quản lý dạy thêm, học thêm ở tỉnh gặp không ít khó khăn bởi đây là vấn đề phức tạp, nhu cầu rất lớn, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và phù hợp thì đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là học sinh. Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã xây dựng dự thảo về quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo tinh thần Thông tư 29 trình UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, ban hành.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường, trách nhiệm của giáo viên là phải bảo đảm kiến thức, chương trình học đầy đủ cho học sinh. Nếu học sinh tiếp thu chậm, giáo viên giảng dạy trên lớp phải quan tâm và tìm phương pháp phù hợp để học sinh tiến bộ hơn, không để tình trạng giáo viên ép buộc hoặc lôi kéo học sinh tham gia các lớp học thêm không cần thiết. Bên cạnh đó, để giảm bớt áp lực cho học sinh trong việc học thêm ngoài nhà trường, trước mắt các trường học cần xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầy đủ các điều kiện tổ chức tăng thêm buổi dạy phụ đạo trong nhà trường đối với học sinh nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ và phân loại học sinh theo đúng quy định; đồng thời, nâng cao chất lượng dạy học trên lớp, nhất là việc rèn cho học sinh ý thức tự học.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần xây dựng niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục, bảo đảm mọi học sinh đều được hưởng một môi trường học tập minh bạch và hiệu quả.
Thầy Dũng cho biết thêm, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm ngoài nhàtrường. Trên tinh thần tự nguyện, trường đã mở hai lớp học phụ đạo ngoài giờ không thu phí cho những học sinh thiếu hụt kiến thức và học sinh có nhu cầu nâng cao kiến thức với tổng số 70 học sinh.