Theo dõi chặt chẽ giá đất ngoại thành Hà Nội

Sau những chỉ đạo quyết liệt từ UBND thành phố Hà Nội về siết chặt công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tình trạng “sốt nóng” tuy có giảm bớt, nhưng chênh lệch giá đất vẫn cao. Các phiên đấu giá đất nền ở huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm với mức chung đấu giá cao, đấu giá qua đêm và số lượng hồ sơ lớn, trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng, gấp nhiều lần giá ban đầu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư tìm hiểu sơ đồ quy hoạch đất ven đô. Ảnh: NAM NGUYỄN
Nhà đầu tư tìm hiểu sơ đồ quy hoạch đất ven đô. Ảnh: NAM NGUYỄN

Giá trúng gấp nhiều lần mở thầu

Ngày 13/10, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai tổ chức đấu giá 54 thửa đất tại khu đất đấu giá thôn Sơn Trung, xã Yên Sơn.

Các thửa đất có diện tích từ 92,5-121,4 m2, giá khởi điểm gần 12,5 triệu đồng/m2. Sau gần 20 giờ với 12 vòng đấu giá, đến 1 giờ 30 sáng ngày 14/10, trong số 54 thửa đất được đưa ra đấu có giá trúng cao nhất là 54,48 triệu đồng/m2 và thấp nhất 44,48 triệu đồng/m2. Tổng số tiền huyện Quốc Oai thu được từ phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở đợt này là gần 242,6 tỷ đồng, cao hơn gấp 4 lần so mức giá khởi điểm.

Việc giá đất tăng gấp nhiều lần so giá khởi điểm không còn lạ với những người đầu tư. Bởi trước đó, tại các phiên đấu giá ở Thanh Oai, Hoài Đức, tình trạng đấu giá xuyên đêm, giá đất tăng gấp vài lần là hình ảnh thường thấy. Như ngày 10/8, huyện Thanh Oai tổ chức thành công phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội), có diện tích từ 60-85 m2 với giá khởi điểm từ 8,6 triệu đồng đến 12,5 triệu đồng/m2. Kết quả đấu giá trúng cao nhất lên đến 100,5 triệu đồng/m2; hầu hết các lô đất đều có giá trúng từ 63 - 80 triệu đồng/m2. So giá khởi điểm, giá trúng đấu giá các lô đất cao gấp từ 5 - 8 lần. Tại huyện Phúc Thọ, trong phiên đấu giá đất vào sáng 29/8, lô cao nhất giá trúng là 60 triệu đồng/m2, gấp 2,6 lần so giá khởi điểm. Lô thấp nhất có mức giá là 33,6 triệu đồng/m2, cao hơn 60% so giá khởi điểm.

Lý giải nguyên nhân này, ý kiến chuyên gia cho rằng, hiện nay quỹ đất khan hiếm, nên với đất đấu giá có đầy đủ giấy tờ pháp lý sẽ thu hút nhà đầu tư. Ghi nhận trên thị trường đất nền thời gian qua, dù giá tăng ở một số khu vực nhưng giao dịch vẫn khá trầm lắng. Thêm vào đó, với giá khởi điểm có thể nói là khá thấp, càng làm cho các phiên đấu giá căng thẳng và giá đất được đẩy lên cao. Tuy nhiên, so thời gian hồi giữa năm, mà đỉnh điểm là cuộc đấu giá ở Thanh Oai vào tháng 8, giá đất đấu giá đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hệ quả nhiều, khó ngăn chặn

Đấu giá đất là nguồn thu quan trọng cho ngân sách các địa phương để tái đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh. Do đó, đấu đất với giá cao sẽ giúp tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, giới đầu cơ đang lợi dụng đấu giá đất để đẩy giá bất động sản lên cao, không hiếm trường hợp đất được đẩy giá cao rồi bỏ cọc. Theo thông tin Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Thanh Oai, tính đến ngày 16/9 (thời điểm hạn nộp tiền trúng đấu giá đất tại Thanh Oai), đã có 55 lô đất còn lại chính thức bỏ cọc, trong đó có lô trúng giá cao nhất 100 triệu đồng/m2.

Đến ngày 29/9, Hà Nội đã hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại thửa đất L1 thuộc khu đất Lô C cụm công nghiệp Thanh Thùy (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội) của Công ty TNHH MTV Thương mại Đức Thành do tổ chức trúng đấu giá nộp không đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong vòng 120 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Việc đấu giá đẩy giá đất lên cao rồi bỏ cọc đang để lại hậu quả nặng nề mà Nhà nước vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Đất đấu giá bị đẩy lên cao có thể gây trở ngại cho công tác thẩm định giá đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến tạo sốt ảo dẫn đến giá nhà ở bị kéo lên cao, gây nhiễu loạn thị trường, hạn chế giấc mơ an cư của những người có nhu cầu ở thật.

Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc đẩy giá đất lên cao tạo ra lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu tư. Người dân cần cân nhắc kỹ, thận trọng với quyết định mua đất tại các khu vực này. Nếu muốn đầu tư đất nền lúc này, nhà đầu tư nên tìm tới những khu vực, địa phương có hạ tầng đồng bộ, kinh tế phát triển tốt nhưng giá đất chưa tăng quá nhiều thời gian qua và phải đến quý II/2025 thị trường đất nền mới thấy rõ sự tích cực ở nhiều nơi.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa chủ trì cuộc họp với đại diện 21 tỉnh, thành phố về triển khai điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cảnh báo: “Nếu không điều chỉnh bảng giá đất sẽ dẫn tới hiện tượng lợi dụng như đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực chung quanh. Thậm chí, sau khi đấu giá, một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, bỏ cọc. Do đó, các địa phương phải cẩn thận khi xây dựng phương án đấu giá đất”.