Góp công, của xây dựng quê hương
Con đường liên thôn vào tổ 3 (thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) vốn nhỏ hẹp, có độ dốc cao, quanh co, vào mùa mưa hay lầy lội, gây trơn trượt dễ té ngã. Đầu năm 2024, khi huyện có chủ trương mở rộng đường, cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân hiến đất, góp công. 100% hộ dân hai bên đường đều đồng lòng hiến đất, phá dỡ tường rào, cổng ngõ, cây cối, đóng góp tiền của, ngày công.
Gia đình ông Nguyễn Hạnh (tổ 3) có nhà nằm ở mặt tiền đường tự nguyện hiến 70 m2 đất và tháo dỡ tường rào, bỏ ra 42 triệu đồng để đổ bê-tông mở rộng mặt đường đoạn trước nhà dài 30 m. Tương tự, sau khi họp bàn gia đình, hộ ông Đinh Văn Nhượng (tổ 3) tự nguyện dỡ bỏ tường rào để hiến 37 m2 đất. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thể (tổ 3) làm nghề máy ủi nên nhanh chóng hỗ trợ 10 công máy ủi và 50 m3 bê-tông trị giá 70 triệu đồng với mong muốn con đường sớm hoàn thành. “Hơn 80 năm sinh sống ở đây, tôi chứng kiến nhiều khó khăn, vất vả của nhân dân khi di chuyển trên con đường này, nhất là vào mùa mưa. Tất cả nhân dân tổ 3 đều mong mở rộng đường sá để thuận tiện di chuyển. Vì thế, khi có chủ trương, chúng tôi đồng lòng hưởng ứng để xây dựng quê hương, tất cả vì tương lai khởi sắc”, ông Đinh Văn Nhượng trải lòng.
Sau gần một tháng thi công, con đường bê-tông đi vào tổ 3 thay đổi hoàn toàn trước mùa mưa bão. Bề rộng mặt đường từ chưa đầy 3 m nay mở rộng lên 5 m. Hai bên đường, nhà cửa khang trang, tường rào cổng ngõ kiên cố, hàng cây xanh chạy dọc hai bên vệ đường, điểm tô thêm nét bình yên, xanh mát cho thôn xóm.
Nông thôn khởi sắc
Mở rộng các tuyến đường dân sinh, huyện Hòa Vang cũng tích cực vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường vào các công trình công cộng. Mới đây, 14 hộ dân tại thôn Phú Sơn Nam (xã Hòa Khương) đồng thuận hiến hàng nghìn m2 đất ở, đất trồng cây lâu năm để nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ Quốc lộ 14B vào Nghĩa trang liệt sĩ thành phố dài gần 1 km. Chị Phạm Thị Hai (thôn Phú Sơn Nam) là con liệt sĩ, tiên phong hiến hơn 200 m2 đất ở mà không đòi hỏi quyền lợi gì. “Việc hiến đất mở đường vào nghĩa trang thành phố là cách để chúng tôi tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập nên không vì lý do gì chúng tôi từ chối”, chị Hai xúc động nói. Nhiều hộ dân trồng cây lâu năm còn vui vẻ chặt hạ cây cối để thành phố mở bãi đỗ xe rộng hơn 3.000 m2 khi chưa áp giá đền bù. Ông Trần Văn Giáo, Trưởng thôn Phú Sơn Nam cho biết, việc vận động nhân dân đồng thuận mở đường không chỉ giúp thay đổi bộ mặt giao thông nông thôn, nhân dân đi lại thuận lợi mà còn góp phần xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV, từng bước đưa huyện Hòa Vang sớm được công nhận là thị xã.
Theo thống kê của UBND thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn lực thực hiện nông thôn mới trên địa bàn thành phố đạt gần 2.612 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, thành phố đầu tư, nâng cấp 73,2 km đường giao thông nông thôn, kiệt hẻm; 100 km điện chiếu sáng; 31 km đường giao thông nội đồng; 53,2 km kênh mương thủy lợi. Đồng thời đầu tư mới, nâng cấp 77 công trình trường học các cấp; 74 công trình văn hóa xã, thôn; 7 chợ nông thôn; nâng cấp 9/11 trạm y tế xã, giúp thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, chăm lo tốt hơn các nhu cầu của nhân dân.
Trên tinh thần xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, huyện Hòa Vang nói riêng, TP Đà Nẵng nói chung tiếp tục triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, chú trọng nông nghiệp đô thị giàu bản sắc. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 5 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Mới đây, Thành ủy, UBND thành phố đã cho phép các đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký hỗ trợ huyện Hòa Vang xây dựng nông thôn mới. Theo đó, đã có 33 đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký hỗ trợ 97 phần việc, nội dung với kinh phí hơn 16,7 tỷ đồng để giúp huyện.
Qua 10 năm (2012-2022) thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân huyện Hòa Vang đã hiến 178 nghìn m2 đất, đóng góp hơn 21 nghìn ngày công, phá dỡ tường rào, cổng ngõ, hoa màu với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng để mở rộng hơn 478 km đường giao thông nông thôn, góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.