Có thể thấy rằng, việc áp dụng quy định tăng nặng hầu hết các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là mức phạt được tăng lên rất cao so khung xử phạt trước đây đã khiến cho nhiều người tham gia giao thông ở các thành phố lớn trở nên cẩn trọng và ý thức cao hơn. Thói quen sử dụng phương tiện tham gia giao thông theo quy tắc “dòng nước chảy” của không ít công dân Thủ đô để đến công sở nơi làm việc hoặc đưa con đi học cho nhanh sẽ buộc phải thay đổi nếu không muốn bị thường xuyên nộp phạt.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, cách đây một năm, Hà Nội có khoảng hơn 1,2 triệu xe ô-tô, gần 7 triệu xe gắn máy tham gia giao thông hằng ngày. Cần lưu ý rằng, tại Thủ đô Hà Nội, năm 2018 chỉ có 5,5 triệu xe máy, 600 nghìn ô-tô, thì sau 5 năm (2023) đã tăng tới gần 7 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô-tô (chưa kể tới xe ngoại tỉnh vào Hà Nội). Hà Nội cần 20-25% diện tích đất xây dựng đô thị trung tâm dành cho giao thông, nhưng đến nay mới chỉ đạt xấp xỉ 12%. Riêng về giao thông tĩnh cần 3-4% diện tích, song đến nay chỉ đạt 0,4%. Vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân, nên càng gây áp lực về giao thông. Trong khi Hà Nội cần đạt 30-35% nhu cầu đi lại trong đô thị trung tâm, song đến nay, dù đã có nhiều loại hình giao thông công cộng song mới chỉ đạt 20%.
Có thể thấy, việc áp dụng mức xử phạt cao đối với chủ phương tiện vi phạm luật giao thông được áp dụng đã đáp ứng được phần “răn đe” đối với người vi phạm và có nguy cơ vi phạm. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn phát sinh một số băn khoăn. Như quy định bắt buộc người lái xe không được lái xe liên tục nhiều giờ (sẽ khiến lái xe gặp khó khi bị tắc đường). Việc nhường đường cho xe ưu tiên trong một số trường hợp có thể khiến người tham gia giao thông bị “phạt nguội” vì phải luồn lách, lấn vạch, hay quá trình xử lý linh hoạt đối với những hoàn cảnh đặc biệt như đưa người đi cấp cứu, tham gia một số hoạt động đặc thù mà không phải xe chuyên dụng, thậm chí là mở rộng các tuyến đường vốn hiện chỉ đang là đường 1 làn hỗn hợp tại Thủ đô… Tin tưởng rằng, những băn khoăn ấy sẽ sớm có lời giải đáp.
Cần phải hiểu một cách rõ ràng là mọi công dân trong xã hội cần luôn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử phổ biến trong xã hội. Vậy nên trước hết người dân cần phải tôn trọng và tuân thủ theo quy định của điều luật mới. Đồng thời những sai phạm vốn đã trở thành “lề thói” từ trước tới giờ cần phải được xử lý nghiêm minh nhằm dẹp bỏ ý thức vi phạm một cách kiên quyết. Từ đó sẽ giúp cho tình hình giao thông trở nên nền nếp hơn, tiến tới nền giao thông văn minh trong thời gian tới.