Chìm nổi Triêm Tây (kỳ 1)

Kỳ 1: Từ làng bỏ hoang tới điểm sáng du lịch ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Một khu du lịch sinh thái ở Triêm Tây.
Một khu du lịch sinh thái ở Triêm Tây.

Đứng bên bờ kè tre của làng, ông Được chép miệng, bảo nơi này hơn 10 năm trước, suýt bỏ hoang. Đây là vùng đất dễ sạt lở. Người dân bắt đầu bỏ dần làng, di cư lên Triêm Đông. Ông Được chỉ ra bãi bồi lấp ló giữa sông Thu Bồn, bảo năm 2000, nhà ông còn ở đó. Từng này tuổi, ông đã có bốn lần chuyển nhà để tránh sạt lở.

Giữ làng tới bỏ làng

Bà Nguyễn Thị Than thì vẫn nhớ thời kỳ trước 2010, có những lúc đang đứng mà nhìn cả bụi tre to đổ ào xuống lòng sông, mà phút chốc nước đã cuốn đi mất hút. Nhà bà Than ở trong diện bảy nhà mà UBND xã trực tiếp xuống vận động di dời: “Chính quyền họ đưa đi, chúng tôi được cấp đất ở chỗ gần UBND xã Điện Phương, nguyên cái xóm trên đi hết, nguyên một cái xóm đấy”, bà kể. Nhưng bà tiếc mảnh đất tổ tiên, bà cứ trì hoãn tìm cách ở lại.

Năm 2009, KTS Bùi Kiến Quốc bắt đầu thuê đất nơi sạt lở 50 năm, rồi bỏ tiền ra kè. Bà Than cũng đi theo nhìn cách ông Quốc làm, xem máy múc, bơm xi-măng. Thấy ông Quốc làm thành công, nhà bà Than cũng bảo nhau học theo. Trước năm 2010, mấy nhà quanh chỗ bà Than phải bỏ ra 70-80 triệu đồng để đắp bờ, đó là một con số khổng lồ với họ. Có kè rồi, họ đem đước về trồng. Thế mà bà và ba nhà hàng xóm giữ được nhà thật.

“Ông ấy có công rất lớn, nhờ ông ấy mà giữ được Triêm Tây”, ông Được bảo. Năm đó ông Được không bỏ làng, chỉ dắt díu gia đình chạy lũ, là bởi vẫn còn niềm hy vọng với mảnh đất này. Ngay cả thời điểm hiện tại, cách làm của ông Quốc còn gây tranh cãi, người dân Triêm Tây vẫn dành sự trân trọng cho người KTS đã tìm ra cách thắng dòng chảy để giữ làng.

Năm 2015, TS Ngô Đào cũng thực hiện một dự án chống sạt lở tại làng. Kè mềm có năm bậc làm bằng tre, đất, nhiều có thể tới 6-7 bậc, tùy theo độ dài. Từ bậc này, đắp theo kiểu làm ta-luy, đổ đất vào trồng cây, chính những cái cây sẽ đóng vai trò là vệ sĩ cho đất. Năm đầu tiên, bà Đào thử nghiệm 700 cây dừa nước, chuyển từ Cẩm Thanh ra. Nhưng chỉ một cơn sóng nhẹ, 700 cây dừa đi mất. Bà Đào ngồi thẫn thờ bên sông một buổi. Năm tiếp theo, bà trồng tiếp 1.500 cây dừa nước và cây mắm, nhưng cơn lũ lịch sử tiếp tục cuốn tất cả công sức của họ ra biển. Người phụ nữ này lại tiếp tục rong ruổi khắp Quảng Trị, Huế, mỗi nơi dừng lại một ít, để tìm ra loại cây có thể trụ được bên bờ sóng. Thử thêm vài bận, bà dừng lại ở cây bần. “Cây dừa nước có cái bẹ to, hợp với những nơi như Cẩm Thanh, ngập mặn nhưng ít có sóng ngầm ổn định. Nhưng không hợp với Triêm Tây vì sóng ở đây không ổn định, với kết cấu bẹ như dừa nước nó chỉ cần xoáy nhẹ là bay đi hết. Cây đước và cây mắm lại cũng không hợp, dễ bị sóng cuốn. Cây tre cũng không thích hợp, những bụi tre tiết diện lá tre rất nhiều, dễ bị cuốn xuống sông. Rồi tôi thấy cây bần rất phù hợp: bộ rễ thở của nó lại chổng ngược lên, phật phờ trên mặt nước, nó lại rất mềm, tích bùn tốt. Rễ chính ăn sâu bên dưới, rễ thở chổng lên trên… đó là một cấu trúc linh động, nó thích hợp với các đợt sóng, có thể cản các đợt sóng mạnh, làm chậm lại và giữ bùn tốt”. 4.000 cây bần được mang về trồng trên độ dài 800 m bờ kè Triêm Tây và Cẩm Kim. Đợt lũ 2020, sóng cuốn một nửa, nhưng đất giữ được. Thử nghiệm kè mềm có vẻ khả quan, bà Đào tiếp tục trồng.

“Đánh giá thành công hay không là chuyện khác, mất một nửa số cây nhưng giữ được đất, mình sẽ trồng thêm cây để giữ, đó mới là bền vững”, bà Đào bảo. Dãy bần 7.000 cây của bà Đào từ những cây cao 80 phân giờ đã mọc thành rừng, bộ rễ như bà mô tả là “tuyệt vời” và trở thành một hệ sinh thái vàng.

“Ông Quốc kè cứng, bà Đào kè mềm, có chênh nhau”, ông Được bảo. Đánh giá kỹ hơn, chắc phải cần cả những hội thảo. Nhưng Triêm Tây, cuối cùng có thể yên tâm mà không phải nơm nớp lo sợ những cơn lũ.

Làng du lịch điển hình

Giữ được làng, người ta bắt đầu nghĩ tới những điều xa hơn.

Năm 2013, KTS Bùi Kiến Quốc khai trương khu du lịch. Triêm Tây lâu lắm rồi mới vui như thế. Lúc đó, để vào Triêm Tây, chỉ có cách đi đò từ phía làng gốm Thanh Hà sang. Đò cập ngay khu sinh thái của ông Quốc. Đó là mô hình nghỉ dưỡng đầu tiên của Triêm Tây.

Triêm Tây chính thức triển khai năm 2015, dự án “Phát triển làng du lịch cộng đồng Triêm Tây” và trở thành một trong những mô hình du lịch cộng đồng thành công trên địa bàn tỉnh. Đó là một hướng đi khác với KTS Bùi Kiến Quốc. Dự án có sự tham gia tư vấn của UNESCO và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Trung tâm Văn hóa thông tin Điện Bàn, với việc thành lập một Tổ nòng cốt hỗ trợ phát triển du lịch thị xã gồm bảy thành viên, được cán bộ dự án Văn phòng UNESCO và ILO tại Hà Nội chuyển giao kiến thức tổng quát về phương pháp lập kế hoạch phát triển một điểm du lịch tại địa phương, đã kỳ vọng sẽ thành hình mẫu để có thể áp dụng vào Triêm Tây cũng như những nơi khác. Một loạt các dự án được tiến hành: xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng Triêm Tây; xây dựng cầu neo tàu và nhà đón tiếp tại bến thuyền Triêm Tây; cải tạo mô hình homestay trong làng; đầu tư hạ tầng điện thủy lợi tại vườn cộng đồng Triêm Tây; xây dựng nhà vệ sinh công cộng Triêm Tây; đầu tư cải tạo tuyến đường chính tại làng Triêm Tây... Những điểm đến như nhà trưng bày dệt chiếu, nhà cổ ông Phó Ba, nhà cổ ông Nghè Phụng, giếng cổ, cây thị trăm tuổi, nghề đắp vẽ nghệ thuật bằng xi-măng, miếu thờ Thành hoàng, lăng Ngũ Hành Tiên Nương, cồn hoang Triêm Tây, cồn Hến, lạch Bến Quế… cũng mở cửa đón khách.

Năm 2016, Triêm Tây có cây cầu sắt nối từ Hội An sang.

Ông Vũ Đức Sinh, nguyên Chủ nhiệm Tổ nòng cốt kể những năm 2017-2019 là thời hoàng kim của du lịch cộng đồng Triêm Tây. Có tháng cả vài trăm lượt khách. “Cứ trung bình ngày có hai tour, mình dẫn khách trải nghiệm trong làng, khách đi bộ xuyên làng”. Mỗi người trong HTX mỗi tháng cũng thu nhập thêm 5-6 triệu đồng/tháng. Người dân làng đều chung tay làm du lịch. Đến hết năm 2017, tổng lượng khách đến tham gia các dịch vụ tại Triêm Tây ước tính gần 10.000 lượt người, doanh thu hoạt động gần 900 triệu đồng. Tháng 3/2017, Triêm Tây được Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên trao chứng nhận danh hiệu “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN 2017 - 2019” (ASEAN Community Based Tourism 2017 - 2019).

Làng quê ven phố Hội gặp cơn mưa lời khen, đầy sự hy vọng, với hơn 15 dự án hứa hẹn đầu tư, giá đất cũng tăng chóng mặt. Đó là một công cuộc có thể coi như kỳ tích, về những người chiến thắng dòng chảy thiên nhiên, kè đất giữ làng, bám làng. Một ngôi làng cộng đồng với nhiều hứa hẹn về một vùng quê Việt đặc trưng, thu hút du khách.

Có điều, thời hoàng kim ấy đến và đi rất nhanh.

(Còn nữa)