Cẩn trọng với giải chấp

Cứ mỗi khi thị trường chứng khoán (TTCK) xuất hiện những đợt bán tháo, một số nhà đầu tư (NĐT) sẽ nghĩ ngay đến hoạt động bán giải chấp để thu hồi vốn cho vay (margin) của các công ty chứng khoán (CTCK). Nhưng cần biết rằng, thị trường giảm mạnh còn bởi nhiều nguyên do và giải chấp cũng phải có cơ sở mới diễn ra.
0:00 / 0:00
0:00

Câu hỏi đầu tiên là cổ phiếu (CP) giảm bao nhiêu thì sẽ bị bán giải chấp? Giả sử NĐT vay margin với tỷ lệ tối đa 1:1 (có 1 đồng vay thêm 1 đồng) để mua CP, thì nếu CP giảm 10% sẽ kéo theo giá trị tài sản của NĐT mất đi 20%, còn nếu CP giảm 20% thì giá trị tài sản bốc hơi 40%. Tại mỗi CTCK sẽ có các quy định riêng về các ngưỡng sụt giảm của CP để tiến hành giải chấp, nhưng cũng sẽ có những quy trình nhất định. Chẳng hạn, nếu CP giảm khoảng trên dưới 10% sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng nếu CP giảm từ 15-20% thì đầu tiên CTCK sẽ thông báo đến NĐT cần phải nộp thêm tiền để cân đối tỷ lệ tài sản/vốn vay hoặc tiến hành bán bớt CP.

Như vậy, khi riêng từng CP hoặc thị trường chung giảm đâu đó vượt ngưỡng 10% sẽ khiến các NĐT “rục rịch” tiến hành cân đối tài sản, thường thì ít khi đóng thêm, mà sẽ cân nhắc bán ra. Tất nhiên CTCK cũng phải tìm cách thông báo đến NĐT về việc cân đối tài sản sao cho vừa phù hợp, an toàn, nhưng cũng thật sự tế nhị. Bởi nếu công đoạn này thực hiện quá gắt thì có thể dẫn đến mất khách, thậm chí mang tiếng. Đây là một giai đoạn đầy rủi ro trên thị trường vì có thể xuất hiện những động thái kéo-xả, hoặc ép bán trong ngắn hạn khiến NĐT phải bán ra với giá thấp tạo ra cơ hội mua giá rẻ. Về mặt định lượng mà nói, nếu các CP có tính dẫn dắt, CP đầu cơ, CP vốn hóa lớn giảm khoảng 10% thì rủi ro giải chấp sẽ xuất hiện và nếu tiến đến ngưỡng 20% thì có thể là cao điểm của giải chấp.

Nhưng giải chấp không chỉ là cuộc chơi của con số, mà sẽ có yếu tố tâm lý chi phối rất mạnh. Những CP có tính đầu cơ, hoặc biến động lớn khả năng thu hút dòng tiền margin sẽ lớn nên rủi ro giải chấp cao nhất là điều hiển nhiên. Nhưng với những CP có thanh khoản và biến động không cao, có thể không rơi vào vòng xoáy giải chấp, nhưng vẫn có rủi ro tâm lý. Bởi trong bối cảnh TTCK giảm mạnh, VN Index giảm từ 30 điểm trở lên nhưng một số phiên gần đây, tâm lý lo ngại có thể khiến nhiều người hành động theo kiểu “bán cho chắc”. Trong trường hợp này, CP giảm vì yếu tố tâm lý và không thể kết luận là do giải chấp. Một trong những câu hỏi mỗi khi thị trường bước vào đợt giải chấp đó là “khi nào hết” hoặc “đã hết chưa” bởi đây cũng là thời điểm thị trường tạo đáy. Trong trường hợp không có những thông tin quá xấu thay đổi luôn xu hướng của thị trường thì khả năng CP giảm từ 20-25% có thể là chỉ báo kết thúc một đợt giải chấp.

Nhưng phải lưu ý, không phải CP nào sau khi kết thúc giải chấp cũng sẽ hồi phục mạnh mẽ, sẽ có những CP tuân thủ như vậy, nhưng cũng có những CP cần thêm thời gian hồi phục. Còn với các NĐT, để tránh rơi vào tâm lý hoảng loạn, cần chuẩn bị sẵn những chiến thuật để tránh giải chấp, chẳng hạn CP giảm 10% thì tính phương án cắt lỗ, đổi danh mục, hoặc xem xét kỹ các ngưỡng an toàn vốn để có động thái phù hợp.