Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo trong chuyến thăm đảo Lampedusa (Italy) với Thủ tướng nước chủ nhà Giorgia Meloni, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo kế hoạch 10 điểm của EU bao gồm một cơ chế đoàn kết, thông qua đó các quốc gia châu Âu tiếp nhận người nhập cư đã đến Lampedusa, cập nhật luật pháp châu Âu về chống buôn người, khả năng triển khai một chiến dịch hải quân mới của EU ở Địa Trung Hải, hồi hương nhanh hơn những người xin tị nạn bị từ chối và mở các hành lang nhân đạo an toàn cho những người di cư hợp pháp...
Bà von der Leyen nêu rõ, nhập cư bất hợp pháp là một thách thức của châu Âu, đòi hỏi phải có phản ứng chung của các nước trong châu lục. Người đứng đầu EC cam kết sẽ tăng cường giám sát trên không ở Địa Trung Hải thông qua các cơ quan châu Âu, trong đó có Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển EU (Frontex), phối hợp các nước là quê hương của người di cư để hồi hương an toàn những người không đáp ứng điều kiện tị nạn ở châu Âu.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo châu Âu đến “điểm nóng” Lampedusa diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người di cư trên các tàu thuyền khởi hành từ Bắc Phi đã đến hòn đảo này trong tuần trước, gây ra tình trạng khủng hoảng tiếp nhận người di cư và làm nóng trở lại cuộc tranh luận giữa các nước thành viên EU về vấn đề phân bổ người tị nạn.
Trong các ngày từ 11-13/9, khoảng 8.500 người di cư - nhiều hơn toàn bộ dân số đảo Lampedusa - đã đến đảo này trên 199 tàu. Hội Chữ thập đỏ Italy, đơn vị vận hành trung tâm tiếp nhận người di cư tại Lampedusa, cho biết tính đến ngày 17/9, cơ sở này có 1.500 người di cư tạm trú, gấp hơn ba lần công suất phục vụ thông thường là 400 người.
Các hoạt động đưa người di cư tới đảo Sicily và các nơi khác không theo kịp làn sóng người di cư kéo đến. Trong khi đó, hàng chục tàu nhỏ chở người di cư vẫn đang hướng tới đảo Lampedusa, đe dọa nghiêm trọng hệ thống quản lý người nhập cư của hòn đảo này.
Chính phủ Italy đã công bố gói biện pháp cứng rắn, theo đó quyết định nâng thời giam giữ người di cư chờ hồi hương từ mức 135 ngày hiện nay lên đến 18 tháng, đồng thời phê duyệt việc xây thêm những trung tâm giam giữ ở các khu vực hẻo lánh. Thủ tướng Giorgia Meloni kêu gọi EU triển khai hải quân để ngăn chặn các tàu thuyền của người di cư trái phép.
Về phần mình, bà von der Leyen kêu gọi các thành viên khác của EU tiếp nhận người di cư để chia sẻ gánh nặng với Italy. Ngày 18/9, Pháp cho biết sẽ thành lập một trung tâm tiếp nhận tạm thời mới dành cho người di cư và người tị nạn tại biên giới với Italy ở Menton với sức chứa 200 người mỗi ngày.
Nhằm thể hiện tình đoàn kết với Italy, Chính phủ Đức đã thông báo kế hoạch nối lại việc tiếp nhận người tị nạn từ “đất nước hình chiếc ủng”, chỉ vài ngày sau khi Berlin tạm đình chỉ hoạt động này. Theo chương trình tự nguyện tiếp nhận người tị nạn, Đức cam kết tiếp nhận 3.500 người tị nạn từ các quốc gia đặc biệt gặp khó khăn ở biên giới phía nam châu Âu, trong đó có Italy. Cho đến nay, khoảng 1.700 trường hợp (trong đó có hơn 1.000 trường hợp từ Italy) đã được Đức tiếp nhận.
Để đối phó làn sóng di cư từ Bắc Phi tới châu Âu đang trở nên mất kiểm soát, Italy kêu gọi đưa ra các quyết định chính sách cấp cao để thiết lập một chiến lược hoạt động mới chống lại nạn buôn người nhằm ngăn chặn tận gốc vấn đề người di cư. Đồng thời, Italy đã phải tìm kiếm sự can thiệp của LHQ để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đề xuất thiết lập cơ chế khu vực thống nhất về thủ tục cập bến và bố trí lại những người di cư đến Italy bằng đường biển trên khắp EU.