Chiến thắng phi thường của bản lĩnh và tinh thần bất khuất

Ngày 6/1/1973, Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở lại bàn đàm phán Paris mang theo ánh hào quang của chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Một thành viên cao cấp trong đoàn đàm phán Mỹ đã nói với Cố vấn Lê Đức Thọ rằng: "Nếu các ngài chỉ anh hùng không thôi thì các ngài đã bị chúng tôi nghiền nát; nhưng các ngài còn biết đánh"(1).
0:00 / 0:00
0:00
Đội trực chiến của dân quân Từ Liêm, Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, tháng 12/1972. Ảnh tư liệu
Đội trực chiến của dân quân Từ Liêm, Hà Nội sẵn sàng chiến đấu, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, tháng 12/1972. Ảnh tư liệu

Vị chính khách đó phần nào đã nói đúng, chiến thắng "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không" không chỉ là thắng lợi của bản lĩnh và lòng dũng cảm của con người Việt Nam, mà còn là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là thắng lợi của sức sáng tạo và trí tuệ Việt Nam. Thắng lợi đó là kết quả của một quá trình chủ động chuẩn bị về tư tưởng; xây dựng, tổ chức lực lượng và thế trận; của tâm thế giành và giữ quyền chủ động không chỉ trong trận "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972, mà trong cả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Dám đánh và quyết thắng

Ngày 18/6/1965, Sư đoàn 3 thuộc Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ chính thức sử dụng B-52 tiến hành phi vụ oanh kích rải thảm đầu tiên xuống khu vực Bến Cát (tây bắc Sài Gòn). Sự xuất hiện của "Siêu pháo đài bay B-52" trên chiến trường Việt Nam đã gây ra nỗi lo lắng và hoang mang cho không ít người. Phải chuẩn bị tâm thế để đương đầu với loại phương tiện chiến tranh tối tân này. Đó là quyết tâm của quân và dân Việt Nam lúc bấy giờ. Đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đoàn Phòng không Tam Đảo (ngày 19/7/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Dù Đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng"(2). Lời căn dặn đó của Người là "liều thuốc tinh thần" giúp cho quân và dân ta củng cố thêm niềm tin dám đánh và quyết đánh thắng, ngay từ khi những chiếc B-52 đầu tiên xuất hiện và tham chiến trên bầu trời Việt Nam.

Cùng với sự chủ động chuẩn bị về tư tưởng, một thế trận phòng không nhân dân đất đối không đã được chúng ta chủ động xây dựng ngay từ khi đế quốc Mỹ chuẩn bị leo thang ra đánh phá miền bắc.

Giữa năm 1966, thấu triệt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Muốn bắt cọp phải vào tận hang", Trung đoàn tên lửa 238 (mang mật danh Đoàn Hạ Long) đã được đưa vào Vĩnh Linh chiến đấu, đúc rút kinh nghiệm đánh loại "siêu pháo đài bay" B-52. Đầu năm 1968, một bộ phận cán bộ tham mưu và phi công của binh chủng Không quân, rồi tiếp đó là một trung đoàn radar dẫn đường đã được đưa vào tuyến lửa Khu 4 để trực tiếp quan sát, tìm hiểu quy luật hoạt động cũng như cách thức tiêu diệt B-52 cả ban ngày lẫn ban đêm. Tập "Cẩm nang đánh B-52" - kết quả của quá trình dày công nghiên cứu và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu của các đơn vị đã trực tiếp đối đầu B-52, được ra đời từ rất sớm.

Trước khi đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội và Hải Phòng cuối tháng 12/1972, quyết tâm của Đảng, Chính phủ; nhiệm vụ của quân và dân miền bắc nói chung, Hà Nội, Hải Phòng nói riêng đã được truyền đạt và thẩm thấu đến từng đơn vị vũ trang, từng người dân, từng tổ chức đoàn thể quần chúng; đến từng ngõ phố, trường học, nhà máy, công trường; đến với từng làng quê... Cùng với việc chuẩn bị và từng bước hoàn thiện các phương án đánh trả, công tác phòng tránh cũng đã được chuẩn bị chu đáo và triển khai hiệu quả. Người già, trẻ em được sơ tán đưa ra khỏi thành phố để bảo đảm an toàn. Công nhân tham gia tự vệ xí nghiệp vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến đấu. Nông dân ngoại thành vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu... Chỉ riêng ở nội thành Hà Nội, 55 vạn người đã được sơ tán ra khỏi thành phố an toàn. 1.136km hào giao thông, 630.000 hố cá nhân, 187.519 hầm kèo "chữ A", 387.000 căn hầm trú ẩn tập thể... đã được quân và dân Thủ đô thực hiện. Ta đã thành lập tám đại đội tự vệ tập trung thoát ly sản xuất. Trong nội thành, mỗi khu phố đều có một đại đội pháo phòng không 100 ly. Mỗi cơ quan, xí nghiệp có từ 70 tự vệ trở lên đều tổ chức một đội chiến đấu được trang bị súng máy 12,7 và 14,5 ly... Ở khu vực ngoại thành, mỗi huyện đều tổ chức 1 đại đội tập trung làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu tại chỗ. Cả thành phố có trên 54.000 dân quân tự vệ; tổ chức 414 trạm, 34 đài quan sát để phát hiện náy bay địch, thông báo kịp thời cho các lực lượng phòng tránh, đánh trả. Hệ thống trận địa bắn máy bay tầm thấp của dân quân tự vệ được giăng khắp các khu nội thành và huyện ngoại thành với 192 trận địa, 721 súng máy phòng không.

Cuộc đọ sức của ý chí và tinh thần sáng tạo

Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng nói riêng, miền bắc nói chung bước vào trận với một tâm thế hiên ngang, chủ động, không bị bất ngờ trước quy mô, thủ đoạn đánh phá xảo quyệt và tàn bạo của không quân Mỹ. Thủ đô Hà Nội và hậu phương lớn miền bắc chẳng những không bị hủy diệt "trở về thời kỳ đồ đá", mà còn trụ vững; mạch máu giao thông bắc-nam không bị ngắt quãng, hoạt động chi viện cho chiến trường miền nam vẫn được duy trì và thậm chí còn được đẩy mạnh hơn. Một nhà báo phương Tây có mặt ở Thủ đô trong những ngày tháng 12 khói lửa năm 1972 đã mô tả:

"Tiếng bom B-52 đường như đã gây chấn động trên thế giới nhiều hơn là ở Hà Nội. Hà Nội tuy vắng bóng trẻ em nhưng thay vào đó là những nam nữ thanh niên súng trường khoác vai nhởn nhơ với chiếc xe đạp cũ kỹ và ném ra đường những chuỗi cười giòn tan... Chợ vẫn họp sớm trước khi mặt trời mọc. Hai bên đường ẩn dưới những tán cây chi chít những hầm trú ẩn hình tròn... Máy bay B-52 của Mỹ tới giữa mùa cưới của Hà Nội vẫn không thể làm gián đoạn mùa làm tổ của các cặp uyên ương..."(3).

Cho đến trước khi diễn ra cuộc đọ sức, chúng ta đã có bốn trung đoàn radar, bốn trung đoàn máy bay tiêm kích, một trung đoàn máy bay ném bom và vận tải; hai trung đoàn tên lửa: Trung đoàn 261 đứng chân ở phía bắc và Trung đoàn 257 ở phía tây nam cùng với sáu trung đoàn pháo Phòng không và hàng chục đơn vị tự vệ phòng không tham gia bảo vệ Hà Nội. Hải Phòng có hai trung đoàn tên lửa (238 và 285), ba trung đoàn pháo phòng không. Trung đoàn tên lửa 274 đứng chân và tham gia chiến đấu ở phía nam Khu 4 từ trước đó cũng được lệnh điều ra tăng cường bảo vệ cho Thủ đô. Đầu tháng 9/1972, tức là ba tháng trước khi diễn ra trận tập kích khốc liệt, bản Kế hoạch tác chiến chống cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng sau nhiều lần bổ sung, điều chỉnh đã hoàn thành một cách cơ bản và nhanh chóng được phổ biến đến tất cả các đơn vị trong toàn quân. Và ít ai biết rằng trước ngày 3/12/1972, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng đã cơ bản được hoàn tất.

Có thể nói trận "Điện Biên Phủ trên không" thật sự là một cuộc đấu trí và đấu mưu cực kỳ căng thẳng giữa cơ quan Tổng hành dinh của ta với bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ, đồng thời cũng là một thử thách lớn đối với quân và dân Việt Nam. Nhờ hiểu rõ, đánh giá đúng bản chất, âm mưu thủ đoạn của kẻ địch và lường trước được những hành động phiêu lưu quân sự của chúng nên từ rất sớm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, quân và dân miền bắc đã có sự chuẩn bị chu đáo cả về tư tưởng, cả về tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận và qua thực tế chiến đấu đã từng bước bổ sung, hoàn chỉnh các phương án tác chiến phòng không... Chính vì vậy, chúng ta đã không bị bất ngờ cả về chiến lược, chiến dịch và cách đánh. Quân và dân miền bắc bước vào cuộc đọ sức với "siêu pháo đài bay B-52" với một tâm thế chủ động, bình tĩnh, tự tin, triển khai một thế trận chiến tranh nhân dân độc đáo và sáng tạo, làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không" gây chấn động cả thế giới.

(1) Bài nói chuyện của đ/c Lê Đức Thọ với BBT Tạp chí LSQS (Tháng 12/1986). Lưu tại Tòa soạn t/c LSQS.

(2) Hồ Chí Minh - Biên niên sự kiện quân sự. Nxb QĐND,H.2011. Tr.517

(3) Đặc san Điện Biên Phủ trên không. Tr.21.

Không hiện thực hóa được dã tâm "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá", nhưng bom đạn đế quốc Mỹ đã gây cho Hà Nội nhiều tổn thất và để lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, làm chết 2.380 người, bị thương 1.355 người…, phá hỏng gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga xe lửa... (Theo số liệu từ cuốn Hà Nội - "Điện Biên Phủ trên không", Nxb Hà Nội, 2019, trang 182).

Thiệt hại trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng là rất lớn. Các khu phố thuộc các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền và các nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Nhà máy Xi-măng và nhiều khu dân cư, trường học, bệnh viện đều chịu sự tàn phá của bom, đạn từ máy bay địch. Cùng với việc bắn phá ác liệt, địch còn thả nhiều bom, mìn, thủy lôi nhằm phong tỏa cảng Hải Phòng, ngăn chặn đường viện trợ, thông thương hàng hóa của quốc tế đối với Việt Nam và tiếp tế của miền bắc đối với chiến trường miền nam (theo đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng).