Chìm nổi Triêm Tây (kỳ 2)

Kỳ 2: Làng đìu hiu
0:00 / 0:00
0:00
Một góc sông Thu Bồn bên làng Triêm Tây.
Một góc sông Thu Bồn bên làng Triêm Tây.

Cầu Cẩm Kim mới khánh thành chưa lâu. Đường từ phố Hội sang Triêm Tây (Điện Bàn, Quảng Nam) giờ khá đơn giản, hai cái cầu, đi ngả nào cũng nhanh. Triêm Tây lên phố, giá đất còn tăng nữa. Nhưng làng du lịch cộng đồng Triêm Tây thì đã dần trôi vào dĩ vãng.

Ghi giữa hai đường Chè Tàu

Bà Biên, nghệ nhân chiếu cuối cùng của Triêm Tây hồ hởi mời chúng tôi vào nhà, dù nom chúng tôi chẳng có dáng vẻ gì là những người khách sộp sẽ mua nhiều chiếu. Bà cứ chép miệng, bảo hôm qua có một đoàn đặt bà trước, bà gọi mấy người tới biểu diễn dệt chiếu, lúc đó mới vui, chứ hôm nay nhà có hai chị em bà, đìu hiu quá. Nghề dệt chiếu lác Triêm Tây, thực ra cũng đã mai một kha khá, ngay cả từ dạo làng này bắt đầu nổi lên nhờ du lịch. Muốn xem làm chiếu, giờ người ta cũng chỉ tìm tới bà Biên. Một tháng bà làm 50 kg cói, mỗi tuần làm khoảng 20 tấm chiếu tùy độ to nhỏ. Một chiếc chiếu 500 nghìn đồng, dệt tầm một ngày. Trừ các chi phí mỗi người cũng được 100-200 nghìn đồng tiền công.

Ấy là nếu khách mua đều.

Năm 2017, dự án UNESCO hỗ trợ bà 20 triệu đồng, đủ dựng một căn nhà trưng bày, rồi bà bày khung dệt, bày cói, có khách đến thăm thì dệt cho khách xem, rồi bán hàng. Cho tới trước đại dịch Covid-19, căn nhà của bà cũng gọi là khách đi đến dập dìu.

Cây cầu Cẩm Kim hoàn thành, nhà bà đâm ra lên phố. Chỉ vu vơ mấy căn nhà lớn, bà Biên bảo đất Triêm Tây giờ lên giá lắm, người ta cứ vào hỏi mua suốt. Mấy nhà to to kia là người nơi khác đến mua đất rồi xây đấy. Nhà bà vẫn là cái hàng rào Chè Tàu, như cái tên Chè Tàu, nhà một tầng mái ngói.

Bây giờ ít khách, có vẻ cầu xong người ta lại ít tìm đến Triêm Tây, nghịch lý là vậy. Bà Biên bảo tháng rồi có hai đoàn, còn thì lẻ tẻ tới như chúng tôi cũng có, nhưng chủ yếu đến nói chuyện, chứ bán hàng cũng ít lắm. Đơn hàng lớn gần đây nhất bà có cũng là 6-7 năm trước, cho vài trăm chiếc chiếu xuất đi Hàn Quốc. Từ sau đại dịch, mấy khách Hàn, Nhật đó cũng chưa thấy ghé lại. Cũng may nhà vẫn còn nghề khác, làm chiếu xét cho cùng cũng là một đam mê, tháng túc tắc đôi ba triệu, trách nhiệm giữ nghề mà thôi. Chứ bảo như xưa một nghề chiếu nuôi cả nhà học đại học là không tưởng rồi. Sau bà, cũng chưa biết sẽ truyền cái cơ sở dệt chiếu này cho ai. “Giờ chiếu dệt máy Trung Quốc nhanh mà rẻ, dệt thủ công thế này lâu, công cao”, bà giãi bày. Ba đứa con bà Biên, đứa bán hàng trong phố cổ, đứa làm ngân hàng, đứa làm du lịch.

Nếu du lịch Triêm Tây vẫn rộn ràng, cô Biên hẳn cũng không đến nỗi phải thở vắn than dài vì ít cơ hội biểu diễn dệt chiếu.

Chìm nổi Triêm Tây (kỳ 2) ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Biên, người làm chiếu hiếm hoi còn lại.

Sự kết nối đứt đoạn

Bà Nguyễn Thị Than, thành viên ban chủ nhiệm Tổ cộng đồng nói tổ đã giải thể. Các thành viên mở dịch vụ kinh doanh riêng, vẫn là ăn uống, lưu trú, hướng dẫn du khách. Nhưng giờ, mỗi người một việc. Thật ra, HTX cũng đã có nhiều vấn đề từ lâu, cũng bầu bán lại, nhưng dịch giã, rồi nhiều câu chuyện hậu trường khiến mỗi người mỗi ngả. Dọc con đường nhựa mới, nối từ cầu Cẩm Kim xuống thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), có mấy căn nhà kiểu truyền thống, mà nhìn ra ngay là phong cách của mấy căn homestay. Có điều, trước cửa nhà cỏ dại mọc um tùm, nhà cửa đóng then cài. Bà Than bảo trước kia nhiều homestay họ làm đẹp lắm, mà giờ không làm ăn được, người ta cũng bỏ rồi. Chị Trang, chủ nhà hàng Bến xưa, bảo trước kia nhà hàng chị người ta hay dẫn khách đoàn đến. Nhưng giờ chủ yếu là khách lẻ, thu nhập giảm 2/3 so với trước. Nhà hàng này chị đầu tư cũng nhiều, nhưng vừa hồi vốn thì đại dịch. Mà kiểu nhà mái lá, sàn tre nứa, chi phí sửa chữa nhỏ nhiều, mỗi năm đều phải tốn kém một khoản để duy trì.

Những người năm xưa mở đường ở lại với Triêm Tây, cũng đang đeo đuổi những mục đích riêng. “Cộng đồng”, là một khái niệm mỗi người hiểu mỗi khác. Tính ra, Triêm Tây từ lúc nhộn nhịp, tới khi rơi vào cảnh đìu hiu, chỉ vỏn vẹn vài năm. Có nhiều cách để lý giải cho sự thoái trào quá sớm của một làng du lịch đã từng là điển hình cho mô hình cộng đồng, là niềm cảm hứng của không ít làng cộng đồng khác.

Ông Vũ Đức Sinh bảo: “Cũng không phải thôi luôn đâu, giờ vẫn còn những tour, vẫn còn làng nghề, vẫn còn điểm đến thí dụ thăm làm chiếu, thăm nhà cổ, làng nghề làm hương, tráng mì…”. Nhưng ông cũng nói đó là hoạt động cầm chừng, vì dù không ai muốn, Triêm Tây càng gần phố, lại càng mất đi cái đặc trưng mà du khách muốn kiếm tìm ở một ngôi làng.

Có người nói nguyên do là cây cầu Cẩm Kim bắc qua sông. Cây cầu kéo theo con đường thẳng tới Duy Phước (Điện Bàn), chia đôi đường Chè Tàu, chia đôi Triêm Tây. Hàng Chè Tàu từng là biểu tượng Triêm Tây giờ nhiều chỗ thành hàng rào kiên cố, ruộng lúa hữu tình giờ là con đường bê-tông xe cộ qua lại ồn ào. Mà có cầu, làng lên phố, đất cũng lên. Nhiều người bán đất, cầm tiền bỏ đi. Âu cũng là nghịch lý, bởi năm xưa người ta nỗ lực bao nhiêu để giữ làng, thì bây giờ, làng gần phố, nhiều người lại rời làng.

Bản thân ông Sinh trước cũng có căn homestay mà cô Than bảo đẹp nhất nhì làng, nhưng giờ ông đã bỏ ra một làng khác, cách đó vài chục cây số để thử một dự án mới. “Ngày trước thời đỉnh cao chúng tôi thu được vài trăm triệu đồng một năm. Giờ khách họ đến, đi trong ngày và về Hội An chứ không lưu trú như trước đây”, ông Sinh lý giải về sự rời bỏ Triêm Tây của mình. Nói như dân làng, Triêm Tây đi trước trong du lịch cộng đồng, nhưng giờ về sau Cẩm Kim.

TS Ngô Đào thở dài rằng, Triêm Tây không còn mô hình như cái làng như ngày xưa. “Nó mất đi sự kết nối làng: người trẻ thì bỏ đi, đi làm du lịch, đi làm thợ, đi ra ngoài kiếm tiền, làng chỉ còn lại lèo tèo những người già”. Một số homestay hay mô hình du lịch mới mở ở Triêm Tây, nhưng đa phần là người nơi khác tới, họ làm theo cách riêng họ và sự kết nối làng xã đặc trưng gần như không còn. Bà Đào cũng nói, cây cầu thật ra đã góp phần phá thêm cái kết nối đó. “Nó cắt đứt mọi mối liên kết, kể cả về mặt thể lý cũng như mặt tinh thần của một khu vực, của một cộng đồng. Cái sự chia cắt đấy nó mang lại nhiều hiểm họa. Về mặt không gian nó cắt đôi ngôi làng, nó không còn cấu trúc hữu cơ làng như ngày xưa. Rồi cái khái niệm nông thôn mới, nó cũng là một con dao sắc”.

Nhưng bà Đào nói cũng chẳng thể đổ lỗi khách quan, vì bản thân Triêm Tây, trong giai đoạn bước ra ánh sáng, đã mong manh rồi. “Nếu giữ được sự kết nối nội tại của nó thì các tác nhân bên ngoài, như sự xuất hiện cây cầu hay bất cứ thứ gì cũng khó phá vỡ nó nhanh như thế. Tuy nhiên, vấn đề là sự kết nối nó mới đang còn manh nha như thế, thì những sự xuất hiện các nhân tố mới ập đến. Câu chuyện ở đây sức mạnh nội tại phải được xây dựng một cách có lộ trình. Câu chuyện có lộ trình lại phải quay trở lại với câu chuyện quy hoạch, quy hoạch đô thị, quy hoạch làng xã, quy hoạch các khu du lịch ở Việt Nam”.

Triêm Tây cùng lúc đối mặt với quá nhiều tác động: đại dịch Covid-19 với sự đóng băng của ngành du lịch gần ba năm trời, cho đến thời điểm hiện tại, lượng khách quen vẫn chưa thể quay lại. “Khách Âu, Mỹ ít, khách mang lại doanh thu nhất là Trung Quốc cũng chưa phục hồi”, ông Sinh nói. Cây cầu hiện đại kéo theo sự hiện đại hóa và cảnh quan tuyến du lịch cũ bị biến dạng. Việc đô thị hóa khiến tuyến của tour bị thay đổi, một số điểm phải điều chỉnh. Và cả những mâu thuẫn nội tại của ngôi làng, mâu thuẫn làng xã đẩy lên thành những khúc mắc luật pháp.

Cũng chẳng thể đưa ra đánh giá hay kết luận gì từ câu chuyện Triêm Tây. Chỉ đôi lúc có một chút tiếc nuối một dự án đã từng thành công đến thế. Nhưng biết đâu, đó là cách mà ngôi làng cần có, để chuẩn bị cho một cuộc biến đổi nào khác? Dù sao, Triêm Tây cũng đâu phải lần đầu biến đổi.

Chìm nổi Triêm Tây (kỳ 1)