Theo Sở Y tế, những năm qua, nhất là sau đại dịch Covid-19, nhiều vấn đề mới phát sinh trong công tác quản lý hành nghề y, dược trên địa bàn. Số cơ sở hành nghề ngày càng tăng, hiện đã có hơn 9.000 cơ sở y và gần 11 nghìn cơ sở dược. Trong số đó, hơn 99% là cơ sở tư nhân. Vấn đề “lấn sân” của một số cơ sở làm đẹp sang lĩnh vực y tế ngày càng gia tăng, người hành nghề quá phạm vi chuyên môn cho phép đang khó kiểm soát.
Xác định việc xây dựng ứng dụng kết nối các nguồn dữ liệu lẫn nhau sẽ giúp cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc của các phòng chức năng, vì vậy, Cổng tra cứu thông tin hành nghề đã ra đời. Đây là nỗ lực sau nhiều năm chuyển đổi dữ liệu giấy sang dữ liệu số của các phòng chức năng cùng với sự tích cực cung cấp thông tin của các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn.
6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra 310 cơ sở, trong đó kiểm tra đột xuất 182 cơ sở, ban hành 246 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt hơn 10,7 tỷ đồng. Trong kiểm tra đột xuất, hành vi bị phạt cao nhất là quảng cáo trái phép với 75 cơ sở, chủ yếu quảng cáo sai sự thật về phẫu thuật thẩm mỹ, tiếp đến là vi phạm khám, chữa bệnh không phép với 45 cơ sở. Thanh tra cũng đã đình chỉ có thời hạn 44 cơ sở, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh 27 cơ sở, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 44 cá nhân. Sở Y tế đã lập danh mục các địa chỉ “đen”, các công ty có hành vi liên tục vi phạm, coi thường pháp luật nhằm đấu tranh, bảo vệ sức khỏe người dân.
“Cổng tra cứu thông tin hành nghề y, dược” được thử nghiệm thành công, ngoài việc giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin các cơ sở cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh để chọn nơi khám bệnh phù hợp, ứng dụng còn giúp cán bộ, công chức Sở Y tế chuyển từ bị động sang chủ động phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh. Đồng thời giúp công khai, minh bạch, tăng cường truyền thông, giúp người dân có đủ thông tin để chọn lựa cơ sở khám, chữa bệnh tốt nhất.
Trước đó, Hệ thống Cảnh báo tình hình tài chính bệnh viện (HFS) đã được đưa vào vận hành ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các bệnh viện công lập tự chủ tài chính rất cần một hệ thống có khả năng giám sát toàn diện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn để các nhà quản lý chủ động điều chỉnh chiến lược tài chính kịp thời. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là một giải pháp chiến lược nhằm nâng cao tính minh bạch, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của bệnh viện. Hệ thống có thể tùy chỉnh linh hoạt theo quy mô của từng bệnh viện, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ và dữ liệu đóng vai trò quyết định.