IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 ở mức 3,2%, nhưng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Nhật Bản, đồng thời cảnh báo về rủi ro lạm phát và căng thẳng thương mại sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 do lạm phát còn cao. Ảnh: CNN
IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 do lạm phát còn cao. Ảnh: CNN

Bức tranh kinh tế sáng sủa

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% năm 2024, không thay đổi so dự báo hồi tháng 4, trong khi năm 2025 nhỉnh hơn một chút ở mức 3,3%. IMF nhận định, hoạt động toàn cầu và thương mại thế giới đã tăng lên vào đầu năm, được thúc đẩy bởi xuất khẩu mạnh mẽ từ châu Á, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc được điều chỉnh lên 5% do tiêu dùng tư nhân phục hồi và xuất khẩu mạnh. Con số này của Ấn Độ dự kiến đạt 7%, một phần là do triển vọng tiêu dùng tốt hơn. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, trong khi nhiều nước chứng kiến mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong 6 tháng đầu năm nay, IMF nhấn mạnh bất ngờ đáng chú ý ở Nhật Bản và Mỹ. Cụ thể, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 bị hạ xuống còn 2,6%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so dự báo của tháng 4, do “khởi đầu năm chậm trễ”. Nền kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so dự kiến, đạt 0,7% trong năm nay. Theo IMF, nguyên nhân chủ yếu là do gián đoạn nguồn cung tạm thời và đầu tư tư nhân yếu trong quý I/2024.

IMF cảnh báo vẫn còn rủi ro lạm phát trong bối cảnh căng thẳng thương mại hoặc địa-chính trị gia tăng, dù quỹ này vẫn dự kiến lạm phát sẽ giảm, trở lại mức mục tiêu vào cuối năm 2025. IMF cho biết, căng thẳng thương mại leo thang cũng có thể làm tăng rủi ro lạm phát trong ngắn hạn, vì sẽ đẩy chi phí hàng hóa nhập khẩu lên cao. Lạm phát cao hơn có thể làm tăng khả năng lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài, làm tăng rủi ro tài chính. Trong bối cảnh này, IMF kêu gọi các quốc gia điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Lạm phát giảm chậm ở châu Âu

Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cho hay, kể từ đầu năm 2024, nỗ lực đối phó lạm phát hầu như chỉ đạt được những thành công khiêm tốn, trong đó giá dịch vụ tăng vẫn là vấn đề dai dẳng. Lạm phát giảm khá chậm. Tại Eurozone, tỷ lệ lạm phát là 2,5% trong tháng 6, thấp hơn mức 5% của cùng kỳ năm ngoái và 10% của cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lạm phát khó có thể quay trở lại mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước mùa thu 2025.

Bundesbank, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) và các ngân hàng thương mại chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, nền kinh tế thích ứng tốt một cách bất ngờ với tình trạng lãi suất tăng. Ngay cả ở Đức cũng không hề có suy thoái. Thứ hai, trong lĩnh vực dịch vụ, lạm phát đang giảm chậm hơn bình thường vì có sự gia tăng đáng kể về nhu cầu. Ngoài ra, lương tăng cũng có tác động mạnh đến chi phí của nhà cung cấp dịch vụ. Thứ ba, năng suất lao động không tăng. Đối với các công ty, điều này có nghĩa là họ không thể cung cấp chất lượng hoặc hiệu suất cao hơn mặc dù lương tăng. Thứ tư, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu giảm trong năm qua và nhiều giá nguyên liệu thô giảm, song chính sách hỗ trợ nguồn cung hết hạn nên sẽ không còn đóng góp đáng kể vào việc giảm lạm phát thêm nữa. Thậm chí, lạm phát có thể tăng trở lại do xung đột địa chính trị.

Thứ năm, có những biến động mới trong hoạt động vận tải biển. Theo chuyên gia thương mại thế giới Vincent Stamer ở Ngân hàng Commerzbank, gần đây cứ 12 container thì có một container bị kẹt trên biển, khiến giá cước vận tải tăng hơn gấp đôi. Giá hàng hóa vận chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu tăng đặc biệt mạnh. Thứ sáu, giá thuê tăng cũng khiến tỷ lệ lạm phát khó giảm hơn nữa. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot cho rằng, ECB cần cân nhắc việc cắt giảm lãi suất tiếp theo dựa trên bối cảnh hiện nay.