Theo số liệu từ Sở Công thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 455 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 59 chợ hạng 2, 350 chợ hạng 3 và 31 chợ chưa phân hạng. Trong đó có 2 chợ đầu mối (gồm chợ đầu mối Minh Khai, chợ đầu mối phía nam) và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối (gồm chợ Long Biên có tính chất đầu mối hoa quả và rau các loại, chợ cá Yên Sở có tính chất đầu mối thủy sản, chợ gia cầm Hà Vĩ có tính chất đầu mối gia cầm, thủy cầm, chợ Nành có tính chất đầu mối vải vóc, quần áo, chợ hoa Quảng An có tính chất đầu mối hoa). Các chợ truyền thống đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận và 70% nhu cầu của người dân ngoại thành. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ xuống cấp không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, văn minh đô thị.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương và UBND các quận, huyện, thị xã đã đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp xây mới hệ thống chợ truyền thống. Trong đó, hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động 4 chợ mới, gồm: Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), chợ Trung tâm thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) và chợ Châu Long (quận Ba Đình). Về cải tạo, nâng cấp chợ, đến hết tháng 10 năm nay, các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành cải tạo 19/38 chợ. Đối với các điểm kinh doanh tự phát trái phép, đến nay, các lực lượng chức năng đã giải tỏa 176/213 tụ điểm. Hiện, còn tồn tại 37 tụ điểm trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Đống Đa. Dự kiến lộ trình xóa bỏ dứt điểm các điểm này hoàn thành chậm nhất trong năm 2025.
Thực hiện chỉ tiêu về đầu tư, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025 trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy với tổng số 38 chợ, trong đó có 17 dự án chợ xây mới và 21 chợ cải tạo, sửa chữa, dự kiến đến hết năm 2024, thành phố sẽ xây mới thêm 4 chợ (đạt 8/21 chợ), hoàn thành cải tạo thêm 7 chợ. Đến hết năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành xây thêm 2 chợ mới trên địa bàn các quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, đồng thời hoàn thành cải tạo thêm 10 chợ. Về xây dựng chợ mới, thành phố đề nghị các quận, huyện khuyến khích xã hội hóa, nếu không thực hiện được thì bố trí cân đối trong ngân sách. Sau khi chợ xây xong yêu cầu người dân, các hộ kinh doanh đưa hàng vào chợ phải cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc xuất xứ, hướng tới mua sắm không sử dụng tiền mặt.
TP Hà Nội cùng các ban, ngành liên quan sẽ xây dựng phát triển chợ cá Yên Sở thành chợ đầu mối hải sản lớn của thành phố theo mô hình thu hút tất cả các loại hải sản tươi sống nước mặn, nước ngọt từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước và kết nối với ngành du lịch thiết kế các tour, tuyến để du khách có thể tham quan, đồng thời được thưởng thức ẩm thực hải sản tại chỗ. Về chợ Đồng Xuân, khuyến nghị quận Hoàn Kiếm nghiên cứu đưa các đặc sản vùng, miền, sản phẩm OCOP của thành phố và các tỉnh, thành phục vụ khách du lịch, tham quan chuỗi khu phố cổ, chợ truyền thống trên địa bàn.