Phát triển mô hình F&B mới

Ngành F&B (Food & Beverage - công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống) bao gồm nhà hàng, quán cà-phê, khách sạn và các chuỗi thực phẩm đang không ngừng đổi mới để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại. Với sức ảnh hưởng lớn đến đời sống, nhóm ngành này đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh nhờ vào “làn sóng” du lịch đang đổ bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực F&B Việt Nam.
Các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực F&B Việt Nam.

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình chuỗi và các mô hình F&B mới kết hợp giữa văn hóa truyền thống và công nghệ, đổi mới sáng tạo”, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về thực trạng, tiềm năng phát triển cũng như các giải pháp ứng dụng công nghệ số nhằm thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao tính bền vững trong lĩnh vực F&B.

Trong những năm gần đây, thị trường F&B Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự thay đổi đáng kể. Tuy vậy, các mô hình kinh doanh còn khá rời rạc, thiếu sự kết nối và quy mô chuỗi bền vững do nhiều yếu tố gây ra. Trong đó, phần lớn là do các doanh nghiệp chưa thật sự khai thác được lợi thế văn hóa ẩm thực của địa phương để tạo dấu ấn riêng. Bên cạnh đó, việc phân tích thị trường đúng và nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến ngành F&B dù phát triển nhưng lại không đồng bộ. Sự bùng nổ của công nghệ và nền kinh tế số tạo ra nhu cầu lớn đối với mô hình giao hàng tận nơi và các nhà hàng không tiền mặt, từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mô hình của mình.

Mong muốn trở thành một trong những giải pháp tiên phong giúp số hóa ngành F&B Việt Nam, ông Nguyễn Quyết Tâm, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vietiso đã phát triển một nền tảng số với tên gọi iTourism. Nền tảng này giúp các doanh nghiệp thu thập, phân tích thói quen tiêu dùng, từ đó đưa ra các gợi ý phù hợp, nâng cao khả năng giữ chân khách hàng và gia tăng doanh thu. Ngoài ra, với hệ thống đặt chỗ, gọi món thông minh và thanh toán số hóa, nền tảng này giúp tối ưu quy trình vận hành, giảm áp lực cho nhân sự và nâng cao hiệu suất kinh doanh.

Trước thực trạng ngành F&B thiếu sự đồng bộ, “làn sóng” du lịch bùng nổ đã trở thành một cú hích quan trọng, mở ra cơ hội phát triển các mô hình F&B mới. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón 66,5 triệu lượt khách, với 8,8 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 58,4% so cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, đối tượng khách du lịch ngày càng đa dạng, tạo ra nhu cầu phong phú đối với ngành F&B.

Lượng khách du lịch tăng, ngành F&B càng có cơ hội khai thác nhằm thu hút và giữ chân du khách. Trong đó việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc tối ưu hóa vận hành. Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment cho biết, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào mô hình chuỗi F&B không chỉ giúp đổi mới sáng tạo mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Một trong những yếu tố quan trọng là tận dụng “làn sóng công nghệ mới” để tối ưu hóa kinh doanh. TikTok gần đây đã đẩy mạnh việc giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, đặc biệt đối với các thương hiệu nhỏ. Ngoài ra, chi phí ứng dụng công nghệ cũng ngày càng rẻ hơn, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp F&B dễ dàng tiếp cận và triển khai các giải pháp hiện đại. Tuy nhiên giải pháp cốt lõi nằm ở việc kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa và chuyển đổi số, nhờ đó ngành F&B có cơ hội mở rộng chuỗi dịch vụ và nâng cao trải nghiệm khách hàng.