Chính thức ngừng bán SIM di động tại đại lý

Từ ngày 10/9, nhằm hạn chế tình trạng SIM rác tràn lan, các nhà mạng trên toàn quốc đã chính thức ngừng bán SIM di động tại đại lý, điểm bán. Động thái này phản ánh nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng các nhà mạng nhằm hạn chế tình trạng SIM không chính chủ (hay SIM rác) tràn lan trên thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Chính thức ngừng bán SIM di động tại đại lý

Dựa theo thống kê từ nhà mạng, trong số 1,5 triệu SIM mới ra thị trường gần đây, khoảng 80% SIM phát hành qua kênh đại lý, 10% trực tiếp từ nhà mạng và 10% qua kênh chuỗi, như các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn. Trong số đó, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều SIM không chính chủ nhất.

Tại buổi họp báo thường kỳ, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã cung cấp một số thông tin, số liệu mới về việc thanh lọc SIM rác, SIM không chính chủ.

Theo đó, có tổng số 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp bị xử lý sau đợt “truy quét” diện rộng, hay còn gọi là chuẩn hóa thông tin thuê bao, diễn ra từ ngày 31/3 tới ngày 15/5. Trong số này, 12,5 triệu SIM không chính chủ đã bị loại bỏ khỏi hệ thống, 7,15 triệu thuê bao phải chuẩn hóa lại thông tin.

Từ tháng 5, thanh tra Bộ cũng kiểm tra những chủ sở hữu hơn 10 SIM, nhằm bảo đảm thuê bao hoạt động đúng tên đăng ký, tức SIM chính chủ. Sau quá trình kiểm tra, có 3,6 triệu SIM trong tổng số 8,6 triệu phải đăng ký lại thông tin. Số còn lại bị khóa một chiều, hai chiều, hoặc thu hồi.

Trước đó, vào ngày 1/6/2020, ba nhà cung cấp dịch vụ di động có thị phần lớn nhất là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã tiên phong dừng phát hành SIM mới trên hệ thống kênh phân phối ủy quyền (đại lý, điểm bán). Các nhà mạng đã tự rà soát, đánh giá và thấy được trách nhiệm của mình trong việc không thể kiểm soát hoạt động của các đại lý. Từ đó đã dừng kênh đại lý để hạn chế phát hành thuê bao rác ra thị trường.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp thanh tra Bộ nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra các hành vi vi phạm và có thể đình chỉ phát triển thuê bao mới với nhà cung cấp vi phạm. Mục tiêu là xác định thuê bao di động phải trùng khớp giữa thông tin của người đến đăng ký với thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Với các nhà mạng, đang được yêu cầu trong tháng 9 này phải hoàn thiện bảo mật kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển thuê bao mới, hằng tháng phải báo cáo số liệu về Bộ, nếu đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia không đúng sẽ bị phạt.

Không chỉ SIM rác mới gây ra những cuộc gọi “quấy rối” mà ngay cả SIM chính chủ cũng là nguyên nhân của tình trạng này. Nguyên nhân một phần bởi hoạt động tiếp thị từ xa qua điện thoại (telesale) phát triển mạnh.

Hiện, Bộ TT&TT đã có phướng án nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng. Theo đó, các cơ quan, tổ chức như trường học, ngân hàng, bệnh viện cần chủ động phổ biến các số điện thoại và kênh liên lạc chính thống đến người sử dụng. Với người dùng cá nhân, cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin riêng tư, cảnh giác khi nghe và thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ, không có trong danh bạ. Bên cạnh đó, có thể chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc hoặc cảnh báo cuộc gọi rác/cuộc gọi lạ do nhà mạng cung cấp.