70 năm Ngày ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

Những bài học còn nguyên giá trị

70 năm đã trôi qua kể từ ngày ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, song hiệp định này vẫn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà chính trị, ngoại giao, quân sự, cũng như những nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước. Ngày 19/7, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam” (21/7/1954 - 21/7/2024).
0:00 / 0:00
0:00
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham quan triển lãm tại Hội thảo khoa học "70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam".
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham quan triển lãm tại Hội thảo khoa học "70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam".

Chiến thắng quân sự là tiền đề

Phát biểu ý kiến khai mạc sự kiện, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: "Hiệp định Geneva mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới; đồng thời, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Kỷ niệm 70 năm ngày ký kết hiệp định là dịp để chúng ta ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao Việt Nam, trong đó có công lao của những nhân chứng lịch sử, những người đã đàm phán, ký kết và đem đến thắng lợi của Hội nghị Geneva, mở ra một giai đoạn mới cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam".

Theo Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Phó Viện trưởng Lịch sử quân sự, chiến thắng trên mặt trận quân sự là tiền đề giúp chúng ta đi đến Hiệp định Geneva. Trong thời kỳ đầu kháng chiến, thực dân Pháp đã khước từ toàn bộ giải pháp hòa bình do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất. Thậm chí, trong cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phía Pháp, quân Pháp thậm chí đưa ra yêu sách buộc chúng ta đầu hàng. Khi không đạt được mong muốn, thực dân Pháp đã sử dụng các biện pháp quân sự hòng đạt được chiến thắng một cách nhanh nhất. Bởi vậy, quân Pháp tổ chức cuộc hành quân lên Việt Bắc thu-đông năm 1947. Cuộc hành quân này thất bại, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp bị phá sản. Từ đó, quân và dân Việt Nam tiếp tục xây dựng lực lượng, củng cố thế trận để giành chiến thắng từng bước.

“Đông-xuân 1953-1954, chúng ta đã có sự trưởng thành lớn mạnh, bẻ gãy kế hoạch Navarre của Pháp với mục tiêu là trong vòng 2 năm giúp thực dân Pháp "kết thúc chiến tranh trong danh dự". Pháp khi đó buộc phải tập trung quân đội lên Điện Biên Phủ với hy vọng biến nơi đây thành "cối xay thịt" Việt Minh. Dù vậy, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và người chỉ huy trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Điện Biên Phủ của ta đã thành công vang dội, buộc Pháp ngồi vào bàn đàm phán”, TS Lê Thanh Bài cho biết.

Ban đầu, Hội nghị Geneva tổ chức theo sáng kiến của “tứ cường” gồm Anh, Pháp, Liên Xô (trước đây) và Mỹ, tập trung bàn về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Trước tháng 5/1954, hội nghị này không cho phép đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự. Đến đầu tháng 5, khi thấy quân Pháp đứng trước nguy cơ thất bại thảm hại, các nước lớn mới chính thức chấp thuận nước ta tham gia đàm phán. “Như vậy, có thể nói sức mạnh quân sự là tiền đề góp phần đưa chúng ta đi đến Hiệp định Geneva lịch sử”, Phó Viện trưởng Lịch sử quân sự khẳng định.

Với Hiệp định Geneva, miền bắc được hoàn toàn giải phóng và trở thành hậu phương lớn, căn cứ địa vững chắc của tiền tuyến lớn miền nam. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để quân và dân ta củng cố thắng lợi đã giành được; chuẩn bị bước vào giai đoạn tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Những bài học còn nguyên giá trị ảnh 1

Các đại biểu dự Hội thảo khoa học "70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam".

Những bài học mang ý nghĩa thời đại

70 năm đã trôi qua, song bài học từ Hiệp định Geneva được cho là vẫn còn nguyên giá trị. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn kết hợp khéo léo giữa “đánh” và “đàm”, giữa giành thắng lợi mang tính chiến lược trên chiến trường với giải pháp ngoại giao để bảo vệ nền độc lập và lập lại hòa bình. Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva là một sự kết hợp mẫu mực và điển hình như vậy. Sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận chính trị và quân sự, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chuyển hóa những thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi về chính trị, pháp lý và đối ngoại.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại sứ Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, trong quá khứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn kiên định quan điểm là giải quyết vấn đề bằng cả quân sự, chính trị trên tinh thần giữ vững đoàn kết quốc tế. Đại sứ khẳng định: “Thành công của Hiệp định Geneva là minh chứng cho phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, đó là kiên trì về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, tận dụng mâu thuẫn của các nước lớn nhưng không để họ gạt mình ra bên ngoài. Do đó, chúng ta đã đạt được kết quả như mong đợi”.

Trong khi đó, ông Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao đánh giá, đối với thế hệ người làm công tác ngoại giao hiện nay, để thấm nhuần, vận dụng phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh vào đối ngoại là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ông cũng cho rằng, những bài học ngoại giao từ Hiệp định Geneva, như luôn nếu cao tinh thần độc lập tự chủ, kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia trong mọi hoàn cảnh; phát huy vai trò tiên phong của ngoại giao bằng các biện pháp hòa bình, đàm phán trong giải quyết xung đột, tranh chấp; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế để tạo ra hình ảnh, vị thế ngày càng gia tăng của đất nước... vẫn luôn còn giá trị để có thể ứng dụng vào bối cảnh nước ta hiện nay, trong xu thế phát triển của thế giới.