Rút kinh nghiệm và đổi mới việc bảo vệ cây xanh Hà Nội

Bão số 3 để lại nhiều bài học cho Hà Nội trong việc quản lý và chăm sóc cây xanh đô thị, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay. Tiếp nối một số bài đã đăng chung quanh việc dọn dẹp và chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp kỹ thuật, công nghệ để bảo vệ cây cối, Thời Nay đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội liên quan đến vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân dựng lại cây đổ sau bão số 3. Ảnh: HẢI NAM
Người dân dựng lại cây đổ sau bão số 3. Ảnh: HẢI NAM
Rút kinh nghiệm và đổi mới việc bảo vệ cây xanh Hà Nội ảnh 1

Phóng viên (PV): Việc dọn dẹp cây xanh sau bão số 3 thời gian qua có những điểm gì đáng chú ý, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hưng: Đến giờ, tổng kết lại những thiệt hại về hạ tầng thì mất mát lớn nhất của Thủ đô là cây xanh nhưng thời điểm bão về thì hệ thống thoát nước mới là điểm khiến chúng tôi lo lắng hơn cả. Hàng loạt kịch bản được đưa ra kèm theo đó là phương án ứng phó, sơ tán dân kịp thời. Rất may, kịch bản tồi tệ nhất đã không xảy ra!

Để dọn dẹp cây đổ, hệ thống đèn, điện hư hỏng sau bão, Trung tâm đã chỉ đạo các đơn vị huy động 100% lực lượng, phương tiện cùng sự hỗ trợ đến từ 10 tỉnh, thành phố, tổng cộng lên đến 1.002 người có chuyên môn. Ngoài ra, thực hiện phương án “4 tại chỗ”, mỗi quận, huyện huy động thêm khoảng 1.000 người từ lực lượng công an, quân đội, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… nhanh chóng giải tỏa cây gãy, đổ. Nhờ kịp thời vào cuộc nên rất nhiều cây đã được “hồi sinh” sau bão. Trong số 14.756 cây đô thị gãy, đổ, vừa qua chúng tôi đã trồng lại tại chỗ được 3.513 cây và đưa 608 cây về vườn ươm. Đặc biệt, phần lớn các cây di sản đều được cứu, chỉ thiệt hại hai cây ở 66 Phan Đình Phùng và đền thờ Lý Thái Tổ. Việc trồng cây đang được các quận, huyện lên phương án và sẽ tổ chức đấu thầu để triển khai trong thời gian sớm nhất.

PV: Siêu bão khiến hàng loạt cây bật gốc, tuy nhiên cũng xuất hiện những cây còn nguyên vỏ bọc rễ, cây tán rộng chưa kịp cắt cành. Vậy có nguyên nhân chủ quan nào trong sự việc lần này không?

Ông Nguyễn Đức Hưng: Thống kê trong số 11.756 cây đô thị bật gốc, có 12 cây còn nguyên vỏ bọc lưới, xi-măng, chiếm tỷ lệ 0,001%. Đây đều là vật liệu không tự tiêu hủy làm cản trở sự sinh trưởng của cây, thể hiện sự tắc trách của các nhà thầu trong thi công. Từ năm 2014-2015, TP Hà Nội đã sát sao chỉ đạo việc này và cơn bão Yagi vừa qua chính là một phép thử cho những cây trồng sai kỹ thuật như vậy. Chúng tôi đang tìm các nhà thầu thi công sai để yêu cầu chịu trách nhiệm.

Về nguyên tắc, rễ cây lan ra đất tương đương với độ xòe của tán nhưng riêng cây đô thị được trồng trên nền hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, đường điện, viễn thông) thì rễ không thể tương ứng với tán được. Đa phần cây trong khu vực nội đô đều được trồng trước khi chúng ta phát triển hạ tầng kỹ thuật. Bởi vậy có những vị trí chúng tôi phải cân nhắc giữa bài toán phát triển hạ tầng kỹ thuật hay lựa chọn cây xanh. Tuy nhiên, nhu cầu cây xanh của người dân vẫn rất lớn nên buộc phải để cả hai cùng tồn tại. Cũng bởi lý do này mà khi bão đổ bộ vào, tỷ lệ cây bật gốc của Hà Nội cao hơn.

PV: Về lâu dài, Hà Nội đã tính đến những phương án nào để làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát triển cây xanh?

Ông Nguyễn Đức Hưng: Xanh hóa các không gian công cộng bằng yếu tố cây xanh và phục hồi hệ sinh thái đô thị là giải pháp tối ưu nhằm khôi phục các giá trị tự nhiên trong đô thị hiện đại. Với các khu đô thị mới, được thực hiện theo quy hoạch bài bản từ đầu đều phải bố trí vị trí trồng cây lệch với hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm gia tăng tỷ lệ cây trồng theo đúng định hướng đô thị xanh của Thủ đô. Trong Luật Thủ đô mà tới đây được cụ thể hóa qua Nghị quyết của HĐND, cũng đề cập nhiều tới việc bảo vệ, phát triển tỷ lệ cây xanh của Hà Nội.

Riêng hệ thống cây đã có, để làm tốt hơn việc chăm sóc thường xuyên, chúng tôi đã tính tới ứng dụng các công nghệ hiện đại như sử dụng máy siêu âm cây để sớm phát hiện tình trạng mục ruỗng, sâu bệnh. Ngoài ra, trung tâm cũng đang số hóa cơ sở dữ liệu cây xanh để quản lý qua phần mềm, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Theo đó, mỗi cây sẽ được đặt một mã số, cập nhật đầy đủ lý lịch, tuổi, tình trạng trên hệ thống. Trước mắt là các cây di sản, cây trong khu vực nội đô rồi tiến tới các cây trên địa bàn toàn thành phố.

PV: Vậy các hạ tầng kỹ thuật khác có được số hóa để quản lý được kịp thời hơn trước các diễn biến bất thường của thời tiết không?

Ông Nguyễn Đức Hưng: Phần mềm như tôi vừa chia sẻ sẽ tích hợp cả cơ sở dữ liệu thoát nước, chiếu sáng, camera giao thông, đèn đường thông minh, cảnh báo ngập. Về nguyên tắc, các quyết định điều hành hạ tầng kỹ thuật như xả nước, thoát lũ, chiếu sáng, chăm sóc, cắt tỉa cây phải dựa trên thông tin định lượng như vậy. Trong tương lai, khi 5G phủ sóng, Hà Nội sẽ thành thành phố thông minh. Việc số hóa sẽ giúp công tác quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật được chuẩn xác, kịp thời hơn, nhất là trước các tình huống bất thường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Ông Nguyễn Đức Hưng: “Có thể nói, người Hà Nội đa phần đều rất yêu cây. Khi cắt tỉa hàng năm, chúng tôi thường xuyên nhận được ý kiến đa chiều từ phía người dân. Tuy nhiên sau cơn bão Yagi, chúng ta buộc phải rút kinh nghiệm. Hiện thành phố đã chấp thuận cho tăng tần suất cắt tỉa cây xanh, đồng thời với cây cao trên 20 m cho phép hạ độ cao liên tục trong 3 năm”.