Xu hướng khó đảo ngược

Ngày 19/7 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn thế giới sẽ lần đầu vượt sản lượng điện từ than đá vào năm 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: STEVE GREENBERG
Biếm họa: STEVE GREENBERG

Đây được xem là xu hướng phát triển xanh, sạch giúp chống lại những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

AP dẫn một báo cáo mới đây của IEA cho thấy, nhu cầu điện toàn cầu dự kiến tăng 4% trong năm 2024 và năm sau, cao hơn mức 2,5% của năm 2023. Đây là mức tăng trưởng hằng năm cao nhất kể từ năm 2007, ngoại trừ các biến động sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19. Giám đốc Thị trường và an ninh năng lượng IEA, ông Keisuke Sadamori nhận định, nhu cầu điện tăng cao phản ánh vai trò ngày càng tăng của điện trong nền kinh tế và tác động của các đợt nắng nóng dữ dội toàn cầu.

Để đáp ứng nhu cầu này, thủy điện, điện mặt trời, điện gió và những nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ cung cấp 35% nguồn cung điện toàn cầu vào năm 2025, tăng so mức 30% của năm 2023. Riêng năng lượng mặt trời sẽ đáp ứng một nửa tăng trưởng nhu cầu điện trong năm 2025, trong khi điện gió đóng góp thêm 25%.

Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo sản xuất điện từ than đá vẫn chưa thể giảm do nhu cầu điện tăng cao. Nóng nắng gay gắt tại Ấn Độ dự kiến sẽ khiến nhu cầu điện của nước này tăng 8% trong năm nay, trong khi nhu cầu của Trung Quốc tăng 6%. Tại châu Âu, nhu cầu điện dự kiến tăng 1,7%. Còn tại Mỹ, con số này là 3% do sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm dữ liệu khổng lồ.

Mặc dù tỷ trọng năng lượng tái tạo đang trên đà tăng, song chuyên gia Sadamori nhận định tốc độ chuyển đổi hiện tại vẫn chưa đủ để đạt được các mục tiêu quốc tế về năng lượng và khí hậu. Đó là chưa kể thế giới cần nguồn ngân sách khổng lồ để phát triển năng lượng sạch. Tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock của Mỹ cho rằng, tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh trên thế giới cần khoản đầu tư lên tới 4.000 tỷ USD/năm vào giữa những năm 2030.

Tuy quá trình phát triển năng lượng xanh tiến tới chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản suất điện còn gặp nhiều khó khăn, song đây là xu hướng khó đảo ngược trong tương lai gần nhằm hạn chế ở mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu.